Bi hài lì xì Tết bị coi như "món nợ", người mừng đem so bì chuyện "lỗ-lãi"
Gia đình - Ngày đăng : 15:40, 05/01/2023
Vợ đay nghiến chồng, con nhăn nhó cha, bà bĩu môi cháu do tiền lì xì
Mới đây, đạo diễn Lê Hoàng gây tranh cãi khi chia sẻ quan điểm "cái nợ lì xì".
Theo ông, "nếu hỏi 10 người, 10 gia đình Việt Nam, thì có tới 9 người, 9 gia đình cảm giác tiền lì xì là một cái nợ… mà không khi nào trả đủ".
Vị đạo diễn cho rằng, tiền lì xì nghe có vẻ không to, nhưng thực tế đã gây ra nhiều "tai nạn", giận hờn, cãi vã, tự ái và quê kệch. Vì tiền lì xì mà nhiều người không dám đi thăm bạn bè, nhiều công nhân nặng trĩu tấm lòng khi bước lên xe Tết về quê.
"Cũng không thiếu trường hợp vợ đay nghiến chồng, con nhăn nhó cha, bà bĩu môi cháu do tiền lì xì", ông nói và nêu quan điểm, nếu Tết không lì xì, nhiều người sẽ cảm thấy nhẹ trong người, lâng lâng như được sống trên mây.
"Lì xì đúng là cái nợ! Phải làm sao để thoát ra?"- câu hỏi này của đạo diễn Lê Hoàng lập tức gây tranh cãi khắp mạng xã hội.
Chị Nguyễn Thu Hoài (27 tuổi, quê Hải Dương) vẫn nhớ mãi "bài học lì xì" năm ngoái. Chị kể: "Tết 2022 là năm đầu tiên tôi về ăn Tết ở nhà chồng. Dịp Tết, con trai mới sinh của tôi cũng được 1 tháng tuổi. Mọi người đều trêu rằng mới năm đầu ăn Tết ở nhà chồng đã có 'lãi' với ý rằng con trai sẽ thu tiền lì xì về cho bố mẹ. Tôi chỉ coi đó là câu nói vui bởi bản thân không nặng nề chuyện lỗ lãi khi lì xì".
Tuy nhiên, sau đó, một sự việc nhỏ bất ngờ xảy ra khiến chị Hoài tự nhủ phải thận trọng khi quyết định mừng tuổi bao nhiêu.
Sáng mùng 1 Tết, gia đình em họ đến chúc Tết bố mẹ chồng chị Hoài. Người em họ mừng tuổi con trai và chị Hoài cũng vui vẻ mừng tuổi lại hai cháu, mỗi cháu 50.000 đồng. Tiền lì xì đựng trong phong bao có hình con hổ rất đẹp.
Trưa hôm ấy, khi chồng chị Hoài đi chúc Tết về hỏi chuyện, chị có kể lại cho anh nghe và bóc lì xì của con ra thì thấy bên trong là một tờ 200.000 đồng.
"Chồng trách tôi mừng ít tiền quá. Dẫu sao, vợ chồng tôi là bề anh chị, lại đi làm xa về. Nói rồi anh lại xách xe vòng ra nhà em họ, đem theo hai chiếc bao lì xì 100.000 đồng nữa để mừng tuổi hai cháu với lý do rằng 'sáng là bác gái mừng tuổi, giờ là bác trai mừng'", chị Hoài kể.
Hành động của chồng khiến chị Hoài khá tự ái, song chị nghĩ, anh nói cũng có lý bởi không phải ai cũng mừng tuổi vô tư như chị.
"Năm nay là năm thứ hai làm dâu nên tôi đã biết mức tiền mừng tuổi ở nhà chồng. Thêm nữa tôi rút ra kinh nghiệm không mừng tuổi trước, chờ họ hàng mừng tuổi trước, rồi sẽ lựa để mừng tuổi lại mức tiền cho hợp lý", chị nói.
Chị Vũ Thị Y. (35 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội) kể cho PV Dân trí nghe lần bị đứa cháu họ học lớp 3 tố "lì xì của bác Y. ít quá".
Chị Y. kể: "Cứ nghĩ đầu năm gặp chuyện rắc rối về tiền nong, tôi lại buồn. Chẳng là, lần ấy, đứa cháu không đi cùng bố mẹ mà đi cùng dì chú đến chúc Tết tôi. Cả đoàn có 5 đứa trẻ, tôi đã lì xì mỗi cháu 1 phong bao đỏ bên trong chứa 200.000 đồng. Các cháu nhận xong đều cho vào túi.
Thế nhưng không hiểu thế nào, cậu bé về kể là lì xì của tôi ít quá. Hôm sau, tôi nghe được chuyện này từ một người thân khác. Tôi nghĩ, cháu để lẫn lì xì của tôi vào cả xấp phong bao, về đến nhà nhớ nhớ quên quên chẳng rõ là của ai với của ai. 200.000 đồng thì không phải là số tiền nhỏ rồi".
Từ lần ấy, mỗi khi lì xì trẻ nhỏ, chị Y. không cho tiền vào phong bao nữa mà quyết định mừng luôn bằng tiền mặt. "Tôi nghĩ cứ mừng tuổi trước mặt như thế, rõ ràng số tiền, tránh tình trạng các cháu hay bố mẹ nhầm lẫn, chê ít, chê nhiều", chị Y. nói.
Lì xì từ một phong tục đẹp đang bị hiểu lệch lạc và mang nặng màu sắc vật chất. Những người gặp khó khăn về kinh tế hoặc có thu nhập thấp vì thế sẽ có tâm lý ngại đi chơi vì "sợ phải mừng tuổi".
Anh T.Q. (30 tuổi, quê Quảng Nam) tâm sự, ít năm trước đây, công việc của anh liên tiếp gặp thất bại. Anh bỏ việc về quê khởi nghiệp, thu nhập vô cùng bấp bênh. Mỗi lần đến dịp Tết, chàng trai 30 tuổi lại lo ngay ngáy.
"Dẫu gì tôi đã trưởng thành, Tết đến cũng phải mua sắm cho gia đình, mừng tuổi các cháu nhỏ, con của các bạn bè… Ngày Tết tôi cố gắng hạn chế ra ngoài, hạn chế gặp gỡ bạn bè vì trong túi không có tiền. Gặp các cháu nhỏ, tôi không có tiền lì xì thì cũng rất ngại", anh Q. nói.
Anh Nguyễn Hoài Nam (quê Thái Bình) chia sẻ rằng luôn bị vợ chì chiết vì mừng tuổi quá ít. Chính vì vậy, cứ mỗi dịp Tết đến, anh được vợ giao nhiệm vụ phát phong bao lì xì cho các cháu nhỏ. Chị vợ quyết không ra mặt vì "số tiền ít quá, thấy ngại".
"Vợ tôi nói rằng tiền lì xì như một món nợ, người ta mừng bao nhiêu mình phải mừng lại cho tương xứng. Có đi có lại mới toại lòng nhau. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ vững lập trường của mình. Tôi thường đổi tiền mới cứng, mừng tuổi con trẻ chỉ 20.000 đến 50.000 đồng. Người lớn tôi biếu 100.000 đồng với ý nghĩa chúc ông bà, cha mẹ sống lâu trăm tuổi.
Tôi nghĩ, điều quan trọng là nhớ đến nhau, quan tâm nhau chứ không phải tiền nhiều là tốt. Tất cả những tờ tiền mừng tuổi ấy, tôi đều bỏ trong bao lì xì cẩn thận", anh nói.
Nên bỏ phong tục lì xì đầu năm?
Trao đổi với PV Dân trí, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, tục mừng tuổi đầu năm là một phần văn hóa không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến. Lì xì là biểu tượng của sự may mắn, bình an và hạnh phúc, là điều mà bất kỳ ai cũng mong muốn có được vào ngày đầu xuân năm mới.
Phong bao lì xì thường màu đỏ - màu của may mắn, kèm theo tiền bên trong. Việc để tiền lì xì trong phong bao thể hiện sự kín đáo, giúp con người không so bì hơn thua, tránh dẫn đến những xích mích không đáng có.
"Vào những ngày Tết, chúng ta thường lì xì người già, trẻ con, bạn bè, như một lời chúc mừng năm mới. Tuy nhiên, theo thời gian, những phong bao đỏ ấy dần mất đi ý nghĩa khi cả người trao và người nhận có những suy nghĩ lệch lạc về nó", PGS.TS Lê Quý Đức nói.
Theo ông, trong cuộc sống hiện đại, tục lì xì đang dần bị thương mại hóa. Nhiều người biến chuyện lì xì thành văn hóa "phong bì" cấp trên mong thăng quan tiến chức, hoặc là một hình thức trả nợ gọi là "phải đền đáp ân huệ". Nhà nào mừng tuổi con mình bao nhiêu thì mình phải mừng lại con họ bấy nhiêu.
"Mỗi khi Tết đến, có lẽ không ít người cảm thấy lo lắng và đau đầu, phải tính toán liệu lương, thưởng có đủ trang trải cho lì xì. Từ đó, lì xì trở thành một cái nợ, một gánh nặng vô hình tùy vào thu nhập từng người", vị chuyên gia phân tích.
PGS.TS Lê Quý Đức cho rằng lì xì đã trở thành một hình thức nặng nề vào dịp Tết và đã từng có quan điểm "bỏ phong tục lì xì" gây nhiều tranh cãi.
"Tôi cho rằng không nên đánh mất một phong tục, một truyền thống tốt đẹp mỗi dịp Tết cổ truyền như lì xì. Điều quan trọng, người lớn nên nhìn nhận ý nghĩa thực sự của nó, quay về nét đẹp vốn có của lì xì để những ngày Tết nhẹ nhàng hơn", ông Đức nói.
Dù vậy, ông Đức thừa nhận để trả lại ý nghĩa thực sự cho phong tục lì xì đầu năm là điều không dễ, khi mà xã hội đang trên đà tiêu cực, biến tướng nhiều nét đẹp truyền thống.