Bạt ngàn tranh mèo Tết Quý Mão
Dòng chảy - Ngày đăng : 09:25, 14/01/2023
Họa sĩ Lê Trí Dũng bận rộn mùa Tết
Mấy năm nay cứ gần Tết, báo Nhân Dân lại ra mắt triển lãm tranh. Năm nay triển lãm của đơn vị này xoay quanh chủ đề Mèo, quy tụ những gương mặt quen thuộc của làng mỹ thuật đương đại Việt Nam như Lương Xuân Đoàn, Lê Trí Dũng, Phạm Luận, Đào Hải Phong, Phạm An Hải, Đặng Tiến, Lê Đình Nguyên… Một triển lãm khác có tên “Mèo du xuân”, khai mạc tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội) ngày 28/12/2022.
Ở “Mèo du xuân” cũng gặp những tên tuổi đình đám như Hồng Việt Dũng, Lê Thiết Cương, Đào Hải Phong… Và còn nhiều triển lãm lớn, nhỏ khác đều có tranh mèo, điêu khắc mèo, chỉ sợ “thượng đế” không đủ lực mua hoặc quá bối rối trước thị trường rộn ràng thành ra khó tìm được mèo ưng ý.
Tranh mèo của họa sĩ Từ Ninh
Dễ mà khó vẽ
Mèo không thách đố họa sĩ như rắn, như chuột. Từ màu lông đến hình dáng của mèo đều gợi cảm hứng sáng tạo cho người cầm cọ. Rất nhiều họa sĩ chung nhận định: Vẽ mèo không “bí” như vẽ một số con vật khác.
Họa sĩ Từ Ninh cho rằng: “Vẽ mèo dễ đẹp. Những con vật gần gũi với con người thường vẽ dễ đẹp hơn”.
Nhưng Lê Trí Dũng, họa sĩ nổi tiếng với đề tài con giống, lại chỉ ra điểm khó khi họa mèo, bắt nguồn từ điểm chung giữa mèo và hổ: “Khó ở chỗ nó giống hổ. Mà hổ đã đẹp quá rồi. Không thể vẽ lại cái “giống thế” được”. Mèo xưa nay được xem là “tiểu hổ”. Song ngắm tranh mèo lại nhầm sang tranh hổ cũng khó chấp nhận.
Tiếc thay, trên thị trường tranh con giống mùa Tết năm nay, không ít “thượng đế” than: Vẽ mèo mà như vẽ hổ, trong khi năm Nhâm Dần đã qua rồi. Trường hợp hy hữu, có những con mèo còn gợi cho người xem cảm giác sợ hãi. Có người mê tranh nhìn hai con mèo trắng trong một tác phẩm của họa sĩ nọ bỗng bình luận: “Như… yêu tinh”.
Họa sĩ Đoàn Văn Nguyên giải thích: Mèo hóa yêu tinh, hóa cáo... là họa sĩ không vững về hình. Nhà giáo ưu tú, cựu giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam phân tích: “Vẽ tranh mèo vừa dễ, vừa khó. Vẽ phải ra tinh thần mèo, tức là vẽ mèo ra mèo, chứ không phải ra con vật khác”. Ông công nhận mèo là con vật rất dễ vẽ đẹp với những họa sĩ có tài năng: “Vì thế, cố danh họa Nguyễn Tư Nghiêm đã vẽ rất nhiều tranh mèo. Cố danh họa Nguyễn Sáng cũng vẽ biết bao nhiêu mèo”.
Đổi mèo lấy… bánh chưng
Hiện nay, kênh bán hàng phổ biến của các họa sĩ là trang cá nhân Facebook. Có họa sĩ thẳng thắn đưa tranh mèo lên trang, giới thiệu kích thước, chất liệu và ghi chú: “Có nhu cầu xin inbox” (nhắn tin riêng). Cũng có họa sĩ ghi luôn giá tranh để “thượng đế” tiện tham khảo. Tuy nhiên, một vài họa sĩ còn chưa quen với việc bán tranh trên mạng thì ghi đôi dòng vui vui: Đổi mèo lấy bánh chưng; Đổi mèo lấy rượu, lấy hoa…
Không còn bao nhiêu ngày nữa sẽ bước sang năm mới nhưng mèo trên thị trường tranh vẫn còn rất đông. Có thể điểm danh một số họa sĩ “ăn khách” dòng tranh mèo ở phía Bắc như Lê Trí Dũng, Đào Hải Phong… Tham gia triển lãm tranh tết ở báo Nhân Dân, Đào Hải Phong gửi 3 bức và đã bán hết.
Hiện nay, tại xưởng tranh của Đào Hải Phong chỉ còn vài bức tranh giấy kích thước nhỏ. Anh cũng không có ý định vẽ thêm hoặc chào bán trên mạng xã hội.
Tranh mèo của họa sĩ Lê Trí Dũng
Không chỉ đình đám với dòng tranh ngựa, họa sĩ Lê Trí Dũng vẽ mèo cũng đầy lôi cuốn, vì đi theo lối riêng.
Lê Trí Dũng nhận định: “Vẽ mèo, chán nhất là vẽ giống thật. Nếu vẽ giống thật thà chụp ảnh còn hơn. Cần phải hội họa con mèo không thì chán chết”. Lê Trí Dũng đưa ví dụ tranh mèo của cố danh họa Nguyễn Sáng (1923-1988): “Nguyễn Sáng vẽ mèo rất xa mèo thật”.
Tranh mèo của họa sĩ Tô Chiêm
Nếu muốn sở hữu mèo thật mà không mất tiền mua, người ta có thể tìm đến mèo hoang. Nhưng muốn sở hữu tranh mèo thường thì chủ nhân phải tìm tới hầu bao. Người cầm cọ chuyên nghiệp ít khi tuỳ tiện tặng “đứa con tinh thần” của mình vì tranh xa xỉ, xét về giá trị vật chất.
Một họa sĩ cũng chia sẻ lý do khác: “Dễ dãi tặng tranh khác gì tự hạ giá tranh của mình”. Giá tranh mèo năm nay cũng có nhiều cấp độ, đủ đáp ứng những đối tượng khách hàng khác nhau. Không ít bức tranh mèo có giá trăm triệu đồng hoặc hơn thế, tuỳ thuộc chất liệu, kích thước, độ hấp dẫn của tác phẩm và độ nổi tiếng của tác giả.
Tranh mèo chất liệu sơn mài của họa sĩ Đoàn Văn Nguyên kích thước 50 cm x 60cm, có giá dao động từ 10 ngàn USD đến 15 ngàn USD (tương đương trên 200 triệu đồng đến trên 300 triệu đồng). Nhưng cũng có những chú mèo trên giấy cũng chỉ có giá vài triệu đồng.
Không nên mua tranh nói chung, tranh mèo nói riêng, bằng… tai. Có một họa sĩ nổi tiếng bình luận: “Người Việt vẫn có thói quen mua tranh bằng tai”. Họa sĩ tên tuổi thế nào, bức tranh ấy được ca ngợi ra sao cũng chỉ là những “tài liệu” có tính chất tham khảo. Đứng trước bức tranh cảm xúc của bạn ra sao mới quan trọng, nếu mục đích mua tranh của bạn chỉ để cho bạn ngắm, không phải “ôm tranh” để tìm cơ hội kiếm lời. |