Điểm tin kinh doanh 15/1: Vàng 9999 đang đem đến cho nhà đầu tư 'cái tết ấm no'

Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 15/01/2023

Vàng 9999 đang đem đến cho nhà đầu tư 'cái tết ấm no'; Sai phạm hàng loạt, Chứng khoán Tân Việt bị xử phạt 745 triệu đồng

- Vàng trên đà tăng mạnh phiên cuối tuần

Giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế sáng 15/1 bật tăng mạnh trên 1.923 USD/ounce khi sức khỏe đồng đôla Mỹ xuống dốc trước dự báo Ngân hàng Trung ương Mỹ giảm lộ trình tăng lãi suất.

Trong khi đó, giá vàng thế giới giao tháng 2/2023 ghi nhận trên sàn Comex thuộc New York Mercantile Exchanghe ở mức 1.923,0 USD/Ounce, tăng 24,2 USD/Ounce trong phiên.

Đối với thị trường vàng trong nước, trong phiên sáng 15/1, giá vàng miếng SJC ở mức 66,5- 67,5 triệu đồng/lượng (mua-bán), tăng khoảng 200.000 - 300.000 đồng/lượng so với phiên hôm qua. Chênh lệch giữa giá mua và bán gần 1 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là quy đổi giá vàng trong nước đang duy trì ở mức cao hơn thế giới hơn 13 triệu đồng/lượng (tính theo tỷ giá ngân hàng, chưa bao gồm thuế, phí), nên mua vàng trong nước rủi ro cao.

Một phần nguyên nhân là do cung vàng miếng thương hiệu SJC trong nước hạn chế kể từ khi Nghị định 24 của Chính phủ về quản lý thị trường vàng đến nay.

Sáng 15/1, giá USD trong ngân hàng tiếp tục giảm nhẹ 10 đồng. Vietcombank mua vào 23.260 - 23.290 đồng/USD, bán ra 23.610 đồng/USD.

- Sai phạm hàng loạt, Chứng khoán Tân Việt bị xử phạt 745 triệu đồng

Chứng khoán Tân Việt (TVSI) bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phạt 745 triệu đồng do sai phạm trong quá trình tư vấn hồ sơ chào bán trái phiếu doanh nghiệp.

Theo đó, Chứng khoán Tân Việt bị phạt tiền 300 triệu đồng vì đã có hành vi vi phạm hành chính: Không đảm bảo các thông tin trong hồ sơ chào bán hoặc phát hành trái phiếu riêng lẻ chính xác và có đầy đủ các nội dung theo quy định phải có trong hồ sơ. Cụ thể, Chứng khoán Tân Việt chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức tư vấn trong rà soát việc đáp ứng đầy đủ quy định về hồ sơ chào bán trái phiếu của một số tổ chức phát hành.

Bên cạnh đó, Chứng khoán Tân Việt còn bị xử phạt 100 triệu đồng vì thực hiện đăng ký, lưu ký trái phiếu chào bán, phát hành riêng lẻ không đúng thời hạn theo quy định.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước còn xử phạt công ty chứng khoán này với số tiền 125 triệu đồng vì không lưu giữ tài liệu về việc lựa chọn nhà đầu tư tham gia mua chứng khoán chào bán hoặc phát hành riêng lẻ.

Chứng khoán Tân Việt còn bị xử phạt 70 triệu đồng vì báo cáo không đúng thời hạn theo quy định pháp luật.

- Vàng 9999 đang đem đến cho nhà đầu tư 'cái tết ấm no'

Hơn 3 tháng trở lại đây, giá vàng nhẫn 9999 đã tăng khoảng 3 triệu đồng mỗi lượng trong khi vàng miếng SJC chỉ đem lại mức lợi nhuận bằng 1/3.

Đầu giờ sáng ngày 14/1, giá vàng miếng SJC tại Tập đoàn vàng bạc đá quý PNJ được giao dịch phổ biến ở mức 66,3 triệu đồng/lượng và bán ra 67,2 triệu đồng, tăng 300.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và tăng 200.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với chốt phiên hôm trước đó.

Trong khi đó, vàng nhẫn 9999 được doanh nghiệp này đẩy lên tới 54,2 triệu đồng/lượng (mua) và 55,3 triệu đồng/lượng (bán), tăng tới 400.000 đồng mỗi lượng ở cả hai chiều so với giá đóng cửa chiều hôm trước.

Nhìn lại thời điểm đầu tháng 10, khi đó vàng thế giới dao động ở mức 1.620 USD/ounce. Vàng miếng SJC lúc ấy được bán với giá khoảng 66,5 triệu đồng/lượng, còn vàng 9999 được bán với mức 52,5 triệu đồng/lượng.

Giờ đây giá kim loại quý quốc tế lên tới 1.920 USD/ounce, tức là tăng tới 300 USD/ounce thì vàng miếng SJC mới chỉ lên 67,5 triệu đồng/lượng, trong khi vàng nhẫn 24K lại leo lên 55,3 triệu đồng/lượng, có nơi công bố ở mức 55,5 triệu đồng/lượng.

Như vậy, chỉ sau hơn 3 tháng gần đây - thời điểm giá vàng thế giới kết thúc chuỗi phiên giảm giá dài nhất trong hơn 50 năm qua, đến nay vàng 9999 tăng khoảng 3 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng miếng SJC chỉ tăng bằng 1/3, tức là tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng.

- Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD

Bộ Công Thương cho biết, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Năm 2022, hoạt động thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục phát triển, trở thành kênh phân phối quan trọng.

Theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu thương mại điện tử bán lẻ tại Việt Nam tăng trưởng 20% so với năm 2021, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước.

- Chứng khoán tuần 9-13/1: Khối ngoại bán ròng 1.500 tỉ đồng trên HOSE

Nhà đầu tư nước ngoài chuyển bán ròng lần đầu tiên trong 10 tuần liên tiếp, chủ yếu do giao dịch bán thỏa thuận cổ phiếu EIB. Tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 1.818 tỉ đồng.

Kết thúc tuần giao dịch thứ 2 của năm 2023 (9-13/1), VN-Index ghi nhận 4 phiên tăng, 1 phiên giảm, có thêm 8,73 điểm (+0,83%) và đóng cửa tại 1.060,17 điểm.

Giá trị giao dịch trung bình một phiên trên sàn HOSE đạt 9.634 tỉ đồng, giảm 5,8% so với tuần trước đó, giảm 25,9% so với trung bình 5 tuần và giảm 23,4% so với trung bình 20 tuần trước.

Trong tuần giao dịch vừa qua, nhà đầu tư nước ngoài chuyển bán ròng lần đầu tiên trong 10 tuần liên tiếp, chủ yếu do giao dịch bán thỏa thuận cổ phiếu EIB của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank).

Cụ thể, khối ngoại bán ròng 1.512 tỉ đồng trên HOSE. Tuy nhiên, tính riêng giao dịch khớp lệnh họ mua ròng 1.818 tỉ đồng, tập trung vào các mã HPG (+334,8 tỉ đồng), FUEVFNVD (+192,3 tỉ đồng), CTG (+137 tỉ đồng), E1VFVN30 (+134,1 tỉ đồng), VHM (+126,2 tỉ đồng).

Ở chiều hướng ngược lại, khối ngoại bán ròng DGC (-58,2 tỉ đồng), VCB (-55,4 tỉ đồng), DCM (-32,6 tỉ đồng), KDC (-30,5 tỉ đồng), BID (-30,4 tỉ đồng).

Việt Báo (Tổng hợp)