Người Việt 'chốt đơn' online đứng đầu khu vực

Chuyển động Thị trường - Ngày đăng : 06:24, 07/01/2023

Thói quen mua hàng trực tuyến và giá trị đơn hàng online của người tiêu dùng Việt Nam tăng trong năm 2022, theo báo cáo của các công ty nghiên cứu.

Những tháng cuối năm, thay vì mua sắm trực tiếp, người tiêu dùng hiện đại đã chuyển sang “săn hàng” qua kênh thương mại điện tử.

Để chuẩn bị cho Tết Nguyên đán, bà Nguyễn Thị Ngọc (Thanh Xuân, Hà Nội) vừa đặt 4kg bún ngô đặc sản Cao Bằng, nấm hương và măng rừng từ sàn thương mại điện tử Postmart. Nhờ chốt đơn trên điện thoại, nhiều đặc sản vùng miền bà có thể đặt online và giao tận nơi nhanh chóng, vừa tiết kiệm chi phí và thời gian.

Với những thế hệ trẻ hơn như Gen Z, “chốt đơn” hay “săn sale” trở thành một phần không thể thiếu. Nguyễn Hồng Trang (sinh viên Đại học Hà Nội) cho biết, trung bình mỗi tuần, Trang đặt mua 3-4 món đồ trên các sàn thương mại điện tử. Đặt đồ ăn, Grab, giao hàng cũng thường xuyên. “Nhiều khi không có ai gọi giao hàng thấy thiếu thiếu. Từ quần áo, sách vở, mỹ phẩm,... tôi đều đặt mua trên mạng”, Trang nói.

Khảo sát hành vi tiêu dùng trực tuyến của người dùng khu vực Đông Nam Á của Lazada và Milieu Insight cho thấy, 73% người tiêu dùng Đông Nam Á xem mua sắm trực tuyến là một phần trong cuộc sống hằng ngày của họ, trong khi so với 2 năm trước, con số này chỉ đạt mức gần 60%.

Livestream bán hàng trên thương mại điện tử. (Ảnh: Duy Anh)

Nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, với tổng giá trị hàng hóa (GMV) dự kiến tăng 28%, từ 18 tỷ USD trong năm 2021 lên 23 tỷ USD, nhờ sự tăng trưởng 26% của thương mại điện tử so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài ra, người tiêu dùng tiếp tục duy trì thói quen mua hàng trực tuyến. Cứ 10 người sẽ có 8 người tiếp tục mua sắm online vì sự thoải mái và tiện lợi, mặc dù mức chi tiêu trung bình của mỗi khách hàng thấp hơn so với hai năm trước.

Khách hàng dành nhiều công sức và thời gian tìm kiếm các ưu đãi kèm theo tốt nhất để tiết kiệm chi tiêu. Các từ khóa như áo khoác nam, giày nam, túi xách nữ, dép nữ, sản phẩm dưỡng da, kem chống nắng, son môi,... đứng hàng đầu về lượt tìm kiếm. Điện tử liên tục góp mặt trong danh sách các ngành hàng nhận được lượt mua sắm cao. Thời điểm này, giỏ quà Tết được dự đoán sẽ tăng trưởng.

Ông Khôi Lê, Giám đốc quốc gia thị trường Việt Nam của Meta, cho biết, nhiều danh mục mua sắm vẫn được người tiêu dùng ưu tiên “chốt đơn" online, thậm chí có ngành ngày càng thu hút được người tiêu dùng mua hàng online hơn, với giá trị giỏ hàng ngày càng lớn, ngay cả trong giai đoạn bình thường mới. Giá trị đơn hàng trực tuyến tại Việt Nam đã tăng từ 45 USD trong năm 2021 lên 50 USD trong năm 2022.

Ông Trần Trọng Tuyến, CEO Công ty cổ phần Công nghệ Sapo, đánh giá, sàn thương mại điện tử là kênh được ưa chuộng nhất với tỷ trọng 49,69% nhà bán hàng sử dụng, tiếp đó là mạng xã hội Facebook (39,13%), website (9,94%). TikTok Shop là kênh bán hàng mới xuất hiện trong năm 2022, mới chiếm 1,24% nhưng đang xu hướng tăng.

Trong số những nhà bán hàng chỉ kinh doanh trực tuyến, tỷ lệ tăng trưởng doanh thu so với 2021 nhiều nhất đến từ sàn thương mại điện tử 43,75%. Trong khi đó, bán hàng trên Facebook ghi nhận sự sụt giảm doanh thu từ 10-30%. Ứng dụng đặt đồ ăn online như Grabfood, Shopee Food, Baemin, Gojek, Loship,... chiếm tỷ trọng 55,6%.

Ông Tuyến dự báo, thương mại điện tử tiếp tục trở thành đầu tàu trong sự tăng trưởng của nền kinh tế số Việt Nam. Người mua hàng của ngành bán lẻ sẽ trở thành “người tiêu dùng kỹ thuật số”, tiếp tục duy trì hay thậm chí gia tăng sử dụng các nền tảng thương mại điện tử và mua sắm trực tuyến trong 12 tháng tới.

Ngoài ra, xu hướng mua sắm kết hợp giải trí khởi sinh từ trong đại dịch và sẽ tiếp tục là xu hướng chủ đạo trong những năm tới. Lượng bán hàng trung bình liên quan tới các nền tảng giải trí, streaming và các sản phẩm liên quan đến các nhà sáng tạo nội dung tăng mạnh.