Cận Tết, 'làm đẹp' cho đồ gỗ thu nhập tiền triệu mỗi ngày
Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 12:44, 15/01/2023
Hơn một tuần qua, anh Nguyễn Văn Bốn, chủ một xưởng gỗ ở Hạ Bằng, Thạch Thất (Hà Nội) ngày nào tối muộn mới trở về nhà. Anh cho hay, gần Tết Nguyên đán 2023, ngoài việc hoàn thiện cho kịp những món đồ khách đã đặt, anh và các cánh thợ trong xưởng tỏa đi khắp nơi phục vụ khách hàng có nhu cầu tân trang, làm mới đồ gỗ nội thất.
Anh Bốn giải thích, theo thời gian, đồ nội thất làm từ gỗ hay bị bay màu, đặc biệt những đồ vật được chạm trổ tinh xảo, bị bụi bẩn bám vào nên cũ và xấu đi. Do đó, khách hàng muốn tân trang lại cho bóng đẹp để đón Tết.
Tương tự, anh Bản ở Chàng Sơn, Thạch Thất, mấy ngày nay phải từ chối hàng chục đơn hàng tân trang đồ nội thất. Chỉ những mối thân quen anh mới cân nhắc nhận lời.
Theo anh Bản, công việc đánh bóng đồ gỗ không cần tay nghề cao, chỉ yêu cầu tính tỉ mỉ, cẩn thận là có thể làm được.
“Bước đầu phải đánh sạch các vết bụi bẩn lâu ngày bám vào kẽ sâu bên trong các vết chạm khắc, sau đó đánh một lớp giấy giáp nhẹ làm bong các lớp bẩn kết dính trên bề mặt gỗ. Tiếp theo, sơn một lớp sơn lót rồi đánh vec ni là xong”, anh Bản nói.
Nghe có vẻ đơn giản, nhưng anh Bản nhận xét, công việc này rất mất nhiều thời gian, đòi hỏi người làm phải kiên nhẫn; càng cẩn thận, đồ vật càng được tân trang đẹp.
Kiếm tiền triệu mỗi ngày
Anh Chu Đức Hạnh ở Hoài Đức (Hà Nội) cho biết, bộ salon bằng gỗ, chạm khắc rất cầu kỳ của gia đình anh mười mấy năm nay chưa tân trang lại nên nhìn không còn mới. Chuẩn bị đón Tết, anh muốn "làm đẹp" lại đồ vật, nhưng gọi rất nhiều thợ mà anh đều bị từ chối vì không đủ người làm.
Sau nhiều ngày tìm kiếm trên mạng, anh thuê được một thợ mộc ở Thạch Thất với giá 2 triệu đồng. Tuy giá hơi cao, nhưng anh Hạnh thấy cũng xứng đáng vì thợ làm rất cẩn thận, mất 2 ngày mới xong.
Theo anh Bản, giá làm mới bộ salon gỗ có chạm khắc hoa văn đang được thợ lấy giá 2 triệu đồng không phải là cao, nhất là những ngày cận Tết. Tuy nhiên, mỗi đồ vật có độ phức tạp khác nhau, thường thì chạm khắc càng tinh xảo, công thợ càng cao.
Anh Bản kể, sát Tết năm ngoái, anh nhận tân trang một bộ trường kỷ được chạm khắc vô cùng tinh xảo. Chủ nhân của bộ bàn ghế này là người biết chơi đồ cổ. Thế nên, trước khi nhận thuê làm, người chủ này kiểm tra tay nghề của anh rất kỹ.
“Họ kiểm tra các bước làm, yêu cầu phải có bảo hành nếu xảy ra hỏng hóc. Ngoài ra, họ còn yêu cầu rất khó là phải giữ nguyên được nét cổ của bộ bàn ghế. Đòi hỏi phức tạp và thấy nhiều rủi ro như vậy, nên tôi lấy công 7 triệu đồng, làm gần 5 ngày mới xong”, anh Bản kể.
Theo anh Bốn, huyện Thạch Thất là nơi hội tụ nhiều làng nghề gỗ nổi tiếng, như Chàng Sơn, Hữu Bằng, Hương Ngải,... Các xưởng mộc ở đây quanh năm nhận làm đồ nội thất, nhà gỗ. Công việc tân trang làm mới đồ gỗ nội thất chỉ là "kiêm nhiệm theo thời vụ", vì khá vất vả, dù không đòi hỏi kỹ thuật cao.
"Nếu chịu khó làm trong những ngày trước Tết, mỗi thợ có thu nhập cả triệu đồng một ngày", anh Bốn nói.