Tìm hiểu liên hệ giữa vaccine Pfizer ngừa COVID-19 với bệnh đột quỵ
Tin tức - Ngày đăng : 17:16, 14/01/2023
Vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) và Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) ngày 13/1 cho biết hệ thống giám sát đã cảnh báo về khả năng liên hệ giữa vaccine lưỡng trị ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech với bệnh đột quỵ ở người từ 65 tuổi trở lên.
Thông báo của CDC trên trang mạng chính thức cho biết sau một thời gian sử dụng vaccine nâng cấp này, hệ thống giám sát an toàn vaccine trong thời gian thực Vaccine Safety Datalink của CDC đã đạt tiêu chí thống kê để dẫn tới điều tra bổ sung về việc “liệu có lo ngại về an toàn” đối với bệnh đột quỵ do thiếu máu cục bộ ở người từ 65 tuổi trở lên đã tiêm vaccine cải biến này hay không.
CDC nêu rõ cuộc điều tra “đã đặt câu hỏi về khả năng” nguy cơ đột quy tăng trong 21 ngày sau tiêm cao hơn so với 22-44 ngày sau tiêm.
Theo CDC, một nghiên cứu sơ bộ sử dụng dữ liệu của Bộ Cựu chiến binh Mỹ trước đó cho thấy nguy cơ đột quỵ không tăng sau tiêm vaccine cải biến. Hệ thống Báo cáo sự kiện bất thường của vaccine (VAERS) do CDC và FDA quản lý cũng không thấy sự gia tăng trong các báo cáo số ca mắc đột quỵ do thiếu máu cục bộ sau tiêm vaccine.
Trong tuyên bố chung, Pfizer và BioNTech khẳng định: “Không có bằng chứng để kết luận rằng đột quỵ do thiếu máu cục bộ có liên quan đến sử dụng các loại vaccine ngừa COVID-19 của hai công ty.”
Vaccine thể lưỡng trị được bào chế nhằm vào chủng virus ban đầu và các biến thể phụ BA.4, BA.5 của Omicron. Ngày 9/1, nhóm nhà nghiên cứu Israel cho biết liều tiêm tăng cường bằng vaccine lưỡng trị của Pfizer/BioNTech đã giúp giảm mạnh tỷ lệ nhập viện ở những bệnh nhân cao tuổi.
Đây là một trong số những bằng chứng đầu tiên chứng tỏ hiệu quả của mũi vaccine này trên thực tế./.