Người Việt ở Lào chật vật mưu sinh sau đại dịch, mơ về quê hương đón Tết
Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 06:54, 19/01/2023
Cuối tháng 12/2022, trong chuyến công tác trên nước bạn Lào, chúng tôi có dịp ghé chợ Đào Hương (thành phố Pakse, tỉnh Champasak), nơi có nhiều kiều bào kinh doanh, buôn bán. Trải qua 3 năm đại dịch, ngôi chợ của người Việt sầm uất ngày nào giờ có phần thay đổi.
Từ vụ cháy kinh hoàng đến nỗi buồn sau đại dịch Covid-19
Tại chợ Đào Hương, những tấm bảng hiệu viết xen kẽ hai ngôn ngữ Việt - Lào khá nhiều. Mới 16h, những quầy hàng kinh doanh trang sức, đồ tiêu dùng ngay đầu chợ đã bắt đầu đóng cửa.
Quan sát một lúc, chúng tôi đi đến sạp kinh doanh có người Việt. Đó là tiệm bán sim thẻ, điện thoại cũ, đồng hồ của anh Lê Thắng (42 tuổi, quê Quảng Trị). Nghe giọng quê hương, cả hai vui mừng chào hỏi. Khi nói về hoàn cảnh hiện tại, anh Thắng khá trầm tư.
Chủ tiệm kể, 12 năm trước, vợ chồng anh rời quê sang Lào lập nghiệp, buôn bán đủ thứ, từ hàng may mặc đến giày dép, vừa bán vừa học ngôn ngữ. Sáu năm sau, ngành công nghệ bắt đầu phát triển, anh chuyển sang mua bán điện thoại. Việc kinh doanh "ăn nên làm ra", vợ chồng gửi tiền về nhà đều đặn, nuôi 3 đứa con ăn học.
Đến khi đại dịch Covid-19 xuất` hiện, phá hỏng bao dự tính của gia đình. Sau 3 năm oằn mình chống dịch, đồng tiền Lào bị mất giá khoảng một nửa, khiến vốn liếng tích trữ của gia đình anh Thắng cũng cạn dần theo ngày tháng.
"Trước đây 10 triệu tiền kíp Lào đổi được 27 triệu đồng Việt Nam, giờ còn khoảng 13 triệu đồng, lỗ hơn một nửa. Người Việt buôn bán ở đây có lúc đến 800 người, nhưng sau vụ cháy năm 2016 và sau dịch đã giảm nhiều, còn khoảng 200-300 người. Khách mua cũng vắng hẳn, có ngày chỉ bán được vài chiếc card điện thoại", anh Thắng nói và tiết lộ sẽ bán đến cuối tháng Chạp rồi về quê ăn Tết, sang năm tính tiếp…
Qua dò hỏi thông tin được biết, tháng 5/2016, vụ hỏa hoạn lớn xảy ra tại chợ Đào Hương. Đó là một đêm kinh hoàng của 6 năm trước, khói lửa bất ngờ bốc lên tại phía Tây chợ. Dù lực lượng cứu hỏa của tỉnh Salavan sang hỗ trợ nhưng ngọn lửa nhanh chóng lan rộng diện tích 6.000m2, nhiều tiểu thương thiệt hại nặng nề, 90% trong số đó là người Việt.
"Lúc đó là buổi tối, tôi đang ở nhà thì nghe có hàng xóm hớt hải chạy sang báo cháy chợ. Khi chạy ra đến nơi, hàng hóa tích trữ của gia đình tôi đã thành tro hết rồi", Hùng (người gốc Huế sinh ra và lớn lên ở Lào) phụ gia đình bán đồ lạc xoong, kể lại sự việc bằng tiếng Việt lơ lớ.
Bằng sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cùng tinh thần đoàn kết của cộng đồng kiều bào tại Lào, các tiểu thương Việt đã gác lại nỗi buồn để đứng lên. Sau thời gian ngắn, cảnh buôn bán tấp nập ở chợ lại được phục hồi. Nhưng dịch Covid-19 kéo dài, tiếp tục đặt họ vào thử thách mới.
Ước được về quê hương đón Tết, sinh sống
Cách tiệm của anh Lê Thắng vài ô vựa, cô Trần Thị Kim Nga (67 tuổi) đang cắt, chia thịt heo thành từng mảnh nhỏ. Đã chập choạng tối nhưng sạp của cô vẫn còn khá nhiều thịt, xem như một ngày buôn bán chưa thuận lợi.
30 năm qua, cô Nga chỉ bán thịt heo tại chợ Pakse cũ, nay là chợ Đào Hương. Trước dịch Covid-19, mỗi ngày khách hàng tiêu thụ 50-60kg thịt, nhưng giờ chỉ còn vỏn vẹn 20kg. Lạm phát đẩy giá thịt heo lên cao, khách hàng của cô Nga ngày một thưa dần.
Vụ cháy năm 2016 cũng là một phần ký ức của cô Nga trong hành trình nhiều năm mưu sinh gắn bó với chợ. "Cháy hết cả hàng hóa, nhiều người lỗ nặng lắm. Có người phải bỏ về Việt Nam, nhưng đâu phải ai cũng về được, vì còn ở lại trả nợ", người phụ nữ kể.
Biết khách phương xa đến từ TPHCM, cô Nga trầm ngâm, nói hai ngày trước, bà Vân bán cháo ở chợ cũng mới từ TPHCM trở về. Nghe bạn hàng kể đường phố hiện đại, đồ ăn ngon, tối cùng người thân đi xem ca nhạc, cô Nga cảm thấy nôn nao trong lòng.
"Nghe nói Việt Nam giờ rất phát triển, TPHCM có nhà cao tầng nhiều lắm, cũng dễ kiếm tiền nữa. Có cơ hội, tôi muốn về quê hương đón Tết, nếu được thì định cư luôn, nhưng không biết khi nào mới thực hiện được. Chỉ mong cuộc sống ổn hơn, để có cái ăn", người phụ nữ chia sẻ.
Ước mơ của cô Nga giờ đây cũng mơ hồ, bấp bênh như nghề lái xe tuk tuk của chồng. Chú Quý (55 tuổi) nói, mỗi chuyến chở khách dạo quanh chợ hoặc về các tuyến đường gần có giá 15.000 - 20.000 kíp Lào. Có khách là chú chạy bất kể thời gian nhưng cả buổi chiều chờ đợi, chiếc xe vẫn chưa có dịp nổ máy. Chú Quý tâm sự, sau đại dịch Covid-19 tình trạng này diễn ra thường xuyên.
Những người Việt lạc quan vượt khó
18h, chúng tôi tìm kiếm nơi đổi thêm tiền Lào. Mới đi được một đoạn, nghe giọng nói người Việt từ cửa hàng kinh doanh ngay mặt tiền đường lớn. Đó là cô Nguyễn Hậu (53 tuổi), từ Huế sang Lào sinh sống, cô đang đút từng muỗng cơm cho cháu trai ăn tối.
Người thân của cô Hậu từ Việt Nam qua Pakse sinh sống nhiều năm nay. Ngoài kinh doanh lốp xe, họ còn mở một thẩm mỹ viện. Dù sau dịch thu nhập giảm nhiều, gia đình cô Hậu vẫn quyết định bám trụ. Bởi với họ, đây đã là quê hương thứ hai, cuộc sống bình yên.
"Vài bữa nữa khi công việc các cháu thu xếp ổn thỏa, tôi sẽ về Việt Nam đón Tết. Dù có nhiều khó khăn nhưng cháu tôi đã chọn ở lại, và tôi tin các cháu quyết định đúng", cô Hậu cười, chủ động đi đổi tiền cho chúng tôi.
Nụ cười của người phụ nữ làm chúng tôi nhớ đến anh Nguyễn Văn Việt, chủ một công ty bột mì tại tỉnh Sekong.
Anh Việt đến Lào từ những năm 2000, kinh doanh, khai thác chế biến lâm sản và hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cầu đường. Khi cư dân địa phương chuyển sang trồng mì diện tích lớn, 4 năm trước, anh gom tiền mở nhà máy chế biến bột mì, vốn ban đầu 170 tỷ đồng. Tuy nhiên hoạt động không bao lâu thì dịch Covid-19 ập đến.
Trước khó khăn chất chồng, bản lĩnh của người Việt xa quê được thể hiện. Chủ công ty đã tìm cách sử dụng nhân công linh hoạt, sản xuất tại chỗ, cố gắng giữ thu nhập để người lao động không mất tinh thần.
Sau 3 năm đại dịch, quy mô nhà máy không bị giảm sút mà đã được nâng lên 250 tỷ đồng. Nhân công nhà máy cũng tăng lên 250 người, mang lại cuộc sống ổn định cho nhiều người dân bản địa và người Việt tại Lào.
Chuyện vượt "bão" Covid-19 của công ty bột mì cho thấy, trong gian khó vẫn có cách tồn tại và phát triển. Rời Pakse, chúng tôi mang niềm tin rằng vẫn còn rất nhiều những cô Hậu, anh Việt khác ở Lào giữ tinh thần lạc quan, để cuộc sống của những người Việt xa quê sớm trở lại như thời điểm chưa xảy ra đại dịch...