Doanh nghiệp công nghệ Việt và những mục tiêu đầy tham vọng năm 2023
Cuộc sống số - Ngày đăng : 17:45, 26/01/2023
FPT với quyết tâm duy trì tăng trưởng 2 con số
Ngay trước thời điểm bước sang năm mới Quý Mão 2023, Công ty Cổ phần FPT đã thông qua Nghị quyết Hội đồng Quản trị số 01.01-2023. Theo kết quả kinh doanh năm 2022, Tập đoàn FPT có doanh thu kinh doanh hợp nhất 44.017 tỷ đồng, tăng 23,4% so với năm 2021. Trong năm qua, FPT đã đạt 7.654 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 20,8% so với năm trước.
Chia sẻ với VietNamNet, đại diện Tập đoàn FPT cho biết, Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần FPT đã phê duyệt và trình Đại hội đồng cổ đông phê duyệt kế hoạch kinh doanh 2023 với các một số chỉ tiêu chính.
Trong năm 2023, Tập đoàn FPT đặt mục tiêu sẽ thu về 52.289 tỷ đồng doanh thu, tăng 18,8% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế được FPT kỳ vọng trong năm mới là 9.055 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc FPT: “Việc tích luỹ kinh nghiệm, năng lực công nghệ sau 20 năm làm việc tại nước ngoài đã giúp chúng tôi trưởng thành về nguồn lực”.
Nhờ vậy, Tập đoàn FPT đã có thể đứng ra đảm nhận những dự án quan trọng nhất của quốc gia và có độ phức tạp cao, đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội. Trong số đó có thể kể tới dự án xử lý lỗi và nâng cấp hệ thống Sàn giao dịch chứng khoán TP HCM, Hệ thống quản lý thuế TMS, Hệ thống vé tàu điện tử, Hệ thống quản lý tổng thể bệnh viện FPT.eHospital.
“Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển của ngành CNTT, mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp để đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Với vai trò tập đoàn tiên phong CNTT, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm quốc tế, trở thành người đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam cả ở thị trường trong nước lẫn nước ngoài, thúc đẩy phát triển bền vững và nâng cao hơn nữa giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu”, ông Khoa nói.
Rikkeisoft sang Mỹ, Úc bằng nhân tài công nghệ Việt
Trở về Việt Nam sau một thời gian dài kinh doanh tại thị trường Nhật Bản, công ty phần mềm Rikkeisoft đã gây dựng được không ít thành tựu với việc sở hữu 8 chi nhánh tại các thành phố lớn ở Việt Nam và Nhật Bản.
Công ty phần mềm này hiện có hơn 1.600 nhân sự, nhiều người trong số đó đang học tập và sinh sống tại nước ngoài. Tốc độ tăng trưởng của Rikkeisoft tăng từ 1,5-2 lần mỗi năm với tập khách hàng lớn chủ yếu tại Nhật Bản và thị trường quốc tế.
Chia sẻ về dự định cho năm mới 2023, ông Tạ Sơn Tùng - Chủ tịch hội đồng thành viên Rikkeisoft cho biết, mục tiêu mở rộng thị trường và phát triển đối tác vẫn là trọng tâm trong năm tới của công ty.
“Năm 2023, chúng tôi đặt kế hoạch đưa nguồn lực CNTT Việt ra nước ngoài, tới những thị trường quốc tế mà công ty đang khai phá như Singapore, Australia và Mỹ. Hiện tại, Rikkeisoft đã đang làm việc với các đối tác trong khu vực để mở rộng cơ hội hợp tác nhằm xúc tiến kế hoạch này”, ông Tạ Sơn Tùng chia sẻ.
Tiết lộ thêm về kế hoạch kinh doanh, ông Ngô Minh Quân - Giám đốc Chuyển đổi số Rikkeisoft cho biết, về công nghệ AI, hiện Rikkeisoft đã có những tự chủ ban đầu về công nghệ lõi. Định hướng của công ty sẽ là đầu tư hơn nữa vào sản phẩm ứng dụng AI như camera thông minh, loa thông minh.
Trong năm 2023, Rikkeisoft sẽ triển khai thêm về công nghệ Blockchain, đi sâu vào việc khai phá những tiềm năng của công nghệ phi tập trung và chú trọng hơn vào ứng dụng thực tế.
“Robotics là một lĩnh vực được Rikkeisoft đầu tư nghiên cứu từ năm 2019. Sắp tới Rikkeisoft sẽ đẩy mạnh việc tạo ra các sản phẩm ứng dụng thực tế nhờ công nghệ robot, từ đó áp dụng trong một số môi trường thực tế như khách sạn, resort và sân golf. Trong năm tới, Rikkeisoft sẽ hưởng ứng xu hướng xe điện bằng cách phát triển các ứng dụng AI và tạo ra các ứng dụng cài đặt trên xe”, Giám đốc Chuyển đổi số Rikkeisoft nói.
VNG đưa ngành game Việt vươn ra châu Á
Kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam - Tập đoàn VNG cũng đặt ra nhiều kỳ vọng trong năm mới 2023. Theo định hướng chiến lược kinh doanh của VNG, trong lĩnh vực trò chơi trực tuyến, tập đoàn này có dự định sẽ đầu tư vào một số game studio ở thị trường các nước châu Á như Thái Lan, Indonesia, Philippines, Malaysia, Đài Loan...
Theo chia sẻ từ VNG, ZingPlay Game Studios (ZPS) sẽ phát hành ở những thị trường hoàn toàn mới. Tập đoàn này cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào các studio như MPS và ZPS để có các sản phẩm toàn cầu.
Đối với các nền tảng kết nối, VNG định hướng Zalo sẽ trở thành nền tảng tích hợp đa dịch vụ và là một sản phẩm thiết yếu. Doanh nghiệp này cũng hướng đến việc trở thành công ty công nghệ nội dung, dùng data và Al làm cốt lõi.
Trong lĩnh vực thanh toán, VNG đặt mục tiêu đưa ZaloPay trở thành ví điện tử thông dụng và không thể thiếu trong đời sống người Việt. Ở mảng dịch vụ đám mây, VNG Cloud hướng tới việc trở thành nhà cung cấp tiêu chuẩn quốc tế, không chỉ tạo ra các nền tảng và sản phẩm công nghệ mà còn phát triển và xây dựng các giải pháp công nghệ, góp phần giải quyết các vấn đề trong chuyển đổi số.
Sau 18 năm hoạt động trong ngành công nghệ Việt Nam, VNG xác định sứ mệnh của mình không chỉ là tập trung phát triển bản thân công ty, mà còn phải giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp khác của Việt Nam phát triển và lớn mạnh, hình thành nên một hệ sinh thái các công ty công nghệ trong nước.