Rượu ngâm cả con: Hành vi phá hủy thiên nhiên, tiêu diệt loài hoang dã
Tin Y tế - Ngày đăng : 14:39, 13/01/2023
Có thể dẫn tới tử vong hoặc lan truyền thành đại dịch
Thực tế hiện nay ở Việt Nam vẫn có một bộ phận người dân vẫn có niềm tin và thói quen sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc động vật hoang dã dưới các hình thức như thực phẩm, làm thuốc, đồ mỹ nghệ, trang sức, trong đó ngâm rượu từ động vật hoang dã hoặc từ bộ phận, sản phẩm động vật hoang dã diễn ra khá phổ biến.
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động về vấn đề này, ông Trịnh Lê Nguyên - Giám đốc Trung tâm Con người và Thiên nhiên PanNature, một chuyên gia với hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc ở các tổ chức trong nước và quốc tế về bảo tồn thiên nhiên lý giải: "Họ cho rằng uống loại rượu này sẽ giúp bồi bổ sức khỏe, cải thiện khả năng sinh lý, thậm chí trưng bình rượu ngâm động vật hoang dã trong nhà như một cách thể hiện sự giàu có, quyền lực mà không biết rằng rất nhiều nghiên cứu đã cảnh báo việc sử dụng các sản phẩm động vật hoang dã tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về sức khỏe".
Tình trạng mua bán, sử dụng sản phẩm từ động vật hoang dã vẫn đang diễn ra tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Những bình rượu ngâm sống các bộ phận, thậm chí "ngâm cả con" các loài thú rừng như hổ, gấu, tê tê, mèo rừng, khỉ, rắn, tắc kè... khiến nhiều người rùng mình ghê sợ vẫn đang được một số người tìm kiếm, sưu tầm để thỏa mãn "đam mê" mù quáng.
Theo ông Nguyên, các loài động vật hoang dã thường chứa rất nhiều mầm bệnh tiềm ẩn và có nguy cơ phát tán, truyền nhiễm cho con người cùng môi trường xung quanh, một số trường hợp nguy hiểm còn có thể dẫn tới tử vong hoặc lan truyền thành đại dịch.
"Chưa kể đến nữa là rủi ro pháp lý: Việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ, mua, bán, giết, tiêu thụ, nuôi nhốt, sử dụng động vật hoang dã có nguồn gốc bất hợp pháp đều bị coi là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt hành chính hoặc phạt tù theo quy định của Bộ luật Hình sự, với mức phạt tối đa lên tới 15 năm tù"- ông Nguyên nói.
Những thói quen, văn hóa tiêu dùng cũ đã và đang phá hủy thiên nhiên
Mặc dù các bộ ban ngành, các tổ chức bảo tồn trong nước và quốc tế đã thực hiện rất nhiều hoạt động, dự án tuyên truyền về phòng chống buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã, song trước nhu cầu tiêu dùng tăng cao và nguồn lợi lớn từ buôn bán bất hợp pháp động vật hoang dã, tình trạng động vật hoang dã bị săn lùng, tiêu diệt đến mức cạn kiệt vẫn diễn ra, bất chấp mọi nỗ lực.
Có thể nói, chính sự mê muội, niềm tin mù quáng của một bộ phận người dân trong việc sử dụng các loại rượu ngâm động vật, rượu "ngâm cả con" để bồi bổ sức khỏe, tăng cường sinh lực... đã khiến không ít thú rừng bị giết hại thê thảm bên trong những cánh rừng của Việt Nam.
"Vẫn còn có một bộ phận trong xã hội chúng ta duy trì niềm tin và thói quen cũ, vẫn tiếp tục sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm động vật hoang dã, bất chấp chúng có nguồn gốc bất hợp pháp với nhiều rủi ro về sức khỏe và pháp lý.
Trong khi đó, rất nhiều loài động thực vật hoang dã đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng do sức ép từ việc khai thác phục vụ những đối tượng người dùng này. Mất mát đa dạng sinh học, phá hủy thiên nhiên về lâu dài sẽ gây tác động tiêu cực lên chính cuộc sống của chúng ta"- ông Nguyên trăn trở.
Bước sang thế kỷ 21, Việt Nam đã bước sang một giai đoạn phát triển mới với nhiều thay đổi trong đời sống kinh tế, xã hội ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Nhiều nhu cầu, lối sống cũ cần được thay đổi. Bên cạnh đó, các lựa chọn thay thế cho các sản phẩm, hàng hóa từ thiên nhiên hoang dã ngày càng sẵn và phong phú.
"Không có lý do gì để biện minh cho các thói quen, văn hóa tiêu dùng phá hủy thiên nhiên, tiêu diệt các loài hoang dã đang diễn ra trong một bộ phận của xã hội"- vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Là một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực bảo tồn thiên nhiên, nhiều năm qua, PanNature vẫn tiếp tục phối hợp, đồng hành cùng các đơn vị, tổ chức triển khai nhiều hoạt động nhằm nâng cao nhận thức của công chúng về bảo tồn động vật hoang dã và đa dạng sinh học, thực hiện các khảo sát về tình trạng mua, bán động vật hoang dã qua mạng internet, xuất bản các ấn phẩm chính sách, kiến nghị với các địa phương và Chính phủ nhằm góp phần ngăn chặn hành vi tiêu thụ, buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.