Cẩm nang ăn Tết vui khỏe cho tất cả thành viên trong gia đình
Gia đình - Ngày đăng : 12:00, 18/01/2023
Người phải sử dụng bia rượu
Vấn đề bia rượu ngày Tết, đặc biệt là đấng mày râu khó có thể tránh khỏi hoàn toàn. Tuy nhiên để đảm bảo sức khỏe, chúng ta cần phải biết kiểm soát lượng bia rượu nạp vào cơ thể ở mức vừa phải.
Theo TS Chu Thị Tuyết - Phụ trách khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị, mỗi người chỉ nên uống tối đa 2 đơn vị cồn mỗi ngày. Mức này tương đương với 350ml bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh.
"Cần lưu ý trong quá trình uống bia rượu cần phải ăn đầy đủ chất, đặc biệt là món rau xanh. Chúng tôi bao giờ cũng khuyến cáo phải đưa rau lên hàng đầu vì rất quan trọng. Nên cung cấp 25g chất xơ mỗi ngày", TS Tuyết chia sẻ.
Bên cạnh đó, theo TS Tuyết trong các cuộc nhậu ngày Tết, nếu phải uống rượu nhiều, mọi người có thể uống kèm thêm một cốc nước chanh, nước hoa quả. Biện pháp này giúp hạn chế mệt mỏi sau chầu rượu, tăng sức đề kháng.
Theo BS Kiều Đình Khoan - Trưởng khoa Lão, Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung Ương, việc sử dụng rượu bia sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều bộ phận trên cơ thể như: thần kinh, tim mạch nhưng trực tiếp nhất, chịu tác động nhiều nhất vẫn là gan (viêm gan, xơ gan) và đường ruột (viêm loét dạ dày). Do đó, với những trường hợp này nên sử dụng thêm các thảo dược thiên về chức năng giải độc, bảo vệ dạ dày, cụ thể: nấm linh chi, cà gai leo, atisô, nhân trần.
Trong trường hợp bị say rượu, ngộ độc rượu cần nhớ những nguyên tắc sau:
-Cần đặt người bệnh nằm nghiêng sang một bên để hạn chế việc bệnh nhân khi nôn, trớ ra lại hít vào phổi. Đồng thời, tư thế nằm này cũng giúp hạn chế hiện tượng tụt lưỡi.
-Thực hiện các biện pháp ủ ấm bởi người say rượu, ngộ độc rượu rất dễ bị mất nhiệt.
-Trong trường hợp bệnh nhân có thể ăn được thì nên cho bệnh nhân ăn, chú ý bổ sung thêm gluxit, các chất đường bởi bệnh nhân bị ngộ độc rượu rất dễ bị tụt đường huyết do bản thân rượu gây ra, đồng thời một phần lý do đến từ việc khi uống rượu thường ăn rất ít.
- Một biện pháp cũng rất quan trọng chính là bù nước và bù muối cho bệnh nhân.
- Người bị ngộ độc rượu, tùy theo thể trạng, mà có thể chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, cần đặc biệt theo sát để đề phòng các biến chứng, diễn biến xấu xảy ra, nhằm có biện pháp đưa đến các cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Người cao tuổi
Về vấn đề dinh dưỡng đối với người già, theo các bác sĩ chúng ta cần cho ăn đúng, ăn đủ chứ không ăn theo nhu cầu của các cụ. Việc định lượng sai khẩu phần cần thiết cho người già dễ gây tai biến, tăng đường huyết đột ngột, bội thực, tiêu chảy.
Bên cạnh đó, người già răng không còn, lợi kém, việc vận động của lưỡi cũng rất hạn chế nên khó đưa thức ăn vào đúng chỗ, dễ dẫn đến các tai nạn như sặc nghẹn.
Trên thực tế, một trong những nguyên nhân tai biến phổ biến nhất ở người già chính là do sặc, nghẹn khi ăn uống.
Do đó, các món ăn mềm, dẻo, có độ kết dính lớn, điển hình như bánh chưng là cái tên hàng đầu trong danh sách các món ăn ngày Tết có nguy cơ gây nghẹn cho người cao tuổi.
Theo hướng dẫn của chuyên gia y tế, trong trường hợp muốn cho người cao tuổi ăn bánh chưng, để cảm nhận không khí Tết, gia đình phải cắt bánh chưng rất nhỏ, thậm chí là nghiền, xay ra. Đồng thời, trong quá trình các cụ ăn cũng cần theo dõi rất sát.
Tuy nhiên, tốt nhất với các cụ đã mất nhiều răng, gặp khó khăn trong vấn đề ăn uống, nhai nuốt thì cần tránh ăn bánh chưng.
Bên cạnh bánh chưng, các món ăn có trứng cút, điển hình như canh bóng, súp cũng rất nguy hiểm với người cao tuổi. Cụ thể, việc kiểm soát hành động của người lớn tuổi đã kém linh hoạt. Vì vậy nhiều lúc ăn trứng cút chưa kịp nhai đã bị trôi xuống họng gây nghẹn.
Người mắc bệnh nền đái tháo đường, huyết áp…
Nem rán, bánh chưng, giò, chả… là những món ngon khó có thể thiếu trong mâm cỗ ngày Tết. Tuy nhiên, theo chuyên gia dinh dưỡng, vì là những món giàu năng lượng, chất béo nên cần có sự kiểm soát khi ăn, đặc biệt là với những người cao huyết áp, tiểu đường.
Theo TS Chu Thị Tuyết, mâm cỗ ngày Tết hầu hết đều là các thực phẩm chứa nhiều chất dinh dưỡng và năng lượng. Ngay cả với người bình thường, nếu ăn uống không kiểm soát cũng sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Với những người có bệnh nền, đặc biệt là bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận vấn đề này lại càng đáng lưu tâm.
TS Tuyết lấy dẫn chứng từ món bánh chưng, thông thường, một chiếc bánh chưng được làm với nguyên liệu là: 200g gạo nếp,100g thịt lợn, 50g đậu xanh. Như vậy, một chiếc bánh chưng sẽ cung cấp khoảng từ 1.700 - 2.000 kcal, khi ăn 1/8 chiếc bánh sẽ có năng lượng khoảng từ 200 - 210 kcal.
Một bát cơm trắng cung cấp khoảng 180-200 kcal tương đương với 1/8 chiếc bánh. Nếu trong mỗi bữa ăn ta ăn vừa ăn cơm như thông thường cộng thêm 1/8 miếng bánh hoặc có khi 1/4 chiếc bánh dẫn tới quá dư thừa năng lượng.
"Hầu hết các bệnh lý đều bị ảnh hưởng lớn bởi chế độ ăn uống không lành mạnh. Trong những ngày Tết chúng ta có thể thấy tình trạng ngộ độc hoặc một số bệnh lý khởi phát phải đi cấp cứu rất nhiều. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp người dân không hề biết nó có liên quan đến chế độ dinh dưỡng hay không, mà chỉ đến khi cơn bệnh kịch phát mới nhập viện.
Do đó, việc nắm rõ vai trò của vấn đề dinh dưỡng, đặc biệt là dinh dưỡng trong ngày Tết đặc biệt quan trọng với người có bệnh nền", TS Tuyết phân tích.