Thực đơn tốt nhất dịp Tết Nguyên đán mà người tiểu đường không nên bỏ qua
Ăn ngon - Sống khỏe - Ngày đăng : 17:30, 20/01/2023
Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam thống kê cả nước có khoảng 5 triệu người bị tiểu đường. Thông tin này một lần nữa nhắc nhở người bệnh tiểu đường cẩn trọng khi dịp Tết đến Xuân về.
Trong ngày Tết cuộc sống người bệnh tiểu đường bị xáo trộn như: ăn, ngủ không đúng giờ, quên uống thuốc, hoặc hết thuốc kiêng cữ khám bệnh… Ngoài ra, người bệnh còn ăn uống nhiều do tiếp khách mà hầu hết các món ăn trong ngày Tết chứa nhiều tinh bột, dầu mỡ hoặc uống nhiều rượu, bia, cà phê, hút thuốc.
Người bệnh vẫn có thể ăn các món ăn truyền thống trong ngày Tết nhưng cần ăn lượng vừa đủ theo khẩu phần dành cho người tiểu đường.
Thực đơn ngày Tết cho người tiểu đường đảm bảo sức khỏe
Ngày Tết, thực đơn người bệnh tiểu đường nên bổ sung đầy đủ 4 nhóm chất như: tinh bột, đạm, chất béo, chất xơ để đảm bảo năng lượng hoạt động trong một ngày, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
1. Nhóm thực phẩm bột đường
Người bệnh có thể ăn các loại bánh truyền thống ngày Tết như bánh chưng, bánh tét có chứa nhiều chất bột đường. Chọn bánh chưng hoặc bánh tét gói ít thịt mỡ, nên ăn khoảng 150g bánh chưng tương đương 1/8 cái bánh chưng, mỗi lần ăn cách nhau ít nhất 8 giờ, nếu đã ăn bánh chưng trong bữa thì bỏ phần cơm, miến… các loại thức ăn chứa bột đường tương đương.
Người bệnh có thể thay thế cơm, xôi bằng việc ăn mì, bún…
Người bệnh tiểu đường nên chọn các loại bánh, kẹo có chỉ số đường huyết thấp (GI<50).
Nên dùng đồ uống tốt cho người tiểu đường như: trà xanh, nước lọc, sữa hạt, sữa đậu nành.
2. Nhóm thực phẩm giàu chất xơ
Người bệnh nên ăn các loại rau hấp, luộc, chọn trái cây ít ngọt, nhiều chất xơ như: bưởi, ổi, mận, táo, dâu tây, đào, táo, cam, đu đủ… ăn trực tiếp tốt hơn xay nhuyễn hoặc chỉ ép lấy nước.
Nên thay thế các loại mứt bằng việc ăn các loại hạt: hạnh nhân, hạt óc chó, hạt điều, hạt bí, hạt dưa, hạt macca…
Người bệnh tiểu đường có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách lựa chọn các loại rau lá xanh có đầy đủ vitamin, khoáng chất. Các loại rau cung cấp kali, vitamin A, canxi, protein, chất xơ như: cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt), cải xoăn, bông cải xanh, bắp cải…
3. Nhóm thực phẩm giàu chất béo
Trong bữa ăn chính hoặc bữa phụ, người bệnh có thể dùng thực phẩm có chất béo (lipid) như: dầu thực vật, phomai, bơ, sữa… Tuy nhiên, người bệnh nên dùng hạn chế (dùng tối đa khoảng 2 muỗng cà phê chất béo/1 bữa chính) để tránh tăng lượng đường trong máu, gây ra gan nhiễm mỡ, tăng nguy cơ biến chứng huyết áp, tim mạch.
4. Nhóm thực phẩm giàu chất đạm
Người bệnh tiểu đường nên bổ sung các loại thực phẩm giàu protein như: thịt gia cầm, thịt đỏ, cá, đậu, trứng.
Thịt nạc có hàm lượng chất béo tương đối thấp nên ít calo hơn so với thịt mỡ. Thịt nạc cung cấp nguồn protein để xây dựng, sửa chữa các mô trong cơ thể. Protein cũng được biến thành glucose nếu cơ thể cần nhiều năng lượng hơn.
Cá giàu protein, chứa omega-3 tốt (loại axit béo thiết yếu hỗ trợ chức năng não) nên ăn 340gr cá mỗi tuần, nhất là cá nhiều omega-3 như: cá hồi, cá thu, cá mòi.
Trứng, đậu cung cấp nguồn protein tốt cho cơ thể. Trứng chứa nhiều choline (chất dinh dưỡng tương tự vitamin B) có lợi cho não, giúp giảm viêm. Các loại đậu tạo ra nguồn protein ít chất béo, chứa các khoáng chất hữu ích như sắt tốt cho người bệnh tiểu đường.