Điểm tin công nghệ 15/1: Apple bị cáo buộc 'vi phạm có hệ thống' quyền riêng tư của người dùng
Xe - Công nghệ - Ngày đăng : 06:00, 15/01/2023
- Apple bị cáo buộc 'vi phạm có hệ thống' quyền riêng tư của người dùng
Apple đang phải đối mặt với một vụ kiện tập thể với cáo buộc có hành vi thu thập và gửi dữ liệu phân tích của người dùng iPhone.
Vụ kiện này đã được đệ trình lên Tòa án Quận Đông Pennsylvania vào hồi tuần trước, và diễn ra sau vụ kiện tập thể riêng biệt được đệ trình hồi tháng 11.
Vụ kiện này tập trung những phát hiện từ nhà nghiên cứu bảo mật Tommy Mysk – người đã công bố phát hiện vào hồi tháng 11. Theo đó, ông Mysk tuyên bố các ứng dụng của Apple đang thu thập và gửi dữ liệu của người dùng, bất kể họ có cho phép Apple thu thập dữ liệu phân tích trong quá trình thiết lập iPhone mới hay không.
Theo báo cáo của 9to5Mac hồi tháng 11 thì mỗi khi thiết lập một chiếc iPhone mới, người dùng sẽ được hỏi liệu họ có đồng ý cho phép Apple thu thập dữ liệu phân tích hay không. Nếu từ chối, tất nhiên người dùng sẽ không mong đợi có dữ liệu phân tích nào được gửi tới Apple.
Tuy nhiên, Mysk nhận thấy rằng các ứng dụng của Apple đang thu thập và gửi dữ liệu bất kể cài đặt này. Thật vậy, ông không thấy sự khác biệt nào trong dữ liệu được gửi cho dù người dùng đã chọn cấp hay từ chối quyền.
- Vì sao LG vừa phải thu hồi hơn 52.000 TV 4K?
LG đã phải thu hồi một số TV thông minh 4K 86 inch của mình vì bộ chân đế đi kèm không thể giữ chúng đủ ổn định và thiết bị nặng hơn 45 kg có thể bị lật và nguy hiểm đối với trẻ em.
Trước đó LG đã nhận được 22 báo cáo về việc TV hoạt động không ổn định, với 12 trong số đó liên quan tới khả năng dễ bị lật đổ.
Rất may, không có trường hợp nào dẫn đến thương tích, nhưng mối nguy hiểm này đủ để công ty phải đưa ra lệnh thu hồi lớn, ảnh hưởng đến khoảng 52.000 TV được bán ở Mỹ, Canada và Mexico.
Các thiết bị nằm trong danh sách bị thu hồi bao gồm một số TV thông minh 86 inch có type (kiểu) 86UQ8000AUB, 86UQ7070ZUD, 86UQ7590PUD và 86NANO75UQA và số serial (sê-ri) bắt đầu bằng 202RM, 203RM, 204RM, 205RM, 206RM, 207RM hoặc 208RM.
- Một công ty thu thập dữ liệu 600.000 người dùng Facebook bằng tài khoản ảo
Meta vừa đâm đơn kiện Voyager Labs, cáo buộc công ty này thu thập dữ liệu hàng trăm nghìn người dùng Facebook bằng các tài khoản ảo.
Meta muốn kiện để cấm Voyager Labs sử dụng Facebook và Instagram. Công ty của Mark Zuckerberg cáo buộc Voyager Labs tạo hàng chục nghìn tài khoản giả mạo để thu thập thông tin người dùng.
Đơn kiện được trình lên Tòa án liên bang California (Mỹ) hôm 12/1 yêu cầu thẩm phán ban lệnh cấm vĩnh viễn đối với Voyager Labs trên các trang web của Meta. Trước đó, tờ The Guardian tiến hành cuộc điều tra cho thấy doanh nghiệp này tuyên bố có thể dùng thông tin mạng xã hội để dự đoán ai sẽ phạm tội trong tương lai.
Các hồ sơ được Trung tâm Tư pháp Brennan thu thập và chia sẻ với The Guardian chỉ ra các dịch vụ của Voyager cho phép theo dõi và điều tra mọi người bằng cách xây dựng cuộc sống kỹ thuật số và đặt ra các giả định về hoạt động của họ, bao gồm mạng lưới bạn bè.
- Gần 1.800 điểm yếu, lỗ hổng bảo mật tồn tại trong hệ thống của cơ quan nhà nước
Từ dữ liệu các đơn vị chia sẻ và hệ thống kỹ thuật của Cục An toàn thông tin, trong tháng cuối cùng của năm 2022, NCSC đã ghi nhận 479.137 địa chỉ IP của Việt Nam nằm trong mạng botnet (mạng máy tính ma – PV), giảm 0,004 % so với tháng 11/2022. Trong đó, số địa chỉ IP của các cơ quan, tổ chức nhà nước nằm trong mạng máy tính ma là 189, gồm 14 địa chỉ IP của các bộ, ngành và 175 địa chỉ IP của các tỉnh, thành phố.
Số liệu thống kê mới được Cục An toàn thông tin cũng cho thấy, trong tháng 12/2022, hệ thống kỹ thuật của NCSC đã ghi nhận có 1.769 điểm yếu, lỗ hổng an toàn thông tin tại các hệ thống thông tin của các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Để đảm bảo an toàn hệ thống, Cục An toàn thông tin đã đề nghị các đơn vị chuyên trách về CNTT, an toàn thông tin tại cơ quan, tổ chức phối hợp thực hiện rà soát xác định và tiến hành vá các lỗi trên hệ thống.
- SpaceX lên kế hoạch cung cấp dịch vụ Starlink ở Hàn Quốc
SpaceX đã nộp đơn cho Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc để triển khai dịch vụ Internet qua vệ tinh có tên Starlink ở nước này.
Các nguồn tin ngày 13/1 cho biết công ty SpaceX của tỷ phú Elon Musk đã đệ đơn xin đăng ký kinh doanh với chính quyền Hàn Quốc để có thể triển khai dịch vụ Internet qua vệ tinh có tên Starlink.
Theo các nguồn tin trên, SpaceX đã nộp đơn cho Bộ Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc để triển khai dịch vụ Starlink ở nước này.
Ngoài ra, SpaceX cũng sẽ lập công ty đại diện ở Hàn Quốc để hoàn tất quá trình xin đăng ký kinh doanh.
Năm ngoái, SpaceX đã phóng thành công thêm 46 vệ tinh Internet Starlink lên quỹ đạo.