‘Nhà bà Nữ’ không phải cine, vừa truyền hình vừa kịch và giáo lý đạo đức’
Xem - nghe - đọc - Ngày đăng : 19:14, 25/01/2023
Facebook cá nhân của nhà văn, nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập đang thu hút cộng đồng mạng vì cảm nhận của ông về phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành.
Mùa Tết 2023, phim Việt có số lượng thấp nhất trong những năm gần đây khi cuộc đua chỉ có 2 phim gồm: Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2. Phim Nhà bà Nữ của Trấn Thành có phần thắng thế khi thu về khoảng 50 tỷ đồng chỉ sau 2 ngày công chiếu (từ mùng 1 đến mùng 2 Tết).
Phần lớn, khán giả đều lựa chọn Nhà bà Nữ và dành nhiều lời khen ngợi cho dự án của Trấn Thành trong vai trò đạo diễn độc lập. Thế nhưng, ý kiến của nhà văn kiêm nhà biên kịch Nguyễn Quang Lập lại trái ngược đám đông.
Ông kể ngày Tết, cả nhà đi xem phim của Trấn Thành, khán giả chỉ hơn nửa rạp, mặc dù xem vào khung 18h. Nhưng “nó là cái gì chứ không phải cine, đại khái vừa tivi vừa kịch, ồn ào, đầy những diễn giải và giáo lí đạo đức”.
Dù vậy, nhà văn nhận định: “Người trong nghề xem rất khó chịu nhưng người ngoài nghề thì xem rất hứng thú, kể cả những người hiểu biết, đặc biệt lớp trẻ tiểu thị dân”.
Nguyễn Quang Lập cũng nói thêm ông xem kỹ để biết vì sao lại đông khách và kết luận của nhà văn là: “Nó là phim đúng nghĩa giải trí 100%.
Phim cũ kỹ nhưng sinh động. Khán giả chẳng quan tâm cũ mới chỉ cần sinh động. Phim rất kịch nhưng nhiều xen kịch rất vui, một vài xen lôi cuốn. Khán giả chẳng cần biết kịch hay phim, cine hay tivi, chỉ cần vui, lôi cuốn.
Phim đầy những diễn giải, giáo lí nhưng đánh trúng các vấn đề gia đình đương thời, nhất là lớp trẻ tiểu thị dân. Khán giả chẳng cần hay dở, chỉ cần nói trúng những gì họ đang thèm nghe là ok rồi”.
Cuối cùng, nhà văn kiêm biên kịch Nguyễn Quang Lập viết: “Làm phim ăn khách rất khó, với tôi, làm phim ăn khách còn khó gấp mười làm phim ăn giải. Vài ý như rứa để các nhà làm phim đương thời tham khảo”.
Bài viết của ông thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng. Một tài khoản đồng tình: “Vâng anh. Ví dụ ai làm một bài thơ dở nhưng rất được nhiều người khen. Còn bài thơ hay không ai khen. Vì người biết đọc thơ hay họ không lên Facebook”.
Tài khoản Phạm Anh Thư cùng quan điểm: “Style kịch truyền hình bối cảnh phim. Bố già cũng vậy ạ”. “Em cũng thấy phim như Trong nhà ngoài phố, thiếu ngôn ngữ điện ảnh, chỉ như phim truyền hình, nhưng lại đông khách”, T.Q chia sẻ.
Tài khoản tên V.H đánh giá: “Phim dừng ở mức ổn so với các phim Việt chiếu Tết những năm gần đây, nhưng lại tung hô quá đà. Câu chuyện, màu phim đều cũ kỹ, không mới mẻ, chẳng khác những phim web-drama là bao. Trấn Thành lạm dụng thoại quá nhiều, nhân vật diễn giải nhiều đến phản tác dụng. Giá như ý nghĩa câu chuyện được thể hiện qua khung hình, ngôn ngữ điện ảnh sẽ đắt giá hơn là lời nói. Điều mà Trấn Thành chưa làm được”.
“Tôi chờ đợi vào Trấn Thành nhiều hơn. Với thành công về doanh thu từ 2 dự án Bố già, Nhà bà Nữ, tôi nghĩ phải đến lúc anh ấy nên đào sâu hơn nữa về nghệ thuật thay vì cứ tiếp tục làm phim lấy nước mắt người xem nhưng lại không mang đậm dấu ấn điện ảnh.
Thành công về doanh thu không thể nói phim hay, nên Trấn Thành cần tỉnh táo vì anh có trách nhiệm khi phim thu về hàng trăm tỷ. Cần lắm những nhà làm phim sáng tạo, tâm huyết với điện ảnh Việt thay vì chăm chăm làm phim trăm tỷ, mặc dù tôi vẫn cho rằng doanh thu là động lực của họ”, T.L trăn trở.
Tuy vậy, vẫn nhiều ý kiến bênh vực phim của Trấn Thành. “Tôi thích những người làm phim như Trấn Thành. Phim doanh số cao của họ thực sự là những cú hích cho điện ảnh Việt xem lại chính mình. Tôi luôn quan niệm cả điện ảnh và truyền hình khán giả là tiêu chí số một”, tài khoản Q.H nhận định.
A.N cũng đưa quan điểm: “Những phim cứ bảo giàu nghệ thuật nhưng không ai xem, do nghệ thuật vị nhân sinh sẽ sống, nghệ thuật vị nghệ thuật chỉ đề thờ”.
“Tôi đưa gia đình đi xem vì câu chuyện tạo được sự đồng cảm cho số đông, chúng tôi thấy bản thân trong câu chuyện phim. Gia đình tôi vừa cười vừa khóc khi xem phim”, tài khoản V.P nói.
Phim Nhà bà Nữ vẫn đang được công chiếu trên toàn quốc.