Rước pháo Đồng Kỵ rực rỡ, sôi động mở đầu tháng lễ hội trải khắp miền Bắc
Nhịp sống - Ngày đăng : 23:00, 25/01/2023
Hội rước pháo làng Đồng Kỵ diễn ra ngày mùng 4 Tết âm lịch hàng năm được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây cũng là lễ hội mở màn cho chuỗi lễ hội kéo dài qua tháng 2 âm lịch khắp các tỉnh phía Bắc.
Ngay từ 7h sáng, người dân Đồng Kỵ đã tập trung tại khu vực nhà truyền thống, chuẩn bị các công đoạn cho lễ rước pháo ra đình làng.
Hàng năm, làng Đồng Kỵ sẽ chọn 4 người bước sang tuổi 50 ở mỗi giáp, làm 4 vị tướng xuất quân đánh giặc (gọi là Quan Đám). Mỗi vị tướng có trách nhiệm tổ chức quân cũng như làm ra những quả pháo từ nhỏ đến to, quả nhỏ (pháo tư) dài khoảng 5m, quả lớn nhất (pháo nhất) có thể dài đến 15m, hình quả pháo là hình trụ tròn, đường kính có thể lên tới hơn 1m.
Mỗi quả pháo được 30 thanh niên trong làng thay nhau khiêng, rước dọc đường làng từ nhà truyền thống đến sân đình của để làm lễ.
Dọc 2 bên đường từ nhà truyền thống tới đình làng trung rất đông người dân Đồng Kỵ, khu vực lân cận và du khách thập phương tới tham dự, chiêm ngưỡng lễ hội sắc màu bậc nhất các tỉnh phía Bắc. Thực hiện theo quyết định của Chính phủ về cấm đốt pháo từ năm 1994, hình thức của lễ hội đã thay đổi ít nhiều, không còn hội đốt pháo nữa, pháo hiện tại cũng chỉ là pháo giả dùng cho lễ hội.
Thời tiết se lạnh nhưng tràn ngập nắng ấm ngày mùng 4 Tết khiến lễ hội càng trở nên đông vui, náo nhiệt hơn. Nhiều gia đình mang bàn ghế ra ngồi trước cửa nhà để ngắm đoàn rước đi ngang qua.
Nhiều người cao tuổi đã có mặt trước đó tại đình làng, đây là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn với Đức Thánh Thiên Cương. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương, những nghi lễ truyền thống.
Pháo được rước từ nhà truyền thống và đặt tại đình trước sự chứng kiến của hàng nghìn người dân và du khách thập phương.
Trên đường rước pháo, trai tráng dẫn đoàn rước pháo thỉnh thoảng cùng nhau tụ lại, đồng thanh vỗ tay và hô to như một cách thay cho tiếng pháo, mang đến không khí sôi động cho người dân tham dự lễ hội.
Hai quả pháo được đặt trang trọng tại sân đình để làm lễ sau hành trình dài rước dọc đường làng.
Phía sân trong, thanh niên trong làng chia làm 4 giáp, thay trang phục bằng quần và đai vải đỏ như trai tráng chuẩn bị ra trận xưa kia.
Những trai đinh này có nhiệm vụ kiệu đỡ 4 ông Quan Đám diễn múa ở phần cao trào của lễ hội.
Hàng nghìn người đã có mặt chật kín sân đình tham dự lễ rước Quan Đám.
Các ông Đám được công kênh trên vai bởi những trai đinh đang độ sung sức làm động tác múa như muốn cổ động tinh thần quân lính và như chào tạm biệt nhân dân đi đánh giặc.
Quan Đám chít khăn đóng giả gái mua vui cho mọi người, còn các thanh niên chen lấn, xô đẩy chạy vòng quanh, vị quan đám nào được giữ đứng lâu nhất sẽ là người chiến thắng.