Văn hóa rượu cần của người Thái

Dòng chảy - Ngày đăng : 15:13, 25/01/2023

Rượu cần, tiếng Thái gọi là "Làu háy", được xem là sản vật, lễ vật đối với đồng bào dân tộc Thái ở Tương Dương, tỉnh Nghệ An.

Rượu cần giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống đồng bào dân tộc Thái, ở các ngày hội, lễ của dân tộc, cưới, mừng nhà mới hay có khách quý đến chơi; trong những lễ cúng thần núi, thần rẫy, rượu cần được xem là nghi vật. Khác với các loại rượu khác, uống rượu cần, có nét văn hóa riêng biệt.

Văn hóa rượu cần của người Thái - 1

Rượu được ủ khoảng 10 ngày trở lên là có thể dùng được.

Tùy theo tính chất của buổi tiệc, thường thì chum rượu được đặt ở vị trí trung tâm nhất, giữa sân hay giữa nhà hoặc nơi tiến hành lễ. Trước khi uống phải tiến hành thủ tục, xin, mời tổ tiên, thần thánh về chứng giám cho lòng thành, sau đó con cháu mới được uống.

Văn hóa rượu cần của người Thái - 2

Để có được vò rượu cần ngon các công đoạn đều phải được làm sạch.

Anh Lô Văn Hoàng - Trưởng bản Cây Me, xã Thạch Giám, Tương Dương chia sẻ: "Đồng bào dân tộc Thái chúng tôi rất tôn trọng, duy trì bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Trong tất cả các ngày lễ, ngày vui đều có một bản sắc riêng và không thể thiếu rượu cần. Đối với tục uống rượu cần, chúng tôi tổ chức vào ngày lễ hội lớn của đất nước và lễ Tết, đám cưới. Trong khách mời đầu tiên (người Thái gọi là "Ban húa") là người già, người có uy tín trong bản, khách quý sau đó mới lần lượt đến những người khác".

Bất cứ một cuộc rượu cần nào cũng cử ra một người điều hành, gọi là "chàm", đây không phải là thầy cúng, chủ lễ, mà là một người có hiểu biết, hoạt ngôn. Chàm có nhiệm vụ mời ai uống trước, uống sau theo thứ tự già trẻ, nữ, nam.

Văn hóa rượu cần của người Thái - 3

Chum rượu cần, một đặc sản không thể thiếu trong ngày lễ, Tết của đồng bào dân tộc thái ở Tương Dương.

Cuộc uống rượu chỉ chính thức bắt đầu khi nhà chủ hoặc chàm một tay vít cần, một tay đặt lên miệng chum và khấn, với đại ý: "Rượu này gắn kết tình cảm, đem nhiều sức khỏe, may mắn đến với mọi người". Nếu chàm muốn mời vị khách nào uống nhiều hơn sẽ xin phép đổi cần rượu của mình cho khách, và cho thêm nước vào chum. Thêm bao nhiêu là do chàm và khách thương lượng với nhau, nhưng không được ép và vị khách đó phải uống hết lượng mình nhận mới là quý nhau.

Ông Lô Thanh Nhất - Phó chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: "Uống rượu cần là nét văn hóa của đồng bào miền núi. Để gìn giữ và bảo tồn nét văn hóa, bản sắc này, chúng tôi có đưa nội dung vào đề án "phát triển và bảo tồn các nét đẹp văn hóa các dân tộc ở Tương Dương", để thấy được nét đẹp trong tập quán tiếp rượu cần của đồng bào. Qua đó để phát triển lên thành dịch vụ du lịch, phục vụ du khách đến tìm hiểu, khám phá nét văn hóa của bản làng mình".

Văn hóa rượu cần của người Thái - 4

Văn hóa uống rượu cần là nét đẹp truyền thống trong ngày hội Đại đoàn kết.

Để có được chum rượu vừa ngon, phù hợp, gia chủ phải tiến hành nhiều công đoạn, từ chuẩn bị nguyên liệu đến cách thức chế biến, tính toán thời gian phù hợp, sao cho vừa kịp sử dụng. Nhưng không phải gia đình nào cũng làm được vò rượu ngon, mỗi bản được vài hộ có bí quyết riêng chỉ được truyền trong mỗi nhà.

Có một điều ai cũng phải tuân theo, là rượu phải được làm từ nếp nương, trộn với trấu và men viên tự ủ lá. Sau khi trộn các thứ theo bí quyết, rượu được ngâm khoảng 10 ngày trở lên là có thể uống được. Tuy vậy, để đạt chất lượng tốt nhất, người ta thường ủ 6 tháng, có những vò rượu quý thường được ủ tới cả năm.

Văn hóa rượu cần của người Thái - 5

Những bữa tiệc rượu cần luôn sum vầy, thắt chặt tình đoàn kết.

Ông La Văn Muôn, bản Mác, xã Thạch Giám nói: "Khi làm rượu cần phải chọn nếp thật ngon, trắng, nếu ngày mai làm thì đêm hôm trước phải ngâm gạo. Đến ngày hôm sau vớt ra rửa sạch, sau đó bỏ vào nồi hông, khi chín đổ ra trên một tấm vải màn mới, sạch, rồi rửa qua cho hết chất nhựa. Xong hoàn chỉnh thì tiến hành đổ ra nống (nia, mẹt) để ráo, khoảng 2-3 tiếng mới bỏ vào ngâm".

Uống rượu cần là một nét văn hóa đẹp trong đời sống đồng bào các dân tộc ở Tương Dương. Nhưng với đồng bào dân tộc Thái, uống rượu cần có nét riêng mà không lẫn với bất cứ dân tộc nào. Trong khi uống rượu, các nghệ nhân, gái trai có thể múa theo nhịp cồng chiêng.

Đặc biệt hơn ở các tiệc thiết đãi khách quý, mọi người có thể vừa uống vừa hàn huyên kể chuyện, vừa diễn xướng thơ ca, hò vè của dân tộc mình. Văn hóa ấy thể hiện sự đoàn kết, thương yêu khi mọi người cùng uống với nhau chung chén, chung cần mà không suy nghĩ đến bất kỳ lý do nào khác.

Nguyễn Duy