Tỉnh Bình Dương lên tiếng việc Trung tâm y tế Thuận An bị kiện vì nợ tiền
Tin Y tế - Ngày đăng : 13:47, 12/01/2023
Bán 55 tỉ đồng kít xét nghiệm chưa được trả 1 đồng
Ngày 12.1, đại diện Công ty CP Vaccine và Sinh phẩm Nam Hưng Việt (gọi tắt là Công ty Nam Hưng Việt, Quận 7, TP.HCM) cho biết, ngành chức năng tỉnh Bình Dương vẫn chưa có phản hồi về việc trả 55 tỉ đồng mua kít xét nghiệm phòng chống dịch từ thời điểm 9.2021.
Theo Công ty Nam Hưng Việt, công ty đã ký kết hợp đồng với Trung tâm Y tế thành phố Thuận An và cung cấp kít xét nghiệm trị giá 55 tỉ đồng. Công ty đã giao đầy đủ hàng hóa. Theo đúng nguyên tắc, Trung tâm Y tế Thuận An phải thanh toán vào 1.2022, tuy nhiên cho đến đã 1 năm công ty chưa nhận được thanh toán.
Công ty Nam Hưng Việt đã nhiều lần gửi văn bản đòi nợ, gửi đơn kêu cứu đến lãnh đạo UBND tỉnh, tuy nhiên chưa được giải quyết chi trả tiền.
Theo đại diện Công ty Nam Hưng Việt, việc trễ thanh toán hợp đồng vi phạm nghĩa vụ thanh toán gây khó khăn rất lớn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp đã phải vay nợ để mua hàng và phải trả lãi, giờ không có vốn để tiếp tục hoạt động, nguy cơ phá sản.
Tương tự, doanh nghiệp trên, Trung tâm Y tế thành phố Thuận An cũng nợ của Công ty TNHH Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe Chìa Khóa Vàng tổng số tiền là 74,7 tỉ đồng tiền mua các vật tư, trang thiết bị phục vụ cho việc chống dịch COVID-19. Hiện cả 2 doanh nghiệp trên đã khởi kiện Trung tâm Y tế thành phố Thuận An ra TAND thành phố Thuận An và Tòa án đã thụ lý đơn.
Có tiền mà không trả nợ được
Liên quan vụ việc trên, sáng 12.1, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Thanh Tâm - Chủ tịch UBND thành phố Thuận An cho biết, địa phương đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bình Dương xin chủ trương và nguồn kinh phí để thanh toán cho các gói thầu đã thực hiện năm 2021 của Trung tâm Y tế. Tuy nhiên đến nay UBND tỉnh vẫn chưa có công văn phản hồi đưa ra hướng giải quyết.
Về nguyên nhân chưa thanh toán cho doanh nghiệp, lãnh đạo Thuận An cho biết do cơ chế, vướng các quy định pháp lý.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế Bình Dương cho biết, thành phố Thuận An là địa phương xảy ra dịch COVID-19 rất nặng nề, phải mua nhiều vật tư y tế. Việc mua sắm trong thời điểm cấp bách phòng chống dịch có khi phải thực hiện trong 1 ngày.
Việc mua sắm nếu thực hiện theo đúng các quy định đấu thầu không thể kịp. Hơn nữa, trong tình huống cấp bách buộc phải có vật tư chống dịch, trong một ngày không thể làm văn bản trình các cấp kịp thời. Vì thế phương án mượn trước trả sau và thực mua theo hình thức chỉ định thầu.
Tuy nhiên, khi quyết toán vướng các quy định, không có cơ chế đấu thầu để trả nợ. Thực tế phát sinh tình huống phải mua sắm như trên, nhưng luật quy định thanh toán chưa theo kịp, trong Luật Đấu thầu không có hình thức đấu thầu trả nợ.
Theo ông Nguyễn Hồng Chương, không phải địa phương chây ì trong việc thanh toán cho doanh nghiệp. "Địa phương không thiếu kinh phí phòng chống dịch. Có tiền mà không trả nợ được, vấn đề là do vướng cơ chế"- ông Chương nói.
Tỉnh đánh giá cao sự đồng hành của doanh nghiệp trong thời điểm đó. Giờ nếu xảy ra đợt dịch khác không doanh nghiệp nào dám cung ứng vật tư cho ngành y tế chống dịch.
Chờ cơ chế đặc biệt
Theo lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương, ngành cũng đã có kiến nghị lên các đoàn giám sát, trong đó có đoàn giám sát của Quốc hội. Vừa qua, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương cũng đã có kiến nghị áp dụng cơ chế đặc biệt trong việc thanh toán kinh phí ứng trước mua sắm vật tư ý tế chống dịch cứu dân.
Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Dương cũng cho biết, đang chờ Quốc hội ban hành nghị quyết để tạo hành lang pháp lý cho phép triển khai thanh toán cho doanh nghiệp.