Những du khách 'thay đổi mãi mãi' khi đến Ấn Độ
Tin thế giới - Ngày đăng : 10:14, 25/01/2023
Năm 1985, ông Régis Airault đến Ấn Độ để làm bác sĩ tâm lý tại Lãnh sự quán Pháp ở Mumbai.
Vào thời điểm đó, du khách từ Pháp khi đến Ấn Độ có thể đến lãnh sự quán để đặt hộ chiếu và vé máy bay vào két an toàn. Vì vậy, ông Airault đã có cơ hội nói chuyện với nhiều du khách ngay sau khi họ đặt chân đến Ấn Độ.
Họ thường ở đội tuổi 20 và đầu 30, tất cả đều vui mừng trước chuyến đi này. Tuy nhiên, chẳng bao lâu sau, ông Airault bắt đầu nhận thấy tình trạng kỳ lạ ở một số du khách Pháp, đặc biệt là trong số những người đã dành thời gian dài hơn ở đất nước này.
Đó là một loạt thay đổi về hành vi và tâm lý mà sau này được gọi là “hội chứng Ấn Độ”. Tình trạng này giống như một chứng rối loạn tâm thần ảnh hưởng đến những người từ các nước phát triển ở châu Âu hoặc các nước phương Tây khác, theo Financial Express.
Nhóm du khách mất tích mãi mãi
ỞẤn Độ, ông Airault sẽ được cử đi để thăm khám cho những du khách trở nên mất phương hướng và bối rối, hoặc rơi vào trạng thái vui buồn thất thường và loạn thần.
“Tôi thấy họ bình thường khi họ đến và sau một tháng, tôi sẽ thấy họ hoàn toàn không ổn định”, ông nhớ lại.
Ban đầu, những gì ông Airault quan sát thấy đã được quy cho việc sử dụng ma túy. Tuy nhiên, nhiều du khách khác cũng biểu hiện các triệu chứng như trầm cảm và cô lập, xuất phát từ cảm giác mất phương hướng ở một vùng đất hoặc nền văn hóa xa lạ.
Trong một số ít trường hợp, nhiều người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn tâm thần cấp tính, mê sảng và hoang tưởng. Ở mức mạnh nhất, hội chứng Ấn Độ có thể dẫn đến việc hoàn toàn xa rời thực tế. Ông Airault đã gọi nhóm đó là “những du khách đã mất tích mãi mãi”.
“Hơn bất kỳ quốc gia nào khác, Ấn Độ có cách kích thích trí tưởng tượng và khuấy động những cảm xúc thẩm mỹ mãnh liệt. Điều đó bất cứ lúc nào cũng có thể khiến du khách rơi vào trạng thái lo lắng tột độ”, ông viết về những du khách đến từ phương Tây.
Một số du khách đến Ấn Độ vì nền văn hóa độc đáo. Ảnh: Tân Hoa xã.
“Tiềm thức có cách khiến chúng ta đối mặt với chúng vào những thời điểm nhất định trong cuộc đời”, ông cho biết thêm. Theo ông, Ấn Độ đã khơi dậy tiềm thức, những gì đã bị chôn vùi “từ những tầng sâu thẳm trong tâm hồn chúng ta”.
Sốc văn hóa thường biểu hiện trong vòng vài ngày sau khi đến nơi. Thay vào đó, hội chứng Ấn Độ thường xuất hiện sau nhiều tuần hoặc nhiều tháng cư trú tại quốc gia này.
Ông đưa ra nhiều ví dụ về những du khách nước ngoài mà bản thân đã quan sát hoặc điều trị. Trong đó, một người đã đến thành phố linh thiêng Varanasi và tin rằng nữ thần Kali có thể nghe thấy những giấc mơ và đang nói chuyện với anh ta. Trong một số trường hợp, nhiều người đột nhiên bị gợi lại những câu chuyện đau buồn.
Tuy nhiên, phần lớn những gì bác sĩ này ghi nhận là việc hội chứng Ấn Độ bắt nguồn từ sự kỳ vọng phóng đại và đôi khi không đúng chỗ đối với những gì du khách tin Ấn Độ có thể mang lại.
Cách xử lý
Giống nhiều hội chứng tương tự, hội chứng Ấn Độ không được công nhận rộng rãi.
Tuy nhiên, các triệu chứng đã trở nên đáng lo ngại đến mức nhiều công ty được cho đã liệt kê điều khoản làm mất hiệu lực gói bảo hiểm cho du khách đến Ấn Độ, nếu họ có tiền sử bệnh tâm thần hoặc sử dụng ma túy.
Bác sĩ tâm lý Sunil Mittal từng giúp nhiều người chẩn đoán và điều trị các tình trạng phát sinh từ hội chứng Ấn Độ.
Ông Mittal chia các trường hợp mắc hội chứng Ấn Độ thành hai loại. Trường hợp đầu tiên xảy ra với những người đến với tư cách là khách du lịch bình thường, nhưng mang theo một số vấn đề về cảm xúc hoặc tâm lý liên quan đến gia đình, công việc,...
Nhóm thứ hai bao gồm những người đến Ấn Độ với quyết tâm tham gia hành trình tâm linh để tìm kiếm ý nghĩa lớn hơn. Họ đến thăm các địa điểm linh thiêng, cũng như đắm mình trong việc đào tạo và nghiên cứu về thiền định hoặc yoga.
“Trên con đường tìm kiếm tâm linh, tất cả giá trị đã ăn sâu vào con người đều bị nghi ngờ. Điều này có thể dẫn đến trạng thái trống rỗng, mất phương hướng hoặc cảm giác hưng phấn đột ngột - và sau đó không biết phải xử lý tình huống như thế nào”, ông Mittal nói.
Khách du lịch ghé thăm New Delhi (Ấn Độ). Ảnh: AP.
Trong suốt sự nghiệp của mình, ông Mittal đã điều trị cho hàng trăm trường hợp ở nhiều mức độ nghiêm trọng khác nhau. Chẳng hạn, một người đàn ông Mỹ được tìm thấy đang lang thang gần Taj Majal khi mất phương hướng và bối rối.
Sau khi nhận thấy người đàn ông có hành vi kỳ lạ, chủ một quán ăn ven đường đã gọi cảnh sát. Đại sứ quán Mỹ đã được liên lạc và người đàn ông sau đó được đưa đến phòng khám của ông Mittal.
Bác sĩ Mittal xác định người đàn ông này đã đến thành phố Agra giống nhiều du khách khác. Anh ta không tham gia một cuộc hành trình tâm linh mà chỉ muốn nhìn thấy lăng mộ mang tính biểu tượng.
Ở đó, anh đã thử cần sa - thứ mà bản thân từng hút trước đó. Anh ta đến phòng khám và chỉ thể trả lời những câu hỏi cơ bản.
“Anh ta để lại mọi thứ - ba lô, hộ chiếu, mọi thứ - và bỏ chạy”, ông Mittal nói. Trong vòng một tháng sau khi trở lại Mỹ, người này đã trở lại bình thường.
Đối với bác sĩ Airault và Mittal, trong hầu hết trường hợp, cách xử lý rất đơn giản: Một vé máy bay về nước. Tuy nhiên, một số người trở nên ảo tưởng vĩnh viễn - một số đã chết, những người khác đã mất tích, theo Firstpost.
Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng, trải nghiệm ở Ấn Độ có thể để lại ảnh hưởng vĩnh viễn trong hành vi của họ, ngay cả sau khi họ trở về nhà.
Chẳng hạn, một du khách Nhật Bản được thông báo mất tích và đã xuất hiện ở Varanasi. Tại đây, anh ta đã lên cơn loạn thần và bị cảnh sát giam giữ sau khi cố gắng lên tàu mà không có vé.
Khi người này được đưa đến phòng khám, ông Mittal phát hiện anh ta mắc chứng tâm thần phân liệt và đưa người này về Nhật Bản.
Bốn năm sau, anh lại xuất hiện tại phòng khám, yêu cầu được nhập viện. “Anh ấy cảm thấy mình sẽ an toàn ở Ấn Độ”, ông Mittal nói.