Dạy con hiểu đúng ý nghĩa phong tục lì xì ngày Tết
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 14:30, 20/01/2023
Theo phong tục Tết truyền thống, mỗi dịp năm mới, trẻ sẽ được nhận tiền lì xì từ người lớn như một lời chúc tốt lành, may mắn. Tuy nhiên, hầu như các bé chỉ biết nhận lì xì, thậm chí còn mở ngay ra xem được mừng tuổi nhiều hay ít, khiến người mừng rất ngại ngùng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Nga, Trung tâm nghiên cứu, tư vấn tâm lý vị thành niên (Hà Nội) chia sẻ một số cách dạy trẻ nhận lì xì sao cho đúng, phụ huynh có thể tham khảo.
Tục lì xì bắt nguồn từ đâu?
Tục lệ lì xì đầu năm mới có từ thời xa xưa. Tương truyền, khi ông Táo về chầu trời, quỷ dữ dưới trần thừa cơ làm loạn. Bọn chúng lẻn vào những nhà có trẻ nhỏ, xoa đầu chúng và gây bệnh tật. Nhiều đứa trẻ còn bị cướp đi.
Để xua đuổi ma quỷ và chúc cho trẻ con khoẻ mạnh, người dân bỏ một đồng tiền gói trong giấy đỏ vào dưới gối của chúng. Quỷ dữ ùa vào nhà thấy đồng tiền sáng chói sẽ sợ hãi mà chạy mất. Ngày nay, tục lì xì trở thành tiền mừng tuổi mà người lớn cho trẻ nhỏ với ý chúc khỏe mạnh, ăn mau chóng lớn.
Với sự giải thích của bố mẹ, trẻ sẽ hiểu tiền lì xì mang ý nghĩa mừng tuổi, là tình cảm yêu mến mà người lớn dành cho trẻ nhỏ, cầu mong hay ăn chóng lớn, vui chơi và học hành tấn tới chứ không mang nặng ý nghĩa về vật chất.
Với những người lớn tuổi, tiền lì xì có ý nghĩa mong nhiều sức khỏe để có thể bên con cháu thật lâu. Do đó trẻ không được kỳ vọng về số tiền mà mình nhận được. Đây là bài học đầu tiên trong kỹ năng sống mà trẻ có thể học được từ tục lì xì ngày Tết.
Nhận lì xì đúng cách
Bố mẹ nên dạy con khi nhận được mừng tuổi phải bày tỏ thái độ biết ơn và chúc Tết lại người lớn với những lời chúc phúc, may mắn đầu năm.
Bố mẹ có thể giúp bé suy nghĩ vài câu chúc đơn giản phù hợp với từng đối tượng. Nếu chúc các cô thì chúc “năm mới đẹp rạng ngời tươi tắn”, gặp chú bác thì chúc “phát tài phát lộc” hay gặp người lớn tuổi thì nên là “sức khoẻ dồi dào, sống lâu trăm tuổi”.
Bố mẹ cũng đặc biệt lưu ý, dặn con trẻ một số điều kiêng kị: không được mở lì xì trước mặt người lớn; không chê bai nếu tiền lì xì ít. Bố mẹ có thể giúp con thực hành ứng xử ở nhà để con có thể thực hiện ngay cả khi không có bố mẹ bên cạnh nhắc nhở. Kỹ năng sống được hình thành thông qua một quá trình, vì vậy, bố mẹ nên tạo điều kiện để trẻ có cơ hội tập luyện.
Tiết kiệm lì xì
Thường thì trẻ sẽ có xu hướng dùng toàn bộ số tiền mình thích để tiêu vì sợ bố mẹ thu lại tiền mừng tuổi. Bố mẹ có thể trao đổi rõ ràng rằng trẻ sẽ được toàn quyền sử dụng số tiền lì xì hợp lý. Ví dụ như con có thể dùng một phần tiền để mua món đồ mà con thích và thấy cần phải sử dụng ngay. Số còn lại con có thể dùng để chi cho một số khoản cần nhiều tiền và có thể thực hiện xa hơn như: tiết kiệm để mua một chiếc tủ sách hay trọn bộ sách nước ngoài mà con yêu thích.
Bố mẹ có thể dạy con tự tay đút tiền vào lợn đất để tiết kiệm dùng cho nhiều khoản chưa có kế hoạch sau này, hoặc mua một món đồ trong gia đình với tư cách là một thành viên trong gia đình.
Bố mẹ cũng có thể giúp trẻ lên kế hoạch chi tiêu hàng tháng với số tiền lì xì mà mình có được sau những ngày Tết. Với mỗi tháng kế hoạch hoạt động của các bạn sẽ khác nhau do đó tiền chi tiêu cũng có thể khác nhau. Ví dụ, tháng hè, nhiều hoạt động vui chơi chắc chắn sẽ cần chi nhiều hơn các tháng trong năm học. Với những dự tính chi tiêu đó, bố mẹ giúp các bé có kế hoạch cân đo tính toán sử dụng hợp lý số tiền hạn chế của mình.
Bên cạnh việc sử dụng tiền lì xì cho các nhu cầu bản thân, bố mẹ cũng có thể khuyên con dành một phần để làm từ thiện. Đây là lúc phù hợp nhất để dạy về tình thương người và sự hào phóng, bởi trẻ đang có sẵn khá nhiều tiền vừa được người khác cho thay vì tiêu khiển vào những thứ thiếu tính thực tế.