Vườn nho ăn quả được tạo dáng bonsai độc lạ chơi Tết

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 06:31, 12/01/2023

Ngoài trồng bán quả, nông dân ở Ninh Thuận dùng khung sắt hoặc thanh tre để tạo hình cho cây nho làm kiểng bán vào dịp Tết, mỗi chậu có giá 1-3 triệu đồng.

Trong khu vườn rộng ở xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước, ông Đỗ Văn Thu, 56 tuổi, thành viên Hợp tác xã Nho cảnh A8 Phước Thuận, tất bật làm việc vào ngày cuối năm. Giữa vườn, ông cẩn thận dùng các đoạn sắt bện nhánh, lá gọn gàng vào khung đã định sẵn để tạo hình. Một số chùm nho có quả có dấu hiệu bị hỏng cũng được ông cắt tỉa rồi bao lưới lại.

“Làm như vậy sẽ hạn chế được trái bị rụng và trông bắt mắt hơn”, ông Thu nói, rồi chỉ sang góc sân đang có hàng trăm chậu nho kiểng được xếp gọn, chuẩn bị giao cho khách.

Có thâm niên hàng chục năm trồng nho, ông Thu nói trước đây làng nho Phước Thuận chủ yếu canh tác nho theo lối truyền thống bán lấy quả. Những năm gần đây, nhu cầu làm cây nho để trưng bày ngày Tết nhiều, nên ông cùng người dân trong vùng trồng nho kiểng.

Nông dân xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước (Ninh Thuận) chăm sóc những chậu nho kiểng bán dịp Tết. Ảnh: Thanh Châu.

Ông bảo, nghề nào cũng có bí quyết, như cây xanh có lợi thế là sức sống dẻo dai mới làm bonsai được. Chẳng hạn, để cây nho cảnh có thời gian trưng bày được lâu, chủ vườn phải chọn những giống khỏe nhất ghép với gốc, sau đó mới đưa vào chậu trồng.

Để tạo hình hấp dẫn, người làm chậu kiểng phải phác thảo, chỉnh hình dáng cây cho cân đối và chăm sóc tỉ mẩn, tưới nước vừa đủ. Đất trồng nho kiểng trộn với mạt cưa, trấu cháy, phân hữu cơ cho tơi xốp để rễ cây phát triển khoẻ mạnh, cây nho giữ được lâu. Cành nho được uốn thành các mô hình bắt mắt, như cánh quạt điện gió, pin năng lượng mặt trời, vòng tròn 3 tầng, hay vòng tròn một tầng,... theo hình dạng định sẵn trên khung sắt hoặc thanh tre.

Sau khi đã tạo hình, người làm phải cắt tỉa lá, chùm nho cho trái đều để thu hút người mua. “Công việc này đòi hỏi sự tỉ mẩn, nếu lơ là chùm nho không cho trái đều khách sẽ không thích”, ông Thu cho hay. Năm nay, vườn của gia đình có trên 1.000 chậu nho kiểng, đã có khách đặt hàng mua.

Các chậu nho cho những chùm quả to tròn, mọng nước chuẩn bị giao cho khách. Ảnh: Thanh Châu.

Cách đó không xa, nông dân Lê Văn Nghị đang kiểm đếm, phân loại lại trên 1.000 chậu nho bonsai đã chăm nhiều tháng qua. Những chậu nho cảnh của gia đình được cắt ghép kỳ công, mỗi cây cao 50-150m, chùm quả xòe rộng 60-90cm. Cây lá xanh mướt, chùm quả ngả màu chín đỏ, mọng nước.

Trước đây gia đình chỉ làm nho kiểng để trưng bày dịp Tết. Nhiều người thấy cây có quả đỏ đẹp, cầu may mắn, đủ đầy trong năm mới nên thích thú, từ đó nhu cầu tăng cao. Gia đình làm công việc này cũng được 4 năm.

Theo ông Nghị, quá trình vun trồng, tạo cảnh sẽ giúp nho ra quả trước Tết. Khi khách mua về trái vẫn còn xanh, tới ngày Tết sẽ cho quả chín đỏ, rồi nở rộ. Qua Tết, người chơi có thể tách chậu, đưa cây nho kiểng ra trồng ngoài đất, cho leo lên hàng rào, mái hiên, sân thượng, tạo cảnh trang trí mặt tiền nhà rất đẹp.

Nhiều gốc nho bonsai được xếp gọn gàng trong vườn, chờ khách mua. Ảnh: Thanh Châu.

Hiện, giá cây nho kiểng dao động từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng một sản phẩm, tùy thuộc vào năm tuổi, chủng loại cũng như mỗi chậu cho số lượng chùm quả. Tại vườn, một số chậu nho cảnh hơn 10 chùm quả trở lên, ông bán với giá 1,8-2,5 triệu đồng, có khi tới 3 triệu đồng.

Huyện Ninh Phước được xem là vùng trồng nho lớn nhất của Ninh Thuận. Năm nay, ngoài nông dân, Hợp tác xã nho Kiểng A8 Phước Thuận cũng trồng hơn 2.000 cây nho phục vụ khách dịp Tết, được thương lái đặt mua để chuyển đi các tỉnh, thành trong cả nước.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Thuận, mô hình nho kiểng trưng bày dịp năm mới được nhiều nơi đón nhận, giúp người dân tăng thu nhập cũng như giới thiệu sản phẩm đặc thù của địa phương. Thời gian tới, Sở sẽ khuyến khích, hỗ trợ kỹ thuật giúp người dân phát triển đa dạng sản phẩm, tạo dựng thương hiệu cho nho cảnh Ninh Thuận, đáp ứng nhu cầu chơi cây cảnh của khách hàng.