Phần Lan dạy chống tin giả từ mẫu giáo
Cuộc sống số - Ngày đăng : 14:17, 17/01/2023
Saara Martikka, giáo viên tại Hameenlinna, Phần Lan, thường cho các học sinh lớp 8 của mình xem tin tức mới rồi thảo luận về mục đích của bài báo, thời gian và cách thức viết bài, luận điểm chính của tác giả.
“Chỉ vì bài báo viết về điều tốt không có nghĩa nó là sự thật hay xác đáng”, cô nói. Trong một giờ học tháng trước, cô cũng cho học sinh xem 3 video TikTok rồi bàn về động cơ của tác giả cũng như hiệu ứng của video đối với học sinh.
Mục tiêu của cô, cũng như các giáo viên khác ở Phần Lan, là giúp học sinh phát hiện thông tin sai sự thật.
Theo báo cáo khảo sát công bố hồi tháng 10/2022 của Viện Xã hội mở (Bulgaria), Phần Lan xếp thứ nhất trong 41 quốc gia về mức độ phản ứng với tin giả lần thứ năm liên tiếp. Các quan chức cho biết thành công của Phần Lan không chỉ là kết quả của hệ thống giáo dục xuất sắc mà còn nhờ nỗ lực hướng dẫn học sinh phân biệt tin giả. “Xóa mù truyền thông” là một phần trong chương trình giảng dạy cốt lõi của quốc gia, bắt đầu từ bậc mầm non.
Leo Pekkala, Giám đốc Viện Nghe nhìn quốc gia Phần Lan, cơ quan giám sát hoạt động đào tạo truyền thông, chia sẻ: “Dù giáo viên đang dạy vật lý, hóa học hay ngôn ngữ, họ phải nghĩ đến việc làm thế nào để đưa các yếu tố truyền thông vào dạy trẻ”.
Mỹ không có tên trong khảo sát song các báo cáo khác chỉ ra tin giả và sai sự thật trở nên phổ biến hơn từ năm 2016 và niềm tin của người Mỹ vào báo chí xuống mức thấp kỷ lục. Khảo sát của Gallup công bố tháng 10/2022 cho thấy chỉ 34% người Mỹ tin truyền thông đưa tin đầy đủ, chính xác, khách quan. Trong khi đó, theo khảo sát tháng 8/2022 của hiệp hội đại diện cho báo chí Phần Lan, 76% người Phần Lan xem báo in và báo điện tử là đáng tin cậy.
Phần Lan sở hữu những lợi thế riêng khi chống lại tin giả. Hệ thống trường học của Phần Lan nằm trong số tốt nhất thế giới. Niềm tin vào chính phủ cũng rất cao và Phần Lan cũng là nước ảnh hưởng ít nhất trong dịch. Giáo viên được kính trọng. Trên hết, khoảng 5,4 triệu người nói tiếng Phần Lan. Những bài báo chứa thông tin sai sự thật do những người không thành thạo ngôn ngữ bản địa có thể bị phát hiện dễ dàng do mắc lỗi ngữ pháp hoặc cú pháp, theo ông Pekkala.
Giáo viên được quyết định cách thức dạy học. Chẳng hạn, cô Martikka giao cho học sinh nhiệm vụ biên tập video và ảnh của chính mình để biết được chỉnh sửa thông tin dễ dàng như thế nào. Anna Airas, một giáo viên khác tại Helsinki, lại tìm kiếm những từ khóa như “tiêm vắc xin” rồi thảo luận về cách hoạt động của thuật toán, vì sao kết quả xuất hiện trên cùng không phải lúc nào cũng đáng tin nhất.
Phần Lan vạch ra nhiều mục tiêu về giáo dục báo chí từ năm 2013 và tăng tốc chiến dịch để giúp học sinh phát hiện tin giả. Ngày nay, dù trẻ em lớn lên cùng với mạng xã hội, chúng không biết cách xác định và bảo vệ bản thân trước những video đã được làm giả trên TikTok. Thực tế, mạng xã hội là một yếu tố góp phần gây ảnh hưởng đến niềm tin của người trẻ đối với thế giới này.
Theo chính phủ Phần Lan, học sinh là đối tượng dễ tiếp cận nhất. Khi đã phát triển các chương trình giảng dạy cho học sinh, nước này sử dụng thư viện làm trung tâm để hỗ trợ người cao tuổi xác định các thông tin sai sự thật trên mạng.
Với bất kỳ giáo viên nào, việc đưa ra các bài giảng hiệu quả đều rất khó khăn. Mari Uusitalo, một giáo viên trung học tại Helsinki, chia sẻ, cô bắt đầu từ những điều cơ bản như sự khác biệt giữa Instagram, TikTok với các bài báo trong nước. Theo cô, học sinh không thể hiểu tin giả, tin sai sự thật là gì nếu không biết mối quan hệ giữa mạng xã hội và báo chí.
Trong suốt 16 năm giảng dạy, cô Uusitalo nhận thấy một xu hướng rõ nét là khả năng đọc hiểu của học sinh sụt giảm do đọc sách ít hơn và chơi game, xem video nhiều hơn. Với kỹ năng đọc hiểu kém và thời gian tập trung ngắn hơn, học sinh sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi tin giả hay không có đủ kiến thức để phát hiện tin giả, tin sai sự thật.
Cô tận dụng các sự kiện có thật để tổ chức những phiên thảo luận, mục đích cuối cùng là dạy học sinh những phương pháp để phân biệt giữa sự thật và giả mạo. “Tôi không thể ép học sinh nghĩ như mình. Tôi chỉ có thể cho chúng công cụ để tự đưa ra ý kiến”, cô nói.
(Theo NYT)