Tết bình yên là phòng cấp cứu không có bệnh nhân

Tin Y tế - Ngày đăng : 09:52, 22/01/2023

TPHCM - Tết là thời điểm nhà nhà sum họp, vui vẻ bên nhau. Còn đối với những bác sĩ trực cấp cứu, Tết của họ là mong ước phòng cấp cứu luôn vắng bệnh nhân.

Hơn 20 năm làm công tác cấp cứu, mỗi ngày trôi qua của bác sĩ Diêu Hà Lam - Trưởng Khoa cấp cứu, Bệnh viện Lê Văn Thịnh TPHCM luôn đặc biệt vì phải chiến đấu với tử thần, cứu sống bệnh nhân.

Trải qua những ngày tháng cùng bệnh nhân vượt cửa tử, bác sĩ Hà Lam hiểu được rằng sum vầy là vô giá. Tết cũng vậy, để người dân có được những giây phút an tâm, bác sĩ Hà Lam cùng đồng nghiệp vẫn làm việc xuyên Tết. Công việc gia đình đành gác lại một bên nếu ngày đó là ngày trực.

 
Bác sĩ Diêu Hà Lam khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh: NGUYỄN LY

“Chúng tôi đã làm bác sĩ thì không có Tết. Có thể theo quan niệm của người Việt, Tết không muốn vào bệnh viện vì điều này không tốt. Chính vì vậy, có nhiều bệnh nhân dù có bệnh nặng, đau nhưng vẫn cố gắng nán lại đón Tết cùng gia đình, từ ngày mùng 2 trở đi mới nhập viện thăm khám. Chúng tôi vì lo lắng cho những sự cố bất ngờ, nên dù là bác sĩ cấp cứu hay các chuyên khoa vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng gọi là có mặt và chỉ mong phòng cấp cứu không có bệnh nhân”, bác sĩ Hà Lam chia sẻ.

Cũng như bác sĩ Hà Lam, BS.CKI Tăng Tuấn Phong – Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM đã có hơn 5 năm gắn bó với công tác cấp cứu bệnh nhân. Với đặc thù khác hơn các chuyên khoa khác là các loại bệnh ở cấp cứu đa dạng, có tính chất liên tục nên bác sĩ Tuấn Phong cùng đồng nghiệp làm việc không phân định thời gian, ngày tháng.

“Ngày xưa tôi làm việc ở khu vực nội trú, khoa Bệnh Nhiệt đới nên các mặt bệnh rõ ràng, đã có những chẩn đoán ban đầu nên công tác thăm khám, điều trị thuận lợi hơn. Tuy nhiên, đối với bác sĩ cấp cứu thì phải là người nhận ra mọi vấn đề bệnh nhân đang gặp phải, từ đó chuyển về các chuyên khoa phù hợp. Ngoài ra, còn phải giải quyết về xã hội vì khi đó người nhà bệnh nhân vẫn chưa bình tĩnh được, nên không cẩn thận rất dễ xảy ra xung đột không đáng có”, bác sĩ Tuấn Phong chia sẻ.

Tết năm nay, bác sĩ Tuấn Phong trực ngày mùng 1 và 4. Thời gian làm việc liên tục 24 tiếng, nên không khí Tết gần như không xuất hiện trong những khoa phòng đặc biệt này.

 
Bác sĩ cấp cứu bệnh nhân tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM. Ảnh: Minh Trí

“Chúng tôi sau khi trực 24 tiếng lúc về nhà sẽ rất mệt, lúc đó chỉ đi ngủ để lấy lại sức, sau đó tranh thủ chạy về quê ở Tiền Giang đón Tết. Năm nào Tết cũng tất bật giữa công việc và gia đình, nhưng tôi vẫn rất trân quý mọi khoảnh khắc dù ở đâu và làm gì”, bác sĩ Tuấn Phong tâm sự.

Ghi nhận vào những ngày đầu năm mới, lượng bệnh ở các khoa cấp cứu từ ngày 30 Tết đến mùng 1 Tết âm lịch, lượng bệnh thường ít hơn. Đến ngày mùng 3 trở đi số lượng bệnh nhân dồn về tăng đột biến. Chính vì vậy, ở các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM… cấp cứu 115, cấp cứu liên viện, cấp cứu nhiều chuyên khoa, cấp cứu báo động đỏ… cho các ca bệnh đa chấn thương được diễn ra thần tốc, áp lực với các bác sĩ luôn thường trực dù là ngày Tết.

NGUYỄN LY