Đoạn trụ bê tông thứ 2, nơi bé trai rơi xuống đã được kéo lên mặt đất

Nhịp sống - Ngày đăng : 18:50, 19/01/2023

Chiều tối 19/1, trụ bê tông thứ 2, nơi bé Thái Lý Hạo Nam ở Đồng Tháp rơi xuống đã được kéo lên mặt đất.

20h20, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, lực lượng chức năng đang dùng kỹ thuật cứu hộ ở tầng sâu để đưa thi thể bé trai 10 tuổi ra ngoài.

Theo ghi nhận của Dân trí, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - Phạm Thiện Nghĩa - đã đến hiện trường để chỉ đạo các mặt công tác.

Lúc 18h, ông Đoàn Tấn Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết, đoạn trụ bê tông thứ 2, nơi bé trai 10 tuổi rơi xuống đã được kéo lên mặt đất. Lực lượng cứu nạn, cứu hộ đang tiếp cận trụ thứ 3 và dùng kỹ thuật cứu hộ ở tầng sâu để đưa thi thể nạn nhân ra ngoài.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, chiều cùng ngày, một số phương tiện máy móc cứu nạn, cứu hộ đã được đưa ra khỏi hiện trường. Lực lượng cảnh sát và viện kiểm sát cũng đã có mặt.

Đoạn trụ bê tông thứ 2, nơi bé trai rơi xuống đã được kéo lên mặt đất - 1

Lực lượng chức năng tham gia giải cứu bé Thái Lý Hạo Nam (Ảnh: Hải Long).

Trưa 31/12/2022, Nam cùng 3 người bạn chung xóm vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình để nhặt sắt.

Khi cùng nhóm bạn đi qua công trình, Nam lọt xuống trụ bê tông đã đóng sâu xuống đất khoảng 35m. Trụ bê tông rỗng bên trong, đường kính 25 cm.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, nhiều người nhanh chóng có mặt ở hiện trường để giải cứu nạn nhân nhưng bất thành. Liên tiếp những ngày sau đó, hàng chục bình ô xy được bơm xuống miệng hố (nơi bé Nam mắc kẹt) cùng các vật dụng như gầu cạp đất, cẩu 80 tấn, đầu khoan cọc, búa rung 180kW, máy phát điện... được đưa đến hiện trường.

Nhiều phương pháp như dùng máy bơm áp lực cao làm tơi rã lớp đất sét cứng, dùng khoan guồng xoắn mũi nhỏ để xuyên thấu lớp đất cứng đã được dùng đến nhưng không có hiệu quả.

Đoạn trụ bê tông thứ 2, nơi bé trai rơi xuống đã được kéo lên mặt đất - 2

Một số máy móc được di chuyển ra khỏi hiện trường (Ảnh: Hải Hành).

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, ngoài thời tiết thì đường đi lối lại vào khu vực xảy ra cũng không được thuận lợi khi vận chuyển thiết bị cứu hộ vào hiện trường. Điều này khiến công tác đưa bé trai lên mặt đất phải mất nhiều thời gian.

Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp thừa nhận đây là sự cố tai nạn rất hiếm gặp, rất hy hữu nên các lực lượng tham gia cứu hộ có lúng túng và bất ngờ.

Để đẩy nhanh tiến độ, các chuyên gia của Nhật Bản cùng nhiều Bộ, ngành như Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng cũng đã có nhiều cuộc họp thống nhất phương án.

Kết thúc vụ việc, tỉnh Đồng Tháp đã phải huy động khoảng 350 cán bộ, nhân viên làm việc liên tục, chia làm nhiều ca cả ngày lẫn đêm. Để chia sẻ nỗi đau với gia đình nạn nhân, lãnh đạo Quân khu 9 đã lên kế hoạch hỗ trợ nhà, việc làm cho cha mẹ bé Hạo Nam.

Vụ việc đến nay vẫn chưa được cơ quan điều tra khởi tố để làm rõ.