Cúng giao thừa Tết Quý Mão 2023 là cúng vị thần nào?

Gia đình - Ngày đăng : 16:30, 21/01/2023

Cúng giao thừa Tết Quý Mão 2023, gia chủ cần biết và khấn đúng danh hiệu của các vị hành khiển, hành binh, phán quan của năm nay.

Cúng Giao thừa là một nghi thức không thể thiếu vào mỗi dịp Tết Nguyên đán của các gia đình Việt Nam. Lễ cúng Giao thừa còn được gọi là Trừ tịch, tức là trừ khử ma quỷ, những điều xui xẻo, không may mắn của năm cũ để chuẩn bị đón một năm mới tốt đẹp hơn.

Do đó, lễ cúng Giao thừa sẽ thường được thực hiện vào thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới âm lịch. Nghi lễ cúng Giao thừa năm Quý Mão 2023 cần được tiến hành vào giờ Tý (vào 23h), thời điểm tốt nhất là vào giờ chính Tý (0h) và kết thúc trước 1h ngày mùng 1 Tết.

Cúng giao thừa Tết Quý Mão 2023 là cúng vị thần nào? - 1

Cúng giao thừa Tết Quý Mão 2023 là cúng vị thần nào?

Cúng vị thần nào trong Giao thừa Tết Quý Mão 2023?

Theo bảng "phân công công việc" của các vị thần trong 12 năm, năm Quý Mão 2023, trần gian sẽ được trông coi bởi Trịnh Vương hành khiển, Thạch Tinh hành binh chi thần, Liễu Tào phán quan.

Khi cúng giao thừa ngoài trời, các gia đình phải khấn đúng danh vị của các vị quan hành khiển, hành binh và phán quan, đồng thời sắm áo mão cho họ đúng với màu của năm ấy.

Mâm cỗ cúng giao thừa ngoài trời gồm có: 1 con gà trống hoa luộc nguyên con có mào cờ, mỏ ngậm bông hoa hồng, 1 đĩa xôi gấc (hoặc bánh chưng), bánh kẹo, 1 mâm ngũ quả, rượu, trà, quả cau, lá trầu, 1 đĩa muối, 1 đĩa gạo, nhang, đèn…

Ngoài ra, mâm cỗ cũng bao gồm các vật phẩm quần áo, mũ, ủng quan Thần linh cùng với vàng, tiền. Năm Quý Mão 2023 thuộc hành Kim nên bạn có thể chuẩn bị quần áo, mũ, ủng màu vàng sẫm, nâu đất,...

Cũng có gia đình làm cỗ ngọt và chay cùng hương, hoa, đèn nến, bánh kẹo, mứt Tết và các loại đồ uống khác.

Tùy điều kiện mỗi gia đình có thể sắm lễ vật khác nhau, có thể chỉ là đĩa thịt lợn luộc, cần nhất vẫn là lòng thành, các vị hành khiển chỉ cần chứng nhận qua chén rượu, nén hương... miễn sao trong đó chứa đựng tấm lòng thành kính.

12 vị quan hành khiển

Dân gian tin rằng mỗi năm, trên trời sẽ cử xuống một vị quan hành khiển trông coi việc trần gian. Thiên đình có 12 vị hành khiển tương ứng với 12 con giáp để trông coi việc hạ giới trong năm đó. Cứ đến đêm giao thừa, vị hành khiển mới sẽ xuống trần, nhận bàn giao công việc để vị hành khiển cũ về trời. Các quan việc công bận rộn, trong khi thời khắc chuyển giao qua nhanh nên họ không thể ghé vào nhà nhận lễ vật của người trần. Vì vậy mọi người bày mâm cúng ngoài trời để tiễn đưa hành khiển cũ và đón rước hành khiển mới.

Trong một năm ở tại dương gian, vị hành khiển đương nhiệm xem xét mọi việc tốt xấu của từng người, từng gia đình, làng xóm, huyện tỉnh đến quốc gia để cuối năm về trời tâu lên Ngọc hoàng định công luận tội. Giúp việc cho hành khiển là phán quan, có nhiệm vụ ghi chép công, tội của mọi người, mọi gia đình, làng xóm...

Có tất cả 12 vị hành khiển thay nhau xuống trần trong 12 năm, sau đó quay vòng trở lại, đi cùng có 12 vị thần hành binh và 12 vị phán quan. Người xưa tin rằng, các vị hành khiển này mỗi thần một tính, có vị nhân từ độ lượng, có vị uy vũ khắc nghiệt, tuy là thần nhưng cũng hỷ nộ ái ố đủ cả. Thế nên ngoài việc ăn ở đúng luật trời, nhân gian còn cố gắng lấy lòng các vị bằng việc đảm bảo lễ nghi cúng tế.

Cúng giao thừa Tết Quý Mão 2023 là cúng vị thần nào? - 2

Trong vũ trụ có sao Mộc mà phương Đông gọi là sao Thái Tuế, 12 năm quanh hết một vòng mặt trời, hàng năm đi ngang qua một cung trên đường hoàng đạo, ứng với 12 cung từ Tý đến Hợi. Khi sao Mộc đi vào cung Tý năm đó gọi là năm Tý, đến cung Sửu năm đó là năm Sửu. Người xưa thần linh hoá ngôi sao khi đi qua 12 cung hoàng đạo này thành các vị thần.

Vương hiệu của các vị hành khiển, hành binh và phán quan tương ứng với các năm như sau:

Năm Tý: Chu Vương hành khiển, Thiên Ôn hành binh chi thần, Lý Tào phán quan.

Năm Sửu: Triệu Vương hành khiển, Tam Thập lục thương hành binh chi thần, Khúc Tào phán quan.

Năm Dần: Ngụy Vương hành khiển, Mộc Tinh hành binh chi thần, Tiêu Tào phán quan.

Năm Mão: Trịnh Vương hành khiển, Thạch Tinh hành binh chi thần, Liễu Tào phán quan.

Năm Thìn: Sở Vương hành khiển, Hoả Tinh hành binh chi thần, Biểu Tào phán quan.

Năm Tị: Ngô Vương hành khiển, Thiên Hao hành binh chi thần, Hứa Tào phán quan.

Năm Ngọ: Tần Vương hành khiển, Thiên Mao hành binh chi thần, Ngọc Tào phán quan.

Năm Mùi: Tống Vương hành khiên, Ngũ Đạo hành binh chi thần, Lâm Tào phán quan.

Năm Thân: Tề Vương hành khiển, Ngũ Miếu hành binh chi thần, Tống Tào phán quan.

Năm Dậu: Lỗ Vương hành khiển, Ngũ Nhạc hành binh chi thần, Cự Tào phán quan.

Năm Tuất: Việt Vương hành khiển, Thiên Bá hành binh chi thần, Thành Tào phán quan.

Năm Hợi: Lưu Vương hành khiển, Ngũ Ôn hành binh chi thần, Nguyễn Tào phán quan.

Hạ Vy(Tổng hợp)


Bổ ích

Xúc động

Sáng tạo

Độc đáo