Nhà thông minh tại Việt Nam ngày càng bình dân hóa

Cuộc sống số - Ngày đăng : 23:30, 18/01/2023

Những ngôi nhà thông minh đang ngày càng rẻ. Tại Việt Nam, chi phí lắp đặt trọn gói một ngôi nhà thông minh hiện dao động trong khoảng từ 14-25 triệu đồng, thậm chí còn rẻ hơn.

Thị trường smarthome đạt 222,9 tỷ USD năm 2027

Theo số liệu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Statista, doanh thu thị trường smarthome (nhà thông minh) toàn cầu năm 2022 đạt khoảng 117,55 tỷ USD. Phần lớn thị trường nhà thông minh hiện đến từ Mỹ (31,45 tỷ USD), tiếp theo đó là Trung Quốc, Anh, Nhật Bản và Đức.

Thị trường nhà thông minh cấu thành bởi các thiết bị gia dụng thông minh, các thiết bị điều khiển, kết nối, các thiết bị và dịch vụ an ninh, quản lý năng lượng và giải trí tại nhà…

Doanh thu thị trường nhà thông minh toàn cầu. Số liệu: Statista

Trong năm qua, hai nhóm sản phẩm, dịch vụ về các sản phẩm gia dụng và thiết bị điều khiển/kết nối thông minh vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất trên thị trường smarthome.

Tỷ lệ thâm nhập hộ gia đình của các sản phẩm nhà thông minh hiện đang là 14,2% vào năm 2022 và dự kiến ​​sẽ đạt 28,8% vào năm 2027. Số hộ gia đình sử dụng nhà thông minh trên thế giới dự kiến ​​sẽ lên tới 672,6 triệu hộ vào năm 2027.

Theo dự đoán của Statista, doanh thu thị trường nhà thông minh toàn cầu sẽ đạt 222,9 tỷ USD vào năm 2027 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR 2022-2027) là 12,47%.

Tuy doanh thu chung của thị trường tăng lên, chi phí lắp đặt chỗ mỗi ngôi nhà thông minh lại đang đi theo chiều hướng giảm dần. Đến năm 2027, mức chi phí cho một ngôi nhà thông minh được dự đoán sẽ chỉ còn khoảng 381,9 USD (tương đương 8,9 triệu đồng).

Việt Nam đang có 3,2 triệu hộ gia đình thông minh

Tại Việt Nam, tỷ lệ thâm nhập của các sản phẩm và dịch vụ nhà thông minh hiện đang ở mức 11,9%. Theo kết quả cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, cả nước hiện có khoảng 26,9 triệu hộ gia đình. Điều này cũng có nghĩa, hiện có khoảng 3,2 triệu hộ gia đình Việt Nam đang sử dụng thiết bị smarthome.

Lắp đặt bộ giám sát tiêu thụ điện thông minh tại một hộ gia đình Việt. Ảnh: Trọng Đạt

Statista đưa ra dự đoán tỷ lệ thâm nhập của các thiết bị smarthome tại Việt Nam sẽ đạt 22,6% vào năm 2027. Như vậy, sau 5 năm tới, cả nước sẽ có khoảng 6 triệu hộ gia đình thông minh.

Báo cáo của Statista cho biết, doanh thu thị trường nhà thông minh Việt Nam năm 2022 ước ​​đạt khoảng 232,3 triệu USD. Tổng doanh thu thị trường vào năm 2027 được dự báo đạt 460,1 triệu USD với tỷ lệ tăng trưởng kép CAGR là 12,51%.

Mức chi tiêu cho các thiết bị nhà thông minh tại Việt Nam theo nhóm sản phẩm. Số liệu: Statista

Chia sẻ với VietNamNet, ông Nguyễn Đức Quý - CEO Nhà thông minh Vconnex cho biết, chi phí để một hộ gia đình Việt thuộc phân khúc phổ thông lắp đặt trọn gói một ngôi nhà thông minh hiện dao động trong khoảng từ 14-25 triệu đồng. Tuy nhiên, người dùng có nhu cầu đơn đơn lẻ hoàn toàn có thể tiếp cận smarthome với mức giá từ vài trăm nghìn cho tới chỉ hơn một triệu đồng.

“Thị trường smarthome tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng tầm với tiềm năng. Để thị trường smarthome Việt phát triển, cần giúp người dùng loại bỏ trở ngại tâm lý về giá cả. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp smarthome trong nước cần phát triển các giải pháp công nghệ đáp ứng yêu cầu về sự ổn định và an toàn”, ông Quý nói.

Thị trường nhà thông minh sẽ phát triển mạnh năm 2023

Bất chấp các biến động về kinh tế, chính trị, xã hội thời gian qua, các báo cáo của Statista về thị trường smarthome toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng luôn khả quan và có chiều hướng tăng cao.

Các thiết bị smarthome điều khiển từ xa bằng điện thoại đang ngày càng xuất hiện nhiều tại các hộ gia đình Việt Nam. Trong ảnh là một chiếc ổ cắm thông minh được cài đặt nhằm hẹn giờ tưới cây tự động. Ảnh: Trọng Đạt

Thách thức kỹ thuật của thị trường nhà thông minh là khả năng tương thích giữa các thiết bị. các hệ sinh thái, giao thức truyền thông khác nhau và việc thiếu một tiêu chuẩn chung.

Kể từ cuối năm 2022, thị trường smarthome đã chứng kiến sự xuất hiện của một tiêu chuẩn chung mới có tên là Matter. Đây là giao thức cho phép tất cả các thiết bị giao tiếp với nhau, bất kể thiết bị đến từ nhà sản xuất nào. Với sự hỗ trợ bởi 200 công ty, bao gồm Amazon, Apple, Google và Samsung, tiêu chuẩn Matter hứa hẹn sẽ mang đến sức tăng trưởng mới cho thị trường nhà thông minh.

Cùng với tiêu chuẩn Matter, việc mạng 5G ngày càng phổ biến cũng sẽ là chất xúc tác thúc đẩy thị trường nhà thông minh phát triển hơn trong những năm tới.