Thư chúc mừng năm mới và thơ mừng Xuân Kỷ Dậu năm 1969 của Bác Hồ
Nhịp sống - Ngày đăng : 11:00, 22/01/2023
Năm ấy là Tết Mậu Thân, có sự kiện Tổng tiến công của đồng bào chiến sĩ miền Nam làm rung chuyển đô thành Sài Gòn khi quân giải phóng đánh thẳng vào và các cơ quan đầu não của chế độ ngụy quyền, tạo đà cho chiến thắng cuối cùng - giải phóng hoàn toàn miền Nam vào mùa Xuân 1975.
Sự kiện lịch sử này làm ta nhớ đến bài thơ mừng Xuân 68 của Bác mà câu kết bài thơ mang tinh thần một thông điệp, một mệnh lệnh tối cao của Nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thông điệp và mệnh lệnh của Bác vang vọng khắp mọi miền, kết tinh hồn thiêng sông núi, là lời của Tổ quốc, là ý chí mãnh liệt của dân tộc:
"Tiến lên toàn thắng ắt về ta".
Chúc mừng năm mới, Xuân Kỷ Dậu, 1969, Bác nói tới chiến công oanh liệt của quân dân hai miền Nam - Bắc với sự kiện nổi bật: Ngày 1-11-1968, Chính phủ Mỹ đã buộc phải chấm dứt không điều kiện việc ném bom và bắn phá trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Người căn dặn chúng ta… "nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân ta lúc này là phải nâng cao tinh thần quyết chiến quyết thắng, quyết tâm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc".
Ta không thể nào quên trong những năm cuối đời, giữa những ngày chiến tranh ác liệt ở cả hai miền, Bác ngày đêm suy nghĩ việc nước, vận mệnh dân tộc và đời sống của dân. Bác có hai lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước. Ngày 17-7-1966, Người ra lời kêu gọi với sự khẳng định giá trị cao nhất "Không có gì quý hơn độc lập tự do". Lúc này Bác đã 76 tuổi.
Ngày 3-11-1968, Người nêu cao quyết tâm sắt đá "Hễ còn một tên xâm lược trên đất nước ta, thì ta còn phải tiếp tục chiến đấu quét sạch nó đi". Lúc này Người đã 78 tuổi, dù tuổi cao sức yếu mà Người "vẫn vững hai vai việc nước nhà, kháng chiến dân ta đang thắng lớn, tiến bước ta cùng con em ta"... Bác tự nói về mình như vậy, tâm hồn vẫn rất trẻ, trí tuệ vẫn sáng suốt, mẫn tiệp lạ thường. Bác vẫn luôn thúc giục, truyền cảm hứng mãnh liệt tới toàn dân, nhất là thế hệ thanh niên.
…"Tổ quốc đang kêu gọi chúng ta hăng hái tiến lên đánh thắng hoàn toàn giặc Mỹ xâm lược". Niềm tin tất thắng của Người truyền sức mạnh cho mỗi chúng ta "Đế quốc Mỹ nhất định thua, nhân dân ta nhất định thắng".
Trong thư chúc mừng năm mới, năm 1969, Người khẳng định rằng "chắc chắn giặc Mỹ sẽ hoàn toàn thất bại. Quân và dân ta trong cả nước, thừa thắng xông lên, nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn". Cùng với lời chúc mừng đồng bào cả nước, Bác Hồ còn chúc mừng và cảm ơn các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bầu bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình, công lý trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ đã hết lòng ủng hộ và giúp đỡ sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Người chúc đồng bào, chiến sĩ, bà con Hoa kiều cả hai miền Nam - Bắc và kiều bào ta ở nước ngoài năm mới đoàn kết, chiến đấu, thắng lợi.
Niềm tin mãnh liệt, tình cảm sâu sắc, ân cần, chu đáo của Người trước sau như một, toàn vẹn và nhất quán.
Cuối "Thư chúc mừng năm mới", 1969, Bác gửi tới đồng bào chiến sĩ cả nước "mấy lời mừng xuân". Bác khiêm tốn nói như vậy. Mấy lời mừng xuân của Bác là một bài thơ hoàn chỉnh chứa đựng nội dung phong phú và mang tầm tư tưởng lớn, đặc biệt thể hiện rõ chủ nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của Người.
"Năm qua thắng lợi vẻ vang
Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to"
Hai câu mở đầu này vừa là tổng kết chiến thắng năm 1968 - Mậu Thân, vừa là dự báo với mong muốn tốt lành cho những chiến công mới sẽ đến trong năm 1969 - từ đầu Xuân Kỷ Dậu.
Tiếp theo, hai câu thơ quan trọng nhất, bộc lộ tư tưởng của Người hiện lên:
"Vì độc lập, vì tự do
Đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào"
Đó là mục tiêu, mục đích của sự nghiệp đấu tranh chính trị của toàn dân tộc mà cũng là quan điểm, phương châm chỉ đạo của Người.
Đánh sập ý chí, dã tâm xâm lược của Mỹ, đánh đổ chế độ Ngụy quyền tay sai của Mỹ để giải phóng hoàn toàn miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc, giành độc lập và quyền làm chủ về tay nhân dân.
Đây cũng là thông điệp trực tiếp nhất mà Bác Hồ gửi tới toàn dân, toàn quân ta. Bác đã nói với tướng Trần Văn Trà và các tướng lĩnh: Ta thắng Mỹ bằng cách đuổi hết nó đi chứ không phải giết hết nó. Trong thư gửi Tổng thống Mỹ Ních Xơn ngày 25-8-1969, Người nhấn mạnh: "Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam, tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân miền Nam và của dân tộc Việt Nam, không có sự can thiệp của nước ngoài.."… "Đó là con đường để Mỹ rút khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự".
Nhiều người cảm nhận rằng "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" là câu thơ quan trọng nhất thể hiện sâu sắc nhất tư tưởng nhân đạo và chủ nghĩa nhân văn Hồ Chí Minh, nghĩa là không đổ máu, đổ máu trong chiến tranh là điều không tránh khỏi, là bất đắc dĩ, nhưng càng ít đổ máu càng tốt, không phải đổ máu là tốt nhất.
Đã bao lần Người lên án chiến tranh xâm lược của đế quốc thực dân - Pháp và Mỹ. Chỉ vì dã tâm của kẻ xâm lược mà bao nhiêu thanh niên trai tráng, con em của nhân dân Pháp, nhân dân Mỹ đã phải chết ở những miền đất xa lạ, làm đau khổ cho các bà mẹ, cho những người vợ và những đứa con thơ của họ. Người cũng từng nói: "đã là máu thì máu nào cũng đỏ, đã là nước mắt thì nước mắt nào cũng mặn". Con người ta sinh ra và sống ở cõi đời này, dù màu da, tiếng nói khác nhau nhưng đều mang tính người của toàn nhân loại. Đã là người thì sinh mạng của mỗi người dù ở nước nào cũng đều quý như nhau.
Ta nhớ lại sự kiện trước ngày toàn quốc kháng chiến (ngày 19-12-1946) đã từng xảy ra những xung đột ở miền Nam, ở miền Bắc: Lạng Sơn và Hải Phòng, máu đã đổ do những gây hấn của quân Pháp. Hồ Chí Minh đã có Thư "gửi đồng bào Việt Nam, người Pháp và người thế giới". Trong thư, Người đã viết: "Tôi nghiêng mình trước anh hồn những chiến sĩ và đồng bào Việt Nam, đã vì Tổ quốc mà hy sinh tính mệnh. Tôi cũng ngậm ngùi thương xót cho những người Pháp đã tử vong. Than ôi, trước lòng bác ái thì máu Pháp hay máu Việt cũng đều là máu, người Pháp hay người Việt cũng đều là người".
Lại có lần, trong một trận đánh địch hồi kháng chiến, ta giành được thắng lợi, đến báo cáo với Bác, vị chỉ huy nói với Bác một cách say sưa, "ta đã có một trận đánh đẹp". Bác hỏi lại: "Đẹp như thế nào?" Sau khi nghe kể ta đã giết được bao nhiêu giặc, chiếm được bao nhiêu vũ khí, chiến lợi phẩm. Bác nói: "Đấy là các chú đánh giỏi thôi. Đổ máu cũng là bất đắc dĩ, không thể gọi là đánh đẹp được". Thật là sâu sắc. Bác không chỉ chữa lỗi về tư duy, về câu, chữ, lời văn của chúng ta mà còn giáo dục chúng ta về đạo đức, về lòng bác ái, về những phẩm chất nhân tính của con người. Khi Bác mất, trong bài thơ khóc Bác, để tang Bác suốt tuần lễ quốc tang, Việt Phương đã viết trong nước mắt tới 104 câu thơ thật xúc động, trong đó có đoạn:
"Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là đánh đẹp
Con xóa chữ đẹp đi, như xóa sự cạn hẹp trong lòng con".
(Muôn vàn tình thương yêu trùm lên khắp quê hương)
Và hai câu kết của bài thơ Xuân Kỷ Dậu, 1969, Người đã viết như lời kêu gọi, Người giãi bày niềm vui lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất:
"Tiến lên chiến sĩ đồng bào
Bắc Nam sum họp, Xuân nào vui hơn"
Chỉ tiếc là đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử thì Bác đã về với tổ tiên, "đi gặp Cụ Các Mác, Cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác" (Lời Bác trong Di chúc) được 6 năm rồi, từ ngày 2-9-1969.
Cũng trong mùa Xuân Kỷ Dậu ấy, Bác đã tiếp đoàn đại biểu mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam ra thăm miền Bắc. Bác ôm hôn trìu mến bác sĩ Phùng Văn Cung - Trưởng đoàn và đọc cho tất cả mọi người nghe hai câu thơ kết đọng niềm tin và tình thương của Bác với miền Nam, miền Nam ruột thịt luôn ở trong trái tim Người:
"Bao giờ Nam Bắc một nhà
Việt Nam đại thắng chúng ta vui mừng"
Độ lùi của thời gian càng xa, nhân dân ta và bạn bè quốc tế của chúng ta khắp năm châu bốn biển càng cảm nhận sâu sắc hơn cống hiến vĩ đại của Người đối với dân tộc và thế giới nhân loại.
- Với Việt Nam, Bác Hồ là người đưa dân tộc ta từ tình cảnh nô lệ tới tự do, là người đã dấn thân, dâng hiến và hóa thân vào Dân vào Nước, đem lại nền độc lập cho Tổ quốc, tự do cho dân tộc và hạnh phúc cho đồng bào mình. Đó là khát vọng thiêng liêng mà Người đã một đời thực hiện, đã thành hiện thực và ngày càng trở thành hiện thực đầy đủ hơn.
- Với thế giới, Hồ Chí Minh, từ lâu đã trở thành biểu tượng cao quý của văn hóa - văn hóa hòa bình và văn hóa khoan dung.
G.S TS Hoàng Chí Bảo
Chuyên gia cao cấp,
nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương