Người dân được đốt loại pháo hoa nào vào ngày Tết?

Nhịp sống - Ngày đăng : 11:30, 21/01/2023

Theo luật sư, vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ, hay còn gọi chung là pháo hoa "không nổ".

Theo luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, những năm gần đây xuất hiện nhiều loại pháo hoa, trong đó có những loại pháo hoa được phép sử dụng trong các dịp lễ, Tết, khai trương... Còn đối với các loại pháo hoa nổ thì việc sử dụng phải theo quy định của pháp luật.

Pháo hoa người dân được phép sử dụng là loại pháo gây ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian nhưng không gây ra tiếng nổ.

Còn loại "pháo hoa nổ" là loại pháo mà người dân không được phép tự ý sử dụng, được xếp vào nhóm pháo nổ và nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân tự ý sử dụng.

Việc sử dụng pháo hoa nổ do cơ quan có thẩm quyền quyết định trong những trường hợp đặc biệt.

Người dân được đốt loại pháo hoa nào vào ngày Tết? - 1

Người dân xếp hàng chờ mua pháo hoa không tiếng nổ ở Nhà máy Z121 (Ảnh: VTV).

Quy định sử dụng pháo hoa được đề cập tại khoản 1, Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về Quản lý, sử dụng pháo. Cụ thể, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật.

Vì vậy, vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ, hay còn gọi chung là pháo hoa "không nổ".

Đối với loại "pháo hoa nổ" (là loại phát ra tiếng nổ) thì phải do cơ quan chức năng tổ chức sử dụng vào các dịp lễ lớn hoặc dịp tết theo kế hoạch của Nhà nước. Nghiêm cấm việc tổ chức cá nhân tự ý sản xuất, vận chuyển, mua bán, sử dụng trái phép pháo nổ và pháo hoa nổ.

Ngoài ra, người dân chỉ được mua các loại pháo không nổ ở các địa điểm, cơ sở do nhà nước quy định.

Hải Nam