Chiếc "Saxopô" độc nhất Đà Nẵng và chàng trai biến đồ bỏ thành nhạc cụ
Dòng chảy - Ngày đăng : 20:45, 26/01/2023
Chiếc "Saxopô" lạ kỳ
Ngày đầu năm mới, chúng tôi tìm đến cửa hàng của anh Trịnh Ngọc Huy Toàn (31 tuổi, quê Quảng Nam) để lắng nghe câu chuyện về chàng trai trẻ có biệt tài chế tạo nhạc cụ độc đáo.
Vừa đến đầu phòng chúng tôi đã nghe một âm thanh vang lên "Tết, tết đến rồi, tết đến trong tim mọi người" hòa cùng tiếng sáo du dương. Chúng tôi bất ngờ khi âm thanh đó lại phát ra từ một chiếc ống pô xe máy.
Thấy chúng tôi vẫn còn chưa tin, anh Toàn mới mỉm cười nói: "Đây là chiếc Saxopô của tôi đấy. Nó được chế tác thành một chiếc kèn saxophone từ ống pô xe nên được đặt tên là "saxopô". Với nhạc cụ này, tôi có thể thổi được các nốt giống như với một chiếc kèn thực thụ".
Chia sẻ về chiếc "Saxopô" độc đáo của mình, anh Toàn cho hay đã mất gần nửa năm để hoàn thành. Nhạc cụ độc đáo này là sản phẩm "độc nhất vô nhị" tại TP Đà Nẵng.
"Không phải loại ống pô nào cũng thổi được. Phải là loại ruột to thì âm thanh cho ra mới hay. Rồi người làm phải khoét các lỗ, đo âm từng nốt, kiểm chứng từng lỗ, để âm thanh ra đúng có thể hòa tấu với những loại nhạc cụ khác", anh Toàn bộc bạch.
Không chỉ chế tạo nhạc cụ từ chiếc ống pô xe, anh Toàn còn "biến hóa" những đoạn ống nước, chân ghế inox, khung xe đạp, ống lá đu đủ.
"Nhạc cụ tự chế đầu tiên của tôi là ống lá đu đủ, lúc đó tôi vô tình thổi vào thì nó phát ra âm thanh như sáo nên mới mày mò sáng tạo. Từ thành công đó tôi mới chế tạo thêm ra những loại nhạc cụ khác", anh Toàn nhớ lại.
Hãy tái chế chứ đừng "bỏ phế"
Anh Toàn từng gây ấn tượng với nhiều người dân và du khách khi biểu diễn nghệ thuật tại chân cầu Rồng, Đà Nẵng, với những nhạc cụ rất cồng kềnh được làm từ nhiều nguyên liệu tái chế.
Toàn bộ nhạc cụ của anh được chế tạo từ những vật liệu tưởng như bỏ đi, từ đó góp phần lan tỏa phong trào sử dụng đồ tái chế.
Ý tưởng sử dụng lại những đồ nhựa cũ để làm sáo đã được Toàn thực hiện trong thời gian còn là sinh viên. Anh đã tham gia cuộc thi tìm kiếm tài năng do trường tổ chức và đã chọn tiết mục biểu diễn các loại nhạc cụ tái chế. Tiết mục của anh đã chinh phục được ban giám khảo để nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi.
Cách đây không lâu, anh cũng đã có một đêm diễn thành công liên quan đến chủ đề hạn chế sử dụng đồ nhựa do Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Đà Nẵng tổ chức.
"Những đồ nhựa bị hỏng thì hãy tái chế chúng bằng cách này hay cách khác chứ đừng nên bỏ phế. Tôi thấy việc tái chế lại những đồ cũ là việc làm ý nghĩa không chỉ cho bản thân mà còn cho xã hội nữa", anh Toàn thổ lộ.
Không chỉ sử dụng những sản phẩm của mình làm ra để biểu diễn tại các sân khấu, hiện tại, anh còn mở lớp dạy sử dụng nhạc cụ, gồm các loại đàn và sáo tại nhà.
"Tất cả sản phẩm tự chế tôi không hề đăng ký bản quyền vì chúng là đam mê và thú vui riêng của tôi. Ngoài ra, âm nhạc thì dành cho mọi người, những ai có chung sở thích muốn tìm hiểu, tôi đều chỉ dẫn cho họ", anh Toàn bộc bạch.