Hậu 'cuộc chiến quyền lực' ngành ngân hàng

Tài chính ngân hàng - Ngày đăng : 07:12, 05/01/2023

Cuộc chiến quyền lực" nổi sóng tại một số ngân hàng, "đổi lãnh đạo như thay áo" trong vài năm liên tục, kiện tụng giữa những người thân... liệu đã đi đến hồi kết

Cuộc chiến vương quyền tại Eximbank

"Cuộc chiến vương quyền" tại Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) kéo dài hơn 6 năm, với 8 lần thay đổi chủ tịch, dường như đã đi đến hồi kết trong năm 2022.

Cuối tháng 11/2022, Eximbank đã chốt danh sách cổ đông để tổ chức đại hội cổ đông bất thường, dự kiến diễn ra tháng 1/2023 tại TP.HCM.

Sự kiện này được xem là dấu mốc chấm dứt cuộc chiến vương quyền giữa các nhóm cổ đông tại Eximbank. Gần đây, đại diện nhóm Thành Công và SMBC đã rút lui khỏi HĐQT. Nhóm Thành Công Group thoái vốn và nhiều khả năng cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) cũng bán cổ phần.

Trong năm 2022, Eximbank ghi nhận nhiều đợt chuyển nhượng cổ phiếu quy mô lớn, mỗi lần vài chục triệu cho tới cả trăm triệu cổ phần, đánh dấu sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn chưa từng có.

Eximbank ghi nhận nhiều thay đổi vị trí lãnh đạo cao cấp nhất trong các năm qua. (Ảnh: EIB)

Trong nhiều năm, Eximbank rơi vào vòng xoáy khủng hoảng về ban lãnh đạo doanh nghiệp do mâu thuẫn giữa các nhóm cổ đông. Tình hình chỉ ổn định khi bà Lương Thị Cẩm Tú (SN 1980), nguyên là thành viên HĐQT, được bầu giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT Eximbank nhiệm kỳ VII (2020-2025) tại đại hội cổ đông hồi tháng 2/2022, thay ông Yasuhiro Saitoh.

Trước đó, từ cuối 2015 đến tháng 10/2022, Eximbank ghi nhận 8 lần đổi chủ tịch, từ ông Lê Hùng Dũng sang ông Lê Minh Quốc, bà Lương Thị Cẩm Tú, quay lại ông Lê Minh Quốc, ông Cao Xuân Ninh, đến ông Yasuhiro Saitoh, ông Nguyễn Quang Thông, trở lại với ông Yasuhiro Saitoh và hiện là bà Lương Thị Cẩm Tú.

Bà Tú từng là Tổng giám đốc NamA Bank. Bà vào HĐQT Eximbank từ tháng 4/2018.

Bên cạnh bà Lương Thị Cẩm Tú, Eximbank cũng có một thành viên HĐQT mới là bà Đỗ Hà Phương (SN 1984). Bà Phương là đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Công ty TNHH VNInvest Partners; đồng thời cũng được xem là người của nhóm NamABank.

Dù vậy, quá trình tái cơ cấu cổ đông vẫn đang tiếp diễn và có thể còn kéo dài, trong đó có liên quan đến sở hữu của cổ đông nước ngoài SMBC.

Hậu vòng xoáy quyền lực ở NamABank

Ngân hàng TMCP Nam Á Bank - NamABank (NAB) gần đây ghi nhận chuyển biến tích cực, với lợi nhuận sau thuế quý III/2022 tăng gần 96% so với cùng kỳ, lên hơn 546 tỷ đồng.

Sau một thời gian dài tranh chấp tài sản trong nội bộ, NamABank của gia đình cố doanh nhân Tư Hường đã ổn định trở lại.

Đầu tháng 12/2022, NamABank tổ chức đại hội cổ đông bất thường và bầu chủ tịch mới là ông Trần Ngô Phúc Vũ.

Trước đó, ông Nguyễn Quốc Toàn - con trai của cố doanh nhân Tư Hường và ông Nguyễn Chấn - giữ ghế Chủ tịch HĐQT NamABank. Em trai ông Toàn là ông Nguyễn Quốc Mỹ làm Phó Chủ tịch HĐQT.

Nhiều năm trước, anh chị em trong nhà ông Toàn thay nhau nắm giữ vị trí chủ tịch. Ông Toàn giữ vị trí chủ tịch từ 2016.

NamABank ghi nhận nhiều biến động nhân sự cao cấp. (Ảnh: NAB)

Trong năm 2019, tình hình tại NamABank bất ổn về nhiều mặt, trong đó có nhân sự. Có thời điểm, ông Nguyễn Quốc Toàn từng từ nhiệm và ông Trần Ngô Phúc Vũ được ủy quyền điều hành HĐQT Ngân hàng Nam Á khi có những kiện tụng nội bộ.

Một vấn đề nhức nhối khác tại NamABank, được nguyên Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đẩy mạnh việc xử lý, “dẹp loạn” chính là tình trạng sở hữu chéo của nhóm cổ đông NamABank và Eximbank (EIB).

Tỷ lệ sở hữu và tình trạng gia đình trị cũng là một vấn đề tồn tại trước đó tại NamABank. Trong báo cáo 2015, gia đình bà Tư Hường nắm cổ phiếu chi phối, lên tới khoảng 24% cổ phần NamABank.

5 năm sau đó, không có báo cáo quản trị chi tiết về tỷ lệ nắm giữ của các cổ đông nội bộ cũng như cổ đông lớn của NamABank được công bố công khai.

Đến báo cáo quản trị 2021, tỷ lệ sở hữu của ông Toàn là hơn 4,26%, ông Chấn là hơn 4,11%, bà Nguyễn Thị Thanh Vân (chị ông Toàn) là gần 4,26%, ông Nguyễn Quốc Mỹ gần 3,65%, và bà Nguyễn Thị Xuân Thủy (em ông Toàn) hơn 0,09%. Tổng cộng, ông Toàn và người liên quan nắm giữ gần 16,4%. Đó là chưa tính tới cổ đông tổ chức liên quan tới ông Toàn là Công ty TNHH Rồng Thái Bình Dương (cổ đông lớn nắm trên 5%).

Sacombank tái cơ cấu mạnh mẽ dưới thời ông Dương Công Minh

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín - Sacombank (STB) của chủ tịch Dương Công Minh (SN 1961) ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong năm 2022. Lợi nhuận trước thuế trong quý III/2022 của Sacombank tăng 86% so cùng kỳ.

Ông Dương Công Minh nổi danh với tập đoàn bất động sản Him Lam, nhưng đặc biệt được chú ý với các dự án sân golf ở TP.HCM và Hà Nội, ngân hàng Sacombank.

Ngoài ra, ông Minh còn là chủ tịch Chứng khoán Liên Việt, CTCP Him Lam và một số doanh nghiệp khác. Trước đó, ông đảm nhiệm chức chủ tịch LienVietPostBank.

Trước đó, dưới thời ông Đặng Văn Thành, Sacombank từng là ngân hàng tư nhân đứng đầu về quy mô, thị phần, dịch vụ ngân hàng bán lẻ... Tuy nhiên, sóng gió xảy ra khi ông Trầm Bê xuất hiện cùng thương vụ sáp nhập SourthernBank.

Vốn hóa tại PGBank, SaigonBank tăng mạnh, chờ ông chủ mới lộ diện

PGBank, SaigonBank có quy mô tài sản thấp nhất trong hệ thống, nhưng hai ngân hàng này trở nên hấp dẫn khi các đại gia chỉ cần bỏ ra lượng tiền không nhiều để nắm quyền kiểm soát. Đó là bởi cổ phiếu PGB của PGBank và SGB của Sài Gòn Công Thương (SaigonBank) đang thu hút sự chú ý của giới đầu tư.

Vốn hóa PGBank tính đến 30/12/2022 ở mức 4.890 tỷ đồng. Trong đó, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) nắm giữ 40%. Giữa tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chấp thuận việc chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của cổ đông lớn Petrolimex tại PGBank thông qua hình thức đấu giá công khai tại Sở Giao dịch Chứng khoán.

Như vậy, PGBank sắp tới là ngân hàng tiếp theo đổi chủ.

Gần thập kỷ qua, tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng được NHNN xử lý, tháo gỡ dần. Hoạt động mua bán - sáp nhập giữa ngân hàng với ngân hàng không còn mặn mà, thay vào đó là sự quan tâm của một số đại gia bất động sản đối với các tổ chức tài chính tín dụng.

SaigonBank cũng được xem là trường hợp đáng chú ý. Dù có quy mô tài sản nhỏ nhất hệ thống nhưng ngân hàng này cũng có thể là mục tiêu của một số đại gia, trong bối cảnh việc xin cấp phép thành lập ngân hàng mới là không dễ.

Hiện Văn phòng Thành ủy TPHCM nắm giữ hơn 18% cổ phần SGB; Công ty TNHH MTV Xây dựng và kinh doanh nhà Phú Nhuận nắm giữ 16,6%; Công ty TNHH MTV Du lịch Thương mại Kỳ Hòa nắm hơn 16,3%; Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) sở hữu hơn 14%...