Ghi nhận, tiếp thu ý kiến của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài về chính sách pháp luật
Cộng đồng người Việt - Ngày đăng : 20:33, 13/01/2023
Phát huy nguồn lực
Phát biểu tại tọa đàm, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, thời gian qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước. Bên cạnh đó, trong các hoạt động đối ngoại, Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội luôn quan tâm đến đồng bào Việt Nam ở nước ngoài. Lãnh đạo Quốc hội đều gặp gỡ, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của bà con, đề nghị lãnh đạo các nước quan tâm hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước sở tại. Quốc hội cũng ban hành nhiều chính sách pháp luật về quốc tịch, xuất nhập cảnh, sở hữu nhà ở, đầu tư, tham gia nghiên cứu khoa học.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, để thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030, mục tiêu Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 13 đề ra, hơn bao giờ hết việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là đồng bào ta ở nước ngoài về đầu tư, xây dựng quê hương là nhiệm vụ mang tính cấp thiết trong định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
Tọa đàm về chính sách, pháp luật đối với người Việt Nam ở nước ngoài. |
“Với tinh thần đó, tôi mong muốn các đại biểu sẽ thảo luận sôi nổi, có nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng, mang lại nhiều kết quả thiết thực. Tôi cũng đề nghị Thường trực Uỷ ban Đối ngoại và các cơ quan có liên quan cầu thị, nghiêm túc lắng nghe ý kiến, góp ý. Đồng thời trao đổi thấu đáo, thoả đáng các vấn đề đại biểu nêu, sau toạ đàm có báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về kết quả cuộc toạ đàm hôm nay”, Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu khẳng định, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài thời gian qua luôn được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Quốc hội quan tâm sâu sắc.
Nhiều chủ trương, đường lối về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã được thể chế hoá thông qua các chính sách pháp luật trong nhiều lĩnh vực như: quốc tịch, xuất cảnh, nhập cảnh, đất đai, nhà ở, đầu tư, kinh doanh, lao động..., nhằm hỗ trợ, chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đồng thời phát huy tinh thần yêu nước và nguồn lực của đồng bào ta ở nước ngoài cho sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài Phạm Quang Hiệu phát biểu tại tọa đàm. |
Trong năm 2022, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội tổ chức thành công hai cuộc tọa đàm: Tọa đàm về chính sách pháp luật, trọng tâm là quốc tịch với cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc và tọa đàm với cộng đồng người Việt Nam tại 7 nước châu Âu (đại diện là các nước Anh, Pháp, Đức, Nga, Ba Lan, Hungary, Séc). Nhiều ý kiến của bà con đã được các cơ quan chức năng ghi nhận và xem xét, tiếp thu.
Ghi nhận và xem xét, tiếp thu ý kiến
Tại Tọa đàm, các đại biểu đã được nghe đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu một số nội dung trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở có liên quan đến việc người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài mua nhà, sử dụng đất ở Việt Nam.
Ngoài ra, tọa đàm lắng nghe ý kiến của bà con người Việt ở nước ngoài về các chính sách đất đai, nhà ở, quốc tịch, căn cước công dân, xuất nhập cảnh...
Bà Lê Nguyễn Minh Phương, Phó Chủ tịch Hội người Việt tại Hàn Quốc đề xuất, cần có quy định riêng và cụ thể hơn về việc nhập quốc tịch Việt Nam cho người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, trong đó chú trọng yếu tố huyết thống, điều kiện định cư ở nước ngoài để giảm bớt các điều kiện được nhập quốc tịch Việt Nam. Do đó, bà Lê Nguyễn Minh Phương kiến nghị việc được sửa đổi khoản 2 Điều 7 Nghị định 16/2020/NĐ-CP để phù hợp với khoản 2 Điều 19 Luật Quốc tịch về việc miễn điều kiện đăng ký thường trú cho người là vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ của công dân Việt Nam.
Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. |
Trong khi đó, bà Phan Bích Thiện, Chủ tịch Hội phụ nữ Việt Nam tại Hungary, cũng đưa ra đề xuất về quốc tịch, giấy khai sinh cho trẻ em con lai ở nước ngoài.
“Hiện nay, thế hệ thứ hai, thứ ba trong các gia đình có bố hoặc mẹ là người Việt Nam ở nước ngoài phần lớn không có quốc tịch Việt Nam. Trong khi đó, thế hệ trẻ này là những nguồn nhân tài của đất nước. Do đó, cần tạo điều kiện cho thế hệ trẻ này, nếu bố mẹ, hoặc người Việt Nam được lựa chọn và nhận quốc tịch không ràng buộc điều kiện gì”, bà Thiện chia sẻ.
Ông Trần Phú Thuận - Phó Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga - cho rằng, hiện nay có rất nhiều người Việt Nam đầu tư ở Nga, nên cần có hình thức ghi nhận đây là hình thức đầu tư Việt Nam ra ngoài. Không chỉ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước mà còn để doanh nghiệp nâng thêm uy tín với nước sở tại.
Phát biểu kết luận tọa đàm, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội cho biết, những ý kiến của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hôm nay là những vấn đề sát sườn, là vấn đề trọng tâm triển khai trong thời gian tới của Ủy ban Đối ngoại quốc hội.
Ông Tiến cũng cho biết, Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội và Ủy ban nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài luôn là địa chỉ tin cậy, trao đổi tâm tư nguyện vọng đóng góp cho đất nước.