Lời "tiên tri" của các nhà khoa học từ năm 1977 trở thành sự thật thế nào?
Thiên nhiên - Môi trường - Ngày đăng : 21:16, 14/01/2023
Lời "tiên tri" bị che giấu hàng thập kỷ từ ExxonMobil
Vào năm 2015, các tờ báo lớn như Los Angeles Times và The Guardian đã đồng loạt hé lộ về hàng chục tài liệu nội bộ của các nhà khoa học tại ExxonMobil - một trong những công ty dầu khí hàng đầu thế giới.
Tài liệu nội bộ "gây sốc" được công ty giữ bí mật trong gần 5 thập kỷ, nêu chi tiết cách thức các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch góp phần gây ra cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Harvard là những người đầu tiên thực hiện kiểm tra và đánh giá kết quả đầu ra của các tài liệu này.
Họ ngỡ ngàng khi nhận thấy các dự đoán bị che giấu của công ty ExxonMobil được thực hiện từ năm 1977 đến 2003 có tỷ lệ chính xác tới 93% về những tác động liên quan tới biến đổi khí hậu.
Theo đó, tốc độ nóng lên dự kiến của Trái Đất là khoảng 0,2 độ C mỗi thập kỷ.
Với tốc độ phát thải carbon do con người tạo ra, các nhà khoa học tại ExxonMobil cũng dự đoán rằng những tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu sẽ trở nên rõ hơn vào đầu thế kỷ 21.
"Những phát hiện của chúng tôi chứng minh rằng ExxonMobil "biết điều gì đó" về sự nóng lên toàn cầu từ nhiều thập kỷ trước", các tác giả của nghiên cứu cho biết.
Dữ liệu này sau đó đã liên tục được so sánh với 72 báo cáo khoa học độc lập, được đánh giá ở cấp độ quốc gia từ năm 1982 đến 2013.
Tác động biến đổi khí hậu ngày càng tàn khốc
Theo một báo cáo được công bố vào ngày 13/9 từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), nhân loại dường như đang đi sai hướng và tác động của biến đổi khí hậu sẽ ngày càng tàn khốc.
Cụ thể, lượng khí thải độc hại từ nhiên liệu hóa thạch tiếp tục tăng, vượt quá mức trước đại dịch. Đặc biệt, thế giới đã ghi nhận nhiệt độ trung bình nóng nhất trong bảy năm qua.
WMO tuyên bố: "Trong 5 năm tới, sẽ có ít nhất 1 năm có nhiệt độ trung bình cao hơn 1,5 độ C so với mức ghi nhận được từ năm 1850 đến năm 1900. Điều này, có thể xảy ra với tỷ lệ khoảng 48%".
Điều này cho thấy khoảng cách giữa các mục tiêu về khí hậu mà các quốc gia đặt ra so với thực tế là rất lớn, khiến các chuyên gia lo ngại những ảnh hưởng đến kinh tế xã hội và con người.
Dữ liệu mà các chuyên gia đo được cũng cho thấy, mức độ khí thải carbon dioxide, metan, nitơ oxit trong khí quyển tiếp tục tăng (dù có giảm tạm thời trong đại dịch Covid-19).
Đáng chú ý, khí thải CO2 toàn cầu từ tháng 1 đến tháng 5/2022 cao hơn 1,2% so với mức phát thải được ghi nhận cùng kỳ vào năm 2019.
Báo cáo còn nhấn mạnh rằng, tham vọng cam kết giảm phát thải khí nhà kính của các quốc gia đến năm 2030 phải cao hơn 4 lần để có thể hạn chế sự nóng lên + 2 độ C và gấp 7 lần để phù hợp với mục tiêu + 1,5 độ C do Thỏa thuận Paris đề ra.
Cùng với đó, số lượng các thảm họa liên quan đến thời tiết đã tăng gấp 5 lần trong 50 năm qua, gây thiệt hại 202 triệu đô la mỗi ngày.
Theo WMO, hiện nay, thế giới cần tăng cường các biện pháp đến hệ thống cảnh báo sớm về biến đổi khí hậu để bảo vệ các nhóm dân cư dễ bị tổn thương của các quốc gia.