Bỏ qua lỗi khi kiểm định, tiêu cực có hệ thống ở đăng kiểm

Nhịp sống - Ngày đăng : 08:53, 18/01/2023

Giả đăng kiểm viên, giả mạo chữ ký, thuê đăng kiểm viên có tay nghề thấp, bỏ qua lỗi của xe, đó là những "chiêu trò" để các trung tâm đăng kiểm giành khách.

Đủ chiêu cạnh tranh, bỏ qua lỗi để hút khách 

Nghị định 139/2018/NĐ-CP về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã có rất nhiều điểm mở, cho phép xã hội hóa hoạt động đăng kiểm. Điều này khiến số lượng đơn vị đăng kiểm tăng mạnh.

Xe nối đuôi nhau chờ xếp hàng đăng kiểm. Ảnh: N. Huyền

Hiện cả nước có 280 trung tâm đăng kiểm, trong đó 64 đơn vị thuộc Sở Giao thông Vận tải, 20 trung tâm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam và 196 đơn vị hoạt động theo hình thức xã hội hóa, chiếm 70%.

Hầu hết các trung tâm đăng kiểm hoạt động theo hình thức xã hội hóa chỉ tập trung tại các thành phố lớn, nơi có nhiều xe cơ giới. Đơn cử như ở Hà Nội có hơn 2/3 trong tổng số 31 trung tâm đăng kiểm là của các chủ đầu tư tư nhân.

Một chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư trạm đăng kiểm hoạt động theo mô hình xã hội hóa thường quan tâm đến lợi nhuận. Trạm nào cũng muốn có nhiều xe vào “khám” để tăng doanh thu nên tìm mọi cách cạnh tranh, thậm chí bỏ qua cả lỗi để hút khách.

Thực tế, trong điều tra, với 9 trung tâm đăng kiểm tại TP.HCM và các tỉnh thành như Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, công an xác định họ đã sử dụng các chiêu thức tinh vi bỏ qua lỗi vi phạm của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới. Số tiền thu lợi bất chính ước tính 10 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, có trường hợp xe không đủ điều kiện đăng kiểm, không đủ điều kiện về độ khói, khí thải... đăng kiểm viên sử dụng thủ đoạn dùng giấy trắng để che lại một mắt thiết bị, để xe đó đạt tiêu chuẩn. Khi kiểm định an toàn kỹ thuật về phanh không đạt tiêu chuẩn, người đóng vai đăng kiểm viên đạp nhiều lần để hợp thức hoá là đã đạt được, in ra giấy kiểm định.

Thậm chí có trung tâm đăng kiểm còn sử dụng chữ ký giả, đăng kiểm viên “giả”. Ví dụ trường hợp “ông trùm” Trần Lập Nghĩa đứng sau 5 trung tâm đăng kiểm tư nhân ở miền Tây. Công an xác định, tại các trung tâm của ông Nghĩa có hành vi giả mạo trong công tác với thủ đoạn lập danh sách đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới.

Trong quá trình hoạt động, mỗi dây chuyền kiểm định, ông Nghĩa sẽ bố trí 3 nhân viên thông thường mặc đồng phục, giả dạng đăng kiểm viên để vận hành. Các nhân viên này cũng giả chữ ký đăng kiểm viên ký vào hồ sơ kiểm định phương tiện...

"Không ở trong guồng quay... tự khắc sẽ mất việc"

Anh T.H. có thời gian phụ việc tại một trung tâm đăng kiểm cho biết, thường chủ đầu tư sẽ quan tâm đến doanh thu làm sao thu hồi vốn nhanh nhất. Đó cũng là áp lực đối với tất cả đội ngũ từ giám đốc tới kỹ sư làm thuê cho chủ đầu tư.

Theo quy định, chức năng kiểm định viên là những người tìm ra các khiếm khuyết, đưa ra khuyến cáo sửa chữa để xe lưu thông an toàn. Thế nhưng, theo anh T.H., áp lực doanh số khiến các kiểm định viên thường phải tìm "chiêu" để chiều lòng, giữ chân khách như giảm nhẹ lỗi kỹ thuật, bỏ qua một số lỗi vặt.

“Chúng tôi cũng chỉ là người làm thuê, theo sự chỉ đạo của “ông chủ”. Do đó, sẽ chịu ảnh hưởng, tác động của chủ, người trả lương cho mình mà không còn tính độc lập trong kiểm tra, đánh giá, xác nhận kết quả kiểm định. Nếu ai không ở trong guồng quay này… tự khắc sẽ mất việc”, anh T.H nói.

Tâm sự của anh T.H. cũng là những lo ngại mà Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận thấy trong quá trình thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động xã hội hóa trong hoạt động đăng kiểm.

Ngoài ra, để giảm chi phí, các chủ đầu tư thường chỉ thuê các đăng kiểm viên mới. Việc sử dụng người thiếu kinh nghiệm trong công tác kiểm định xe cơ giới cũng dẫn đến chất lượng nguồn nhân lực tại các đơn vị đăng kiểm xã hội hóa còn có nhiều hạn chế.

Tiêu cực có hệ thống

Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin xung quanh vụ việc tiêu cực ở Cục Đăng kiểm Việt Nam do Công an TP.HCM tổ chức, thiếu tá Nguyễn Thành Hưng, Phó Phòng Cảnh sát Hình sự (PC02) nhấn mạnh, tiêu cực trong lĩnh vực đăng kiểm là có hệ thống, chỉ đạo xuyên suốt từ trên xuống dưới.

Cơ quan điều tra cũng nhận định những tiêu cực này diễn ra trong thời gian dài của nhiều nhân viên, ban giám đốc các trung tâm đăng kiểm và đặc biệt là Cục trưởng Cục Đăng kiểm Đặng Việt Hà.

Ngay từ đầu, khi các đơn vị tư nhân muốn được cấp phép thành lập các trung tâm đăng kiểm sẽ phải chung chi hàng trăm triệu đồng cho lãnh đạo các phòng ban và Cục trưởng Cục Đăng kiểm.

Khi đi vào hoạt động, hằng tháng, hằng quý các trạm, trung tâm lại tiếp tục phải chung chi tiền cho các cán bộ, lãnh đạo phòng ban cũng như Cục trưởng Đặng Việt Hà.

Điều này cũng được Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm báo cáo tại phiên họp thứ 23, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực diễn ra vào sáng 12/1.

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, vụ việc xảy ra “có tính chất nghiêm trọng”, biểu hiện là có tổ chức, phân công, phối hợp chặt chẽ.

Chính vì thế, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã thống nhất bổ sung vụ án "Đưa hối lộ; Nhận hối lộ; Môi giới hối lộ; Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số trung tâm đăng kiểm vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Đánh giá về vụ án, ông Nguyễn Thái Học, Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương cho rằng “đây không phải là tham nhũng vặt mà có hệ thống, có tổ chức, quy mô lớn lắm”.

 Khẩn trương rà soát sai sót để khắc phục Sau khi Cục trưởng Đặng Việt Hà bị bắt, sáng 12/1, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam thừa nhận: “Đăng kiểm sai thì sai rồi, ai có tội phải chịu".
Ông An cho rằng, chuyện xảy ra vừa qua thực sự rất đau xót, đau đớn. "Nói gì thì nói, vạn sự trách mình, chúng tôi sẽ có trách nhiệm rà soát lại... dù không biết bao giờ mới lấy lại niềm tin của người dân", ông An nói.
Theo ông An, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang tập trung rà soát lại những vấn đề sai sót, những khiếm khuyết, bất cập để khắc phục. Ngoài ra, đơn vị này cũng xúc tiến nghiên cứu để bịt những lỗ hổng hiện tại, trong đó có quy định về trình độ của giám đốc đơn vị đăng kiểm.