Khi khán giả "chán" phim Việt
Dòng chảy - Ngày đăng : 07:08, 08/01/2023
Tâm lý "chán phim Việt" của khán giả đang lan rộng hơn bao giờ hết, thể hiện rõ tại doanh thu phòng vé dịp lễ Giáng sinh và Năm mới vừa qua.
Theo con số từ CGV cung cấp, năm 2022, doanh thu toàn thị trường điện ảnh Việt Nam đạt khoảng 3.100 tỷ đồng, trong đó phim Việt đạt xấp xỉ 25%, tức khoảng trên 700 tỷ đồng.
So với con số doanh thu phim nội địa đạt đỉnh với hơn 1.100 tỷ đồng vào năm 2019, thời điểm trước đại dịch, tổng doanh thu phim Việt năm nay giảm gần 400 tỷ đồng. Sự suy giảm đó xuất hiện trên mọi mặt trận: Số phim thành công đạt trăm tỷ đồng giảm từ 5 phim xuống còn 1 phim, trong khi đó số lượng phim thất bại tăng hơn rất nhiều. Trong số 38 phim Việt đã phát hành năm nay, chỉ có 8 phim đạt doanh thu hòa vốn hoặc có lãi, số phim thất bại, thậm chí thua lỗ hoàn toàn lên đến con số 30 phim. Đây là năm mà tỷ lệ phim thất bại hoặc mất trắng kinh phí đầu tư chiếm con số kỷ lục trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Ngay cả một số phim được xem là thành công về doanh thu của năm qua như "Em và Trịnh", "Bẫy ngọt ngào", "Nghề siêu dễ", "Chuyện ma gần nhà", "Cô gái từ quá khứ"… chưa thực sự có một bộ phim nào vượt trội và tạo được tiếng vang về mặt hiệu ứng khán giả, như cách "Em chưa 18", "Mắt biếc", "Hai Phượng", "Bố già", "Lật mặt", "Tiệc trăng máu" hay "Ròm" đạt được ở các năm trước, ngay cả thời điểm đại dịch.
Trong khi đó, chất lượng thảm họa của một loạt phim như "Cù lao xác sống", "Virus cuồng loạn", "Huyền sử vua Đinh" và một loạt phim tệ hại khác… đã thách thức sự kiên nhẫn của khán giả dành cho phim Việt. "Xem phim Việt là phản bội lại sức lao động của mình" - một câu comment của khán giả nhận được lượt "like khủng" trên một diễn đàn điện ảnh cho thấy tâm lý "bài phim Việt" ngày càng tăng cao.
Chính tâm lý tẩy chay phim nội địa này đã khiến 2 bộ phim được kỳ vọng ra mắt vào dịp cuối năm vừa qua, đặc biệt là "Thanh Sói" của Ngô Thanh Vân phải chịu cảnh "ngã ngựa" đau đớn. Bộ phim hành động được đầu tư kinh phí lớn (46 tỷ đồng), kế thừa những thành công đột phá của "Hai Phượng" ở một cấp độ cao hơn về mọi mặt nhưng lại không được khán giả đón nhận như kỳ vọng, dù chỉ ra đời sau 3 năm.
Việc bộ phim ra mắt khi siêu bom tấn "Avatar: The Way of Water" đang khuấy đảo phòng vé thế giới và Việt Nam có thể là lý do chính đáng để giải thích cho sự thất bại của "Thanh Sói", nhưng đó không phải là tất cả. Trong tuần lễ chào năm mới 2023, Thanh Sói tiếp tục bị một bộ phim hoạt hình của Hollywood là "Mèo đi hia: Điều ước cuối cùng" vượt qua khá xa. Điều đó cho thấy khán giả gần như không quan tâm đến "Thanh Sói", ngay cả khi nó nhận được nhiều bình luận tốt từ giới chuyên môn và những khán giả đã đi xem.
Kết thúc chặng đua phòng vé, "Thanh Sói" có thể về đích với khoảng 20 tỷ đồng, chỉ bằng 1/10 so với mức doanh thu kỷ lục 200 tỷ đồng mà Hai Phượng đạt được 3 năm trước. Đây thực sự là một cú sốc, không chỉ với bộ phim tâm huyết mà Ngô Thanh Vân thừa nhận là cuối cùng của mình, mà với cả thị trường điện ảnh Việt đang chờ đợi một phép màu cho điện ảnh nội địa sau một năm thất bát.
Nhìn từ góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CGV, nhận định rằng sau 2 năm dài ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thói quen và gu thưởng thức phim ảnh của khán giả đã có sự thay đổi rất lớn. Việc một số phim ra rạp gần đây có doanh thu thấp phần nào phản ánh thực tế các nhà làm phim đang chưa nắm bắt được thị hiếu khán giả.
Nhưng với tôi, tâm lý "bài phim Việt" của khán giả có lẽ sâu xa hơn thế. Hơn 2 thập niên theo dõi điện ảnh Việt Nam cộng với quá trình khảo cứu về điện ảnh nước nhà trong suốt nhiều thập niên trước đó, đặc biệt là giai đoạn phim thị trường ở Sài Gòn trước 1975 và giai đoạn phim "mì ăn liền" trong thập niên 90, tôi nhận thấy điện ảnh Việt Nam luôn ở trong một cái vòng luẩn quẩn, như hình ảnh một chú kiến bò trong miệng chén.
Có những thời điểm thị trường điện ảnh nội địa phát triển rất nhanh, như giai đoạn từ 1954-1957 tại Sài Gòn, hay giai đoạn phim mì ăn liền đầu thập niên 1990, nhưng sau đó thoái trào và sụp đổ cũng rất nhanh. Nguyên do đến từ sự phát triển một cách tự phát, cảm tính hoặc thiếu định hướng khiến vô số những bộ phim "rác" có chất lượng thảm họa ồ ạt xuất hiện. Và đó cũng chính là lúc mà khán giả quay lưng với phim Việt.
Năm 1958, điện ảnh Sài Gòn phát hành 38 bộ phim thì cả… 38 phim đều thất bại về doanh thu. Dòng phim mì ăn liền phát triển rực rỡ đến thế, nhưng cũng sụp đổ vào cuối thập niên 1990, khiến thị trường phim giải trí từng rơi vào giai đoạn "chết lâm sàng" trong nhiều năm sau đó, cho đến khi được hồi sinh trở lại với bộ phim "Gái nhảy" của đạo diễn Lê Hoàng vào năm 2003.
Từ hiện tượng "Gái nhảy" đến nay, thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển khá nhanh và không ngừng tăng tốc trong giai đoạn từ 2010 - 2019 với rất nhiều kỷ lục được thiết lập, nhiều đạo diễn phim "trăm tỷ" xuất hiện, nhưng cũng có hàng loạt phim rác, phim chất lượng thấp hoặc quá dễ dãi ra đời, khiến niềm tin của khán giả chưa kịp nhen lên đã bị dập tắt không thương tiếc. Và những cuộc tẩy chay, tâm lý "bài phim Việt" lại xuất hiện.
Cuộc thanh trừng của khán giả với phim Việt trong năm 2022 có lẽ hơi nghiệt ngã, nhưng cần thiết để xây dựng lại một nền điện ảnh thị trường có tầm nhìn và phát triển lành mạnh.
Dưới góc độ quản lý, ông Nguyễn Hoàng Hải cũng nhìn ra một vài điểm sáng để lạc quan về phim Việt trong tương lai gần, đơn cử gần đây nhất là "Tro tàn rực rỡ" của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đoạt giải cao nhất Montgolfière d'Or tại Liên hoan phim Ba châu lục (Pháp)…
Số điểm sáng dù quá ít so với số lượng phim thất bại, nhưng cũng mang lại hy vọng rằng khi thị trường có những tác phẩm tốt hoặc nắm bắt được thị hiếu khán giả, phim Việt vẫn hoàn toàn có cơ hội để chiến thắng trên sân nhà, như cách "Bố già" hay "Hai Phượng" từng đạt được.
Mùa phim Tết Nguyên đán với 3 phim Việt sắp ra mắt, trong đó có bộ phim thứ hai của Trấn Thành, có vẻ là một "hàn thử biểu" quan trọng để đo sự quan tâm của khán giả dành cho phim nội địa. Có phải khán giả đang "chán phim Việt", "bài phim Việt" hay không sẽ được trả lời rõ ràng trong thời gian ngắn tới.
Còn với một thị trường điện ảnh đang khủng hoảng để chinh phục lại niềm tin của khán giả, đạo diễn Charlie Nguyễn đưa ra một phát ngôn tích cực của những người làm nghề nghiêm túc: "Khi đã chạm đáy thì chúng ta chỉ còn một con đường duy nhất là tiến lên".
Tác giả: Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học Quốc gia Hà Nội; anh từng làm phóng viên, biên tập viên của tuần báo Sinh viên Việt Nam và thư ký tòa soạn tạp chí Thể thao Văn hóa; Đàn ông.
Chuyên mục TÂM ĐIỂM mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!