Tết lạc quan trong căn nhà 6m2 ở Hà Nội nơi ba thế hệ sinh sống
Nhịp sống - Ngày đăng : 14:30, 25/01/2023
Bữa cơm tất niên chia hai lượt ăn do nhà quá chật
Những ngày cuối năm, trong căn nhà 6m2 ở ngõ 241 Đê La Thành (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội), bà Phạm Thị Tuyết (69 tuổi, cựu giảng viên Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội) tất bật chuẩn bị cơm tối cho gia đình.
Trên bếp, nồi thịt ba chỉ đun lửa liu riu, bát cơm nóng hổi hàng xóm vừa mang tặng bốc khói nghi ngút. Bà Tuyết nấu thêm nồi cơm nhỏ, bắc chảo xào đĩa bắp cải cà chua. Một bữa cơm đơn giản như bao ngày, dành cho ba thế hệ.
"Nhà cửa chật hẹp, lại thưa người, nên mỗi năm Tết đến, chúng tôi không đòi hỏi nhiều, chỉ cần một bữa tất niên cả gia đình cùng đoàn viên, sum họp", bà Tuyết tâm sự.
Tết với gia đình bà không có gì đặc biệt, vẫn giản đơn như mọi ngày. Trước đây, khi chồng còn sống, họ mua sắm tươm tất cho Tết. Nhưng từ ngày ông rời đi, bà đơn giản hóa mọi thứ.
Tết nếu có khác ngày thường, cũng chỉ là thêm thức ăn, hoa quả và bánh kẹo... "cho có không khí". Để hai cháu đỡ tủi thân, bà Tuyết lì xì mỗi đứa một khoản tiền mua quần áo mới hoặc dành đi chơi với bạn bè những ngày Tết.
"Các gia đình khác có nhà cao cửa rộng nên thoải mái tụ họp đông đúc. Còn với chúng tôi, Tết tuy đơn giản, nhưng đầm ấm về tinh thần", bà Tuyết nói.
Bữa cơm tất niên, cả gia đình 8 thành viên (thêm vợ chồng con gái và hai cháu ngoại) cùng quây quần, chia làm 2 lần ăn cơm do nhà quá chật. Ngắm nhìn con cháu cười nói hạnh phúc, bà Tuyết như trút bỏ hết gánh nặng.
"Gia đình tôi may mắn được mọi người quan tâm, chính là nguồn động viên lớn nhất để tôi vượt qua khó khăn, cùng bước tiếp, nuôi dưỡng niềm tin và truyền thêm sức mạnh cho hai đứa trẻ, giúp chúng kiến tạo cuộc sống vững chắc trong tương lai", bà tâm sự.
Sự tử tế từ những người xa lạ
Một năm đi qua những ngày mưa, đến cuối cùng, gia đình bà Tuyết dần nhìn thấy những tia sáng được góp nhặt từ sự tử tế của cộng đồng.
Tết năm nay đến với gia đình "bà giáo" Tuyết khác hẳn với mọi năm, nhờ nhận được tình cảm, sự chia sẻ và động viên đến từ độc giả, các nhà hảo tâm sau bài viết "Chuyện đời buồn của gia đình ba thế hệ sống trong căn nhà 6m2 ở Hà Nội" đăng tải trên báo điện tửDân trí tháng 8/2022.
Một người phụ nữ ở miền Nam, là giám đốc một công ty công nghệ, đã gửi tặng em Nguyễn Trung Hiếu (học sinh lớp 12, trường THPT Hoàng Cầu) một chiếc máy tính xách tay, để em theo đuổi đam mê công nghệ thông tin. Máy tính trước đó của em được bà mua cũ từ một cửa hàng điện tử. Hiếu đang nỗ lực từng ngày cho mục tiêu trường Đại học Công nghệ nơi bà nội từng công tác.
Những thế hệ sinh viên cũ (hiện 43 - 44 tuổi), đều đã trưởng thành và có công việc ổn định, cùng hẹn nhau đến thăm "cô giáo Tuyết" sau khi biết được hoàn cảnh của bà.
Một thầy thuốc y học cổ truyền đến tận nhà bà Tuyết xoa bóp chân tay cho anh Nam liên tục trong vòng một tuần, giúp anh cải thiện các kỹ năng và nhanh nhẹn hơn trước.
Một bác sĩ có phòng khám tư ở huyện Sóc Sơn, gọi điện hứa với bà Tuyết, nếu anh có dịp xuống Hà Nội sẽ đến nhà khám sức khỏe tổng quát cho tất cả thành viên.
Những người bạn trong xã hội của bà Tuyết cũng quyên góp một khoản tiền, mua tặng anh Nam chiếc xe đạp phục vụ tập luyện mỗi ngày.
Một nhóm thiện nguyện quyết định gửi cho bà Tuyết 500.000 đồng/mỗi tháng, xem như món quà tặng Hiếu và Trang.
Và, cũng có những người sẵn sàng nhận đỡ đầu cho hai đứa trẻ, khi chúng vào Đại học, thậm chí đi làm sau này.
Ban đầu, khi đón nhận tình cảm của mọi người, bà Tuyết cảm động và rất biết ơn, song tỏ ra ngại ngùng. Bà nói cuộc sống tuy "nhìn lên chẳng bằng ai, nhưng nhìn xuống không ai bằng mình".
"Mọi người cố gắng từng ngày để giúp chúng tôi, tôi đền đáp lại bằng cách cố gắng lo cho các cháu đến nơi đến chốn", người phụ nữ khẳng định việc tiếp nhận ủng hộ của mọi người chỉ là một phần, bà vẫn nỗ lực mỗi ngày, rèn luyện sức khỏe để tiếp tục "gánh cả gia đình".
Bà giáo U70 "gánh cả gia đình"
Cuộc đời bà Tuyết đầy gian truân, khi mà ở tuổi 70 vẫn phải gồng gánh nuôi 4 miệng ăn, ngoài bản thân còn người con trai tai biến và hai cháu nội chưa tròn 20.
Ngày bà còn là giảng viên Đại học, chồng là bộ đội, sau phục viên làm lái xe. Hai ông bà có hai người con, một trai, một gái.
Một lần chở tôn, chồng bà Tuyết phanh gấp khiến kiện tôn trên ô tô đè trúng 6 người bốc vác. Bốn người nhập viện cấp cứu một tuần, được ông bà đón về nhà riêng chăm sóc suốt 3 tháng. Hai người còn lại bị thương nhẹ, chấp nhận khoản tiền bồi thường.
Để chi trả hậu quả tai nạn, cặp vợ chồng đứt ruột bán căn nhà đang ở rộng 70m2 mà trước đây họ từng tự tay xây dựng. Gia đình bốn thành viên chuyển đến khu bếp hai tầng 6m2 bố mẹ để lại, cải tạo thành "túp lều" 5 tầng, sinh sống từ năm 1999.
Cầu thang gỗ giữa các tầng dựng thẳng đứng và hẹp khiến các thành viên mỗi lần di chuyển đều phải cúi khom người, nhìn ngó cẩn thận để tránh va chạm, ngủ không thể duỗi thẳng chân. Bản thân bà Tuyết cũng không thể nhớ nổi số lần vấp ngã cầu thang hơn 20 năm qua.
Không gian sống chật hẹp khiến sinh hoạt khó khăn, bất tiện và ngột ngạt. Mùa hè nắng nóng và bí bách, đông đến lạnh thấu xương, mưa tạt khắp nhà.
Căn nhà chật hẹp với diện tích vỏn vẹn 6m2, cầu thang gỗ dựng đứng,...
Khi cuộc sống ổn định trở lại, anh Nguyễn Dương Nam (39 tuổi), con trai bà Tuyết, kết hôn. Hai cháu nội Nguyễn Trung Hiếu (17 tuổi) và Nguyễn Thị Huyền Trang (15 tuổi) lần lượt chào đời trong niềm hạnh phúc của cả nhà.
Năm 2011, vợ anh Nam đột nhiên ôm theo hai con chỉ mới 4 và 6 tuổi, nói rằng về ngoại, nhưng thực chất bỏ đi biệt tích. Sau thời gian tìm kiếm không kết quả, đến một ngày, bà Tuyết nhận điện thoại, báo hai cháu đang ở Trà Vinh. Một mình bà lặn lội đường sá vào Nam, đón hai đứa trẻ ra Bắc.
Hai năm sau, con dâu lại ngỏ ý muốn đón con gái về sống cùng. Nghĩ thương cháu thiếu thốn tình cảm của mẹ, bà Tuyết đồng ý. Nhưng được một năm, người phụ nữ tiếp tục vứt con cho bố mẹ đẻ rồi bỏ đi. Bà nội lại ngược xuôi đón cháu về đùm bọc và chăm sóc.
"Từ đó đến bây giờ, mẹ chúng vẫn bặt vô âm tín, thỉnh thoảng gọi điện, nhưng chưa một lần về thăm con", bà Tuyết nói hai đứa trẻ cũng dần "quên" mẹ.
Năm 2014, tai họa một lần nữa ập đến khi anh Nam bị tai biến và mất khả năng lao động. Dù chạy chữa khắp bệnh viện lớn nhỏ trong nhiều tháng, tốn gần trăm triệu đồng, nhưng bệnh tình không thuyên giảm.
Từ là trụ cột gia đình, nam tài xế không thể tiếp tục những hành trình vạn dặm. Anh dần mặc cảm và tự ti, hạn chế giao tiếp, khép mình một góc trong căn phòng tối tăm trên tầng ba. 10 năm qua, người đàn ông chưa từng có một giấc ngủ trọn vẹn. Mỗi ngày, anh thức thâu đêm đến 4-5h sáng, chìm đắm trong những dằn vặt. Càng cố gắng nhắm mắt, anh càng thao thức.
Từ ngày bị tai biến, vợ bỏ đi, anh Nam mặc cảm, tự khép mình trên căn phòng tầng 3. Mỗi ngày, anh làm bạn với ti vi để "giết thời gian".
Cuộc sống khó khăn, vợ chồng bà Tuyết thay nhau làm việc nuôi con trai và hai đứa cháu thơ dại. Trong nghịch cảnh, bà luôn lạc quan, gom nhặt niềm vui từng ngày bán hàng, song bất hạnh chưa dừng lại.
Năm 2019, chồng bà Tuyết phát hiện mắc ung thư phổi. Bệnh tiến triển nhanh, một năm sau, ông qua đời. Mọi gánh nặng dồn lên đôi vai người vợ, người mẹ, người bà lam lũ, mà mỗi lần nhắc lại cuộc đời như "cuốn tiểu thuyết", bà lại bật khóc nức nở.
Dù nghèo khổ, bà Tuyết không phụ thuộc hay dựa dẫm vào tình thương của những người xung quanh. Bà tính toán mọi chi tiêu, từ khoản lương hưu 5,6 triệu đồng/tháng đến thu nhập từ gian hàng tạp hóa, luôn động viên hai cháu yên tâm học tập vì "đã có bà lo tất cả".
Bà Tuyết quán xuyến tất cả công việc, sinh hoạt trong nhà, từ nấu cơm, giặt giũ, dọn dẹp. Bởi bà hiểu những áp lực sau giờ học, những tủi thân, nhọc nhằn của hai đứa trẻ thiếu vắng tình yêu, sự quan tâm của bố mẹ.
"Mọi người cứ bảo tôi chiều các cháu, nhưng tôi muốn bù đắp cho hai đứa, khuyến khích chúng dành toàn thời gian học tập", bà giải thích.
Người bà "vĩ đại" trong mắt Hiếu và Trang luôn dạy dỗ, nhắc nhở hai em phải biết vượt qua nghịch cảnh để vươn lên trong cuộc sống, học giỏi và ngoan ngoãn. Đây cũng chính là động lực, sức mạnh giúp bà không gục ngã.
Năm mới đến, bà Tuyết tin tưởng vào những điều mới mẻ đang chờ đợi, cầu chúc cả gia đình khỏe mạnh, sống vui vẻ và an yên.
Với Trung Hiếu, bà mong cháu trai sẽ chạm tay đến ước mơ Đại học, trở thành trụ cột chính của gia đình.
Với Huyền Trang, cô cháu gái mà bà không muốn bị đè nặng quá nhiều áp lực, mong rằng sẽ có một công việc ổn định.
Với anh Nam, bà mong con trai chăm chỉ luyện tập, sớm hồi phục khả năng đi lại, là chỗ nương tựa và bấu víu về tinh thần của hai đứa trẻ.
Về phần mình, bà Tuyết nói rằng không còn ước mơ nào nữa, kể từ tháng 10/2021, hai đứa cháu được tổ chức bữa tiệc sinh nhật nhờ chương trình Điều ước thứ 7.
70 năm, cuộc đời bà Tuyết từng như một cuốn tiểu thuyết nhiều nước mắt, nhưng khi đã vượt qua mọi gian truân và thử thách, bà mãn nguyện với tất cả.
Dù phải gánh trên vai trọng trách vừa là bà, vừa là mẹ, vừa là con chăm sóc mẹ già 93 tuổi, bà chấp nhận "ích kỷ" với bản thân, quên đi ước mơ của riêng mình, chỉ để dành trọn tâm huyết cho gia đình suốt hàng chục năm qua.