Điểm tin kinh doanh 8/1: Đề xuất mới: Doanh nghiệp tự quyết định giá bán xăng dầu
Kinh doanh - Ngày đăng : 06:00, 08/01/2023
- Đề xuất mới: Doanh nghiệp tự quyết định giá bán xăng dầu
Bộ Công Thương đề xuất Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá như giá thế giới, thuế, mức trích và chi Quỹ bình ổn để định hướng cho việc tính giá xăng dầu; các doanh nghiệp căn cứ chi phí thực tế của mình, xác định và công bố giá bán lẻ.
Tại dự thảo Nghị định sửa đổi một số quy định về kinh doanh xăng dầu vừa gửi đi lấy ý kiến các cơ quan, Bộ Công Thương đề xuất sửa đổi công thức giá và phương pháp công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu.
Việc sửa đổi thực hiện theo hướng Nhà nước chỉ công bố các yếu tố cấu thành giá gồm giá thế giới (giá Platt’s), các loại thuế thu vào ngân sách Nhà nước, lợi nhuận định mức, mức trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá, định hướng cho việc tính giá xăng dầu.
Các doanh nghiệp căn cứ các chi phí thực tế (gồm các chi phí kinh doanh, chi phí vận chuyển, premium... ) để tự xác định và công bố giá bán lẻ của doanh nghiệp, thực hiện kê khai giá khi thay đổi giá và báo cáo về Bộ Công Thương, Bộ Tài chính để giám sát (như đối với các mặt hàng bình ổn giá khác theo quy định tại Luật Giá).
- Tỷ phú Jack Ma chính thức từ bỏ quyền kiểm soát Ant Group
Ngày 7/1, Ant Group ra thông báo, tỷ phú Jack Ma, nhà sáng lập tập đoàn, không còn quyền kiểm soát tại đây sau khi các cổ đông thống nhất thực hiện một loạt thay đổi mới.
Động thái này đánh dấu bước phát triển lớn khác tại Ant Group, sau khi tập đoàn rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh, dẫn đến vụ IPO trị giá 37 tỷ USD thất bại vào cuối năm 2020, trước khi dẫn đến cuộc tái cấu trúc toàn diện gã khổng lồ công nghệ tài chính này.
- Đề xuất mới: Rút ngắn thời gian điều hành giá xăng dầu xuống 7 ngày
Bộ Công Thương cho biết vừa chọn phương án giảm thời gian điều hành giá xăng dầu từ 10 ngày xuống 7 ngày và cố định vào thứ Năm hàng tuần, trừ 3 ngày nghỉ Tết Nguyên đán thay vì duy trì 10 ngày sẽ điều chỉnh giá xăng dầu một lần như hiện nay để đề xuất sửa trong Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.
Đây là điểm mới trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2013 về kinh doanh xăng dầu, đang được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến nhằm hướng đến đảm bảo giá xăng dầu sát với giá thị trường.
Theo quy định của Nghị định 95/2021 hiện hành, thời gian điều hành giá xăng dầu bán lẻ trong nước giữa hai kỳ là 10 ngày, vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Bộ Công Thương cho biết, khoảng cách thời gian điều chỉnh này hiện vẫn phù hợp, không phải là nguyên nhân thiếu hụt nguồn cung xăng dầu vừa qua, nhưng sau khi tham khảo ý kiến các bộ, ngành và doanh nghiệp, liên Bộ Công Thương - Tài chính vẫn đề xuất hai phương án thay đổi điều hành giá.
Cụ thể, phương án 1 được đưa ra gồm: giữ nguyên thời gian điều hành giá như hiện nay, tức 10 ngày một lần vào các ngày 1, 11 và 21 hàng tháng. Khi thị trường có biến động lớn, Thủ tướng chỉ đạo liên Bộ Công Thương - Tài chính thời gian điều hành giá xăng dầu phù hợp diễn biến từng giai đoạn.
Phương án 2, rút ngắn thời gian điều hành, công bố giá xăng dầu xuống 7 ngày, quy định vào một ngày cụ thể trong tuần.
- Giá vàng ngày 7/1: Vàng đồng loạt bốc đầu
Vàng đồng loạt bốc đầu và lại mức cao nhất trong 6 tháng sau khi nền kinh tế và việc làm của Mỹ có dấu hiệu hạ nhiệt.
Tại thị trường vàng trong nước, sau khi tăng 100.000 đồng/lượng, giá vàng SJC của Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn mở cửa sáng nay ngày 7/1 tại Hà Nội tăng 150.000 đồng/lượng, hiện niêm yết lần lượt ở mức 66,45 – 67,27 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Tại thị trường TP.HCM, giá vàng SJC niêm yết ở mức 66,45 – 67,25 triệu đồng/lượng.
Thương hiệu vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tính đến đầu giờ sáng nay tăng 390.000 đồng/lượng ở chiều mua vào và 350.000 đồng/lượng ở chiều bán ra so với ngày hôm qua, hiện đứng ở mức 53,61 – 54,46 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên cuối tuần tại Mỹ tăng vọt 32,5 USD/ounce lên 1.865,7 USD/ounce.
Giá vàng tương lai giao tháng 2/2023 trên sàn Comex New York tăng 29,1 USD lên 1.869,7 USD/ounce.
- Xuất khẩu điều đạt hơn 3 tỷ USD, không còn tăng trưởng sau 10 năm liên tục
Số lượng điều nhân xuất khẩu và điều thô nhập khẩu đều giảm đáng kể so với cùng kỳ 2021. Năm 2022 có thể nói, ngành điều đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm (năm 2011 – 2021).
Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS) thông tin, năm 2022, Việt Nam chỉ xuất khẩu nhân điều đạt giá trị 3,07 tỷ USD, chưa đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD. Các thị trường nhập khẩu chính vẫn là Mỹ, EU, Trung Quốc… Về các sản phẩm điều nhân chế biến sâu, lượng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vẫn được duy trì so với năm 2021, chiếm khoảng 5% tổng sản lượng điều nhân được chế biến của toàn ngành.