Vùng trồng rau sạch lớn nhất Đà Nẵng thấp thỏm vụ rau Tết

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 11:53, 08/01/2023

Mưa và lạnh kéo dài khiến nhiều diện tích ở vùng trồng rau sạch La Hường bị hư hại nặng. Mặc dù giá rau củ quả ở Đà Nẵng đang ở mức cao nhưng người nông dân không có để bán.

Vùng trồng rau an toàn La Hường nằm bên dòng sông Cẩm Lệ (quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng). Đây là vùng trồng rau an toàn lớn nhất ở Đà Nẵng, diện tích gần 10ha, mỗi năm cung cấp cho thành phố khoảng 500 tấn rau.

Vụ rau Tết thường được giá nên bà con rất trông đợi. Thế nhưng năm nay thời tiết mưa và lạnh kéo dài khiến nhiều diện tích rau bị hư hại nặng. Mặc dù giá rau củ quả ở Đà Nẵng đang ở mức cao nhưng người nông dân không có để bán. Hiện giá rau được thương lái thu mua tại vườn giá 12.000-13.000 đồng/bó hoặc 25.000 đồng/kg tuỳ loại.

Các loại cây dưa leo, khổ qua, mướp... đều héo úa, không có để thu hoạch Tết

Đang xới đất, bón phân, ông Mai Văn Toàn (60 tuổi, phường Hoà Thọ Đông, quận Cẩm Lệ), chia sẻ, diện tích này vốn trồng súp lơ để cung ứng dịp Tết. Nhưng do thời tiết bất lợi, cây không phát triển được, ông đành phải nhổ bỏ 3.000 cây để chuyển qua trồng rau cải.

Theo ông Toàn, để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp Tết, nông dân La Hường trồng rất nhiều súp lơ. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài khiến diện tích trồng súp lơ ở vùng rau gần như mất trắng.

“Chúng tôi trồng súp lơ từ tháng 10 âm lịch để kịp bán Tết, đáng ra thời điểm này cây đã cho bông. Song, mưa nhiều quá khiến cây bị chết, hư hỏng. Những cây còn sống cũng không ra bông nên tôi đành phá sạch. Từ cây giống, phân tro, chi phí cũng mất 7.000 đồng mỗi cây, tính ra thiệt hại vài chục triệu đồng”, ông Toàn nói.

Ngoài ra, các loại khác như khổ qua, đậu cove, dưa leo... cũng không đậu trái, bị sâu bệnh tấn công.

“Tết năm nay, vườn rau của tôi chỉ có một số loại như xà lách, rau cải, hành, ngò... để bán Tết, sản lượng không bằng mọi năm”, ông Toàn cho hay.

Cây súp lơ bị hư hại, chậm sinh trưởng
Ông Mai Văn Toàn đã nhổ bỏ 3.000 cây súp lơ để chuyển qua trồng rau cải
Hơn 1 sào dưa leo của ông Lê Duy Nam cũng bị hư hại

Cách đó không xa, ông Lê Duy Nam (57 tuổi) cho biết, ông có 7 sào trồng rau quả các loại. Từ tháng 10 đến nay, Đà Nẵng hết ngập lịch sử lại đến mưa kéo dài, dai dẳng nên vụ rau Đông Xuân hư hại gần hết.

Chỉ vào giàn dưa leo, ông Nam cho biết, cây dưa leo mất 1,5 tháng mới cho thu hoạch nhưng hiện đậu rất ít trái. Mưa nhiều quá nên cây bị úng, héo úa rồi chết dần.

“Cứ xuống giống xong lại gặp mưa lớn khiến rau không nảy mầm, hư hại. Cách đây 5 ngày, tôi đã gieo trồng lại các loại rau ngắn ngày như cải, xà lách, tần ô... thay thế. Nếu thời tiết thuận lợi thì vẫn kịp để bán Tết”, ông Nam nói.

Bà Nguyễn Thị Châu, nông dân ở La Hường, cũng cho hay, hôm nay bớt mưa nên bà ra đồng trồng lại những rau ngắn ngày. Tuy nhiên, những loại rau này phải qua Tết mới có bán.

Thiệt hại do lạnh, mưa kéo dài nên Tết Nguyên đán Quý Mão năm nay, vùng trồng rau lớn nhất Đà Nẵng chủ yếu cung cấp các loại rau ăn lá như rau cải, xà lách, rau muống, hành, ngò...

Theo bà Châu, nếu rau phát triển tốt thì đợt Tết mỗi hộ cũng có thu nhập từ 10-30 triệu đồng. “Chỉ mong trời không mưa, rau được mùa, được giá để bà con còn có cái Tết ấm no”, bà Châu nói.

Ông Trần Văn Hoàng, Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn La Hường, chia sẻ, thời tiết bất thường, mưa nhiều khiến diện tích trồng rau, củ quả các loại của nông dân bị hư hại. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là súp lơ, khổ qua, đậu... Thời điểm này mọi năm, HTX cung ứng khoảng 1 tấn rau/ngày, nay chỉ còn khoảng 1 tạ. Giá rau quả tại vườn tăng gấp đôi, lên 20.000-30.000 đồng/kg, nhưng không có để bán.

“Sau đợt mưa vừa qua, bà con nông dân đã khẩn cấp gieo trồng lại các loại rau ngắn ngày như xà lách, hành, ngò, cải, tần ô... Hy vọng từ nay đến Tết Nguyên đán thời tiết thuận lợi để rau phát triển, bà con kịp cung ứng ra thị trường”, ông Hoàng cho hay.