Những câu chuyện "dở khóc dở cười" của cảnh sát giao thông vùng cao
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:24, 19/01/2023
Huyện vùng cao Phù Yên (tỉnh Sơn La) những ngày giáp Tết người dân tham gia giao thông khá đông đúc nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ ùn tắc và tai nạn giao thông.
Để đảm bảo an toàn cho người dân khi tham gia giao thông thuận lợi, an toàn và xử lý các trường hợp vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an huyện Phù Yên luôn túc trực 100% quân số. Do địa bàn vùng cao hiểm trở, nhiều tuyến đường nhỏ hẹp nên công tác tuần tra, kiểm soát của các cán bộ, chiến sỹ gặp phải nhiều khó khăn, vất vả.
Bên cạnh đó, nhiều người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế nên gây khó khăn cho cảnh sát trong quá trình xử lý.
Theo chia sẻ của Trung tá Nguyễn Văn Tân, Đội trưởng đội CSGT Công an huyện Phù Yên, đã có nhiều trường hợp sau khi vi phạm giao thông đã ngồi ôm bánh xe không cho xử lý.
Thậm chí, có người còn nằm trước bánh xe ô tô của lực lượng cảnh sát nhằm "ăn vạ". Đối với những trường hợp này, các chiến sỹ trong đội nhẹ nhàng khuyên bảo, giải thích nếu cương quyết không hợp tác phải nhờ sự hỗ trợ của công an xã, huyện.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng thường xuyên tổ chức tuyên truyền kiến thức pháp luật về luật giao thông đường bộ cho người dân trên địa bàn. Để việc tuyên truyền hiệu quả đơn vị còn lồng ghép các hình ảnh của những vụ tai nạn qua đó người dân thấy được hậu quả để phòng tránh.
"Nhiều trường hợp người vi phạm giao thông bị cán bộ, chiến sĩ xử lý, xin không được quay ra chửi là chuyện bình thường", Trung tá Tân chia sẻ.
Thiếu tá Đinh Văn Kiên, Phó đội trưởng Đội CSGT Công an huyện Phù Yên cho biết, các trường hợp vi phạm trên địa bàn chủ yếu là các lỗi đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, vi phạm nồng độ cồn, chở quá số người quy định.
Nhiều người nhận thức pháp luật hạn chế, đời sống của đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa còn khó khăn nên khi tham gia giao thông mà vi phạm bị xử lý họ thường "xin" bỏ qua và hứa về sau không vi phạm.
"Người vi phạm bước đầu là xin nhưng xin không được thì lại có những lời lẽ khiếm nhã với tổ công tác", Thiếu tá Kiên nói.
Thiếu tá Kiên cho biết thêm, đối với nam giới thì không xảy ra tình trạng "ăn vạ" nhưng phụ nữ lại xảy ra rất nhiều. Trong hơn 10 năm công tác ở địa bàn vùng cao, Thiếu tá Kiên rút ra kinh nghiệm đối với người vi phạm khi vừa xuống xe có thái độ không hợp tác thì cần phải lựa chọn phương án xử lý cho phù hợp cả cứng rắn và mềm mỏng.
"Đối với người đồng bào dân tộc nếu biết cách xử lý, nói chuyện mọi việc sẽ rất dễ nhưng nếu trái ý họ thì việc trở nên rất phức tạp. Trong trường hợp người dân hiểu biết pháp luật kém, không biết chữ chúng tôi sẽ nhắc nhở, giải thích chứ không nhất thiết phải xử phạt", Thiếu tá Kiên nói.
Thiếu tá Kiên cũng khẳng định, trong hơn 10 năm công tác ở huyện vùng cao Phù Yên chưa bao giờ anh có thái độ cửa quyền đối với người tham gia giao thông.
"Khi dừng xe người đi đường, điều đầu tiên là chúng tôi phải chào và nói xin lỗi "anh, chị" cho tổ công tác kiểm soát về giấy tờ, nồng độ cồn chứ không bao giờ có chuyện nói chuyện khó nghe hay lớn tiếng", Thiếu tá Kiên khẳng định.