Những tỷ phú giàu 'bền vững' trên sàn chứng khoán Việt
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 17:58, 23/01/2023
Năm 2022 kết thúc với thị trường chứng khoán giảm mạnh khiến tài sản nhiều tỉ phú thế giới lao dốc. Tương tự, VN-Index của Việt Nam cũng khép năm giảm gần 33% và cổ phiếu nhiều doanh nghiệp lùi sâu so với trước đó. Đây là nguyên nhân chính đẩy tài sản nhiều tỉ phú USD giảm mạnh. Tuy nhiên, những tỷ phú dưới đây vẫn nổi tiếng giàu có trên sàn chứng khoán.
Tính đến ngày 30/12, Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn dẫn đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam với khối tài sản ròng 4,1 tỷ USD. Dù vậy, so với giá trị tài sản ròng ước tính hồi đầu năm khoảng 6,2 tỷ USD, tỷ phú này đã mất tới 2,1 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng gần 34% tài sản trong năm nay.
Tiếp theo là bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổng giám đốc VietJet Air - hiện có tài sản đạt 2,3 tỉ USD. Cũng giống như các tỉ phú khác, trong năm 2022 các cổ phiếu mà bà Thảo sở hữu như VJC, HDB cũng bị giảm mạnh nên tài sản đã mất đi 800 triệu USD.
Tuy nhiên, CEO hãng hàng không Vietjet Air là một trong những người có tài sản giảm ít nhất, nhờ ngành hàng không trên đà hồi phục mạnh mẽ trong năm qua, sau khi gần như đóng băng thời gian dài vì đại dịch. Những chặng bay nội địa đã được khôi phục hoàn toàn và phần lớn chặng bay quốc tế cũng được nối lại góp phần tác động tích cực lên kết quả kinh doanh của Vietjet Air.
Dự báo, sang năm 2023, tình hình kinh doanh của Vietjet Air sẽ còn sáng sủa hơn nữa sau khi Trung Quốc mở cửa. Số liệu thống kê cho thấy, lượng khách quốc tế của thị trường Trung Quốc chiếm tới 35% tổng lượng khách quốc tế của Việt Nam trước dịch, do đó, việc Trung Quốc mở cửa sẽ hỗ trợ mạnh cho triển vọng hồi phục của hàng không quốc tế Việt Nam.
Đứng vị trí tiếp theo là ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch Ngân hàng Techcombank và ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Masan. Ông Hồ Hùng Anh được ghi nhận tài sản hiện có 1,6 tỉ USD, mất 700 triệu USD so với con số 2,3 tỉ USD vào đầu năm 2022. Còn ông Nguyễn Đăng Quang hiện nắm 1,4 tỷ USD, giảm 500 triệu USD (giảm 26%).
Nhờ đà phục hồi của cổ phiếu HPG, kết thúc năm 2022, Chủ tịch Trần Đình Long đã sở hữu khối tài sản 1,5 tỷ USD, tương đương mức giảm ròng 1,7 tỷ USD (giảm hơn 53% so với đầu năm).
Năm nay, tài sản ông Trần Đình Long đã giảm một nửa khi ngành thép "khó khăn chưa từng thấy" - theo lời dự báo của chính ông tại Đại hội đồng cổ đông thường niên.
Những khó khăn có thể kể tới như: Xung đột giữa Nga - Ukraine, diễn biến COVID-19 ở Trung Quốc, giá nguyên vật liệu leo thang, tỷ giá USD tăng chóng mặt và lãi suất trong nước liên tục biến động là những nguyên nhân tác động mạnh tới ngành thép nói chung và Hòa Phát nói riêng.
Trong khi đó, tài sản của tỷ phú Trần Bá Dương và gia đình có mức biến động thấp nhất. Chủ tịch Thaco hiện nắm 1,5 tỷ USD, giảm 100 triệu USD (giảm7%) so với con số 1,6 tỷ USD ước tính hồi đầu năm.