UAV Nga dùng tấn công Ukraine bị nghi sử dụng công nghệ phương Tây
Tin thế giới - Ngày đăng : 21:23, 05/01/2023
Kể từ đầu tháng 10/2022 đến nay, Nga đã tăng cường sử dụng máy bay không người lái (UAV) tấn công cơ sở hạ tầng của Ukraine nhằm làm giảm năng lực quân sự của nước này. Theo một số chuyên gia, dù những máy bay này do Nga hoặc Iran sản xuất nhưng một số công nghệ chủ chốt bên trong vẫn bắt nguồn từ Mỹ và châu Âu.
Tại một địa điểm không được tiết lộ ở thủ đô Kiev, chuyên gia về máy bay không người lái Ukraine Pavlo Kaschuk đã nghiên cứu những UAV Nga mà quân đội của họ thu giữ được trên chiến trường.
“Đây là Orlan-10, một UAV cơ bản của Nga”, ông Kaschuk nói và tháo rời các bộ phận của UAV này. Con chip gắn bên trong có ký hiệu U-Blox – logo của một công ty Thụy Sỹ. “Nhiệm vụ của con chip này là định hướng trên bầu trời. Không có nó, UAV sẽ không biết phải bay đi đâu”, ông Kaschuk chỉ rõ.
Loại chip này cũng được sử dụng cho điện thoại thông minh, máy tính bảng, ô tô hoặc bất cứ thứ gì sử dụng thiết bị định vị vệ tinh. Nhưng ở Ukraine, Nga đang sử dụng chúng để khai thác Hệ thống định vị GLONASS dựa vào các vệ tinh trong không gian bay xung quanh trái đất – một giải pháp thay thế cho Hệ thống Định vị Toàn cầu (GPS). GLONASS do quân đội Liên Xô tự nghiên cứu và phát triển vào những năm 1970 và được Nga kế thừa, hiện đang sử dụng 22 vệ tinh hoạt động trên quỹ đạo.
Glonass được sử dụng chủ yếu cho mục đích dân sự, nhưng ngày nay nó đóng vai trò quan trọng đối với khả năng của Nga trong việc điều hướng các phương tiện quân sự và tiến hành những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở cả chiến tuyến lẫn cơ sở hạ tầng tại các thành phố lớn ở Ukraine.
Trong khi đó, chính phủ Ukraine cũng tuyên bố có bằng chứng cho thấy, nhiều bộ phận tương tự từ một số máy bay không người lái của Nga hoặc máy bay không người lái Iran mà Nga sử dụng, do các công ty Maxim và Microchip của Mỹ sản xuất. Phía Ukraine cho biết thêm, có ít nhất 6 công ty Mỹ sản xuất chip tương thích với GLONASS.
Tuy vậy, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy các công ty của Mỹ hoặc châu Âu cố ý để sản phẩm của họ lọt vào tay Nga hoặc Iran, hoặc đang vi phạm biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt với Nga. Và cũng không có công ty nào đồng ý trả lời câu hỏi của báo chí về việc liệu họ có tiến hành công việc kinh doanh ở Nga hay không. Cả Microchip và Maxim đều có các điều khoản và điều kiện cấm sử dụng công nghệ của họ cho mục đích quân sự.
Yaroslav Yurchyshyn, một nhà lập pháp Ukraine phụ trách điều tra việc sử dụng máy bay không người lái Nga đã nói với Thượng Nghị sỹ Dân chủ Mỹ Dick Durbin rằng công nghệ Mỹ đang được sử dụng trong máy bay không người lái của quân đội Nga và điều này rất đáng lo ngại. Ông Durbin đã nêu vấn đề này trong cuộc họp với các quan chức chính phủ Mỹ.
U-Blox, nhà sản xuất chip Thụy Sĩ cho biết, họ đã chấm dứt quan hệ làm ăn với các công ty của Nga kể từ khi Moscow bắt đầu phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sven Etzold, giám đốc tiếp thị kinh doanh cấp cao của U-Blox cho biết: “Mặt hàng này không bị cấm vận. Chúng thường được sử dụng cho mục đích dân sự và do đó có thể được mua thông qua các nhà phân phối chính thức”.
Ông Sven Etzold thừa nhận, công ty của ông không thể ngăn các nhà phân phối bán công nghệ này cho các công ty ở Nga.
“Chúng tôi không thể ngăn chặn 100%”, ông Sven Etzold lưu ý và cho biết U-Blox đã buộc các nhà phân phối vi phạm lệnh cấm ngừng bán chíp của họ, song không nêu ví dụ cụ thể. Theo CBS News, có một số báo cáo về việc công nghệ từ các công ty của Mỹ và châu Âu tiếp tục chảy vào Nga thông qua những nhà phân phối ở nước thứ 3.
Denys Hutyk, một nhà phân tích của Hội đồng An ninh Kinh tế Ukraine cho rằng: “Các vi mạch do các công ty Mỹ và các công ty châu Âu sản xuất đang gián tiếp đến Nga thông qua Trung Quốc, Malaysia và các nước thứ ba khác”. Những con chip do các công ty Mỹ sản xuất được cho là tương thích với khá nhiều hệ thộng định vị vệ tinh chẳng hạn như GPS, hay Galileo của EU.
Liên minh Đổi mới GPS (GPS Innovation Alliance) cho biết, không loại trừ khả năng chip của các công ty trên tương thích với hệ thống GLONASS của Nga, nhưng có lẽ cần phải kết hợp với các hệ thống khác để gia tăng độ chính xác.
Andrew McQuillan, Giám đốc công ty Crowded Space Drones ở London, chuyên cung cấp dịch vụ bảo vệ sân bay khỏi UAV cho rằng: “Để giảm độ chính xác của máy bay không người lái của Nga, cả trên chiến trường và trong các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng, các công ty phương Tây phải loại bỏ khả năng tương thích của GLONASS khỏi các con chip của họ. Việc vô hiệu hóa GLONASS không giải quyết toàn bộ vấn đề nhưng sẽ khiến chúng kém chính xác hơn”.
Khi được hỏi liệu U-Blox có thể loại trừ GLONASS hay không, giám đốc tiếp thị của công ty, ông Etzold nói: “Về mặt lý thuyết, điều này hoàn toàn có thể thực hiện được, nhưng chúng tôi cần phải kiểm tra quy trình nội bộ”.
Hiện Nga vẫn liên tiếp thực hiện các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Ukraine. Hồi đầu tuần này, các lực lượng Ukraine cho biết, họ đã bắn hạ hơn 80 máy bay không người lái của Nga có nguồn gốc từ Iran./.