3 khung giờ rất quan trọng trong ngày, nếu cha mẹ tận dụng để đồng hành cùng con thì đứa trẻ lớn lên rất có triển vọng
Cùng con trưởng thành - Ngày đăng : 11:04, 04/01/2023
Nhiều bậc cha mẹ ngày nay hay than thở rằng họ quá bận rộn với công việc và không có nhiều thời gian ở bên con cái. Lịch sinh hoạt của những gia đình bình thường là: Cha mẹ dậy sớm đưa con đi học rồi đi làm. Buổi tối đưa con về nhà, ăn uống, làm bài tập và nghỉ ngơi. Vào Chủ nhật và ngày lễ, những đứa trẻ được gửi đến nhiều lớp học thêm, năng khiếu.
Nhiều phụ huynh luôn tự nhủ, mỗi lần trở về nhà sau giờ làm việc sẽ dành thời gian cho con cái mình. Thế nhưng sau đó, họ ăn vội vàng bữa cơm, dọn dẹp nhà cửa, đắm chìm vào chiếc điện thoại và thế giới của riêng mình, mặc con cái học hay chơi. Một khảo sát tại Anh cho thấy, 78% cha mẹ cảm thấy có lỗi với con, bởi các lý do: Không đủ thời gian cho con, thường xuyên cáu gắt, mất quá nhiều giờ cho các thiết bị di động...
Các nghiên cứu quốc tế đã cho thấy rằng sự phát triển về tâm thần, thể chất và xã hội của trẻ em có liên hệ chặt chẽ với thời gian mà cha mẹ và những người chăm sóc trực tiếp khác dành cho chúng. Điều này có nghĩa là trẻ em là những người chịu nhiều mất mát nhất khi cha mẹ không dành đủ thời gian cho các em.
Trên thực tế, ngay cả khi rất bận rộn, bạn vẫn có thời gian dành cho con cái. Khi bạn buông chiếc điện thoại xuống, cùng con đọc sách, trò chuyện... tất cả những điều tưởng như rất đơn giản này sẽ luôn luôn được khắc sâu trong trái tim của đứa trẻ.
Ba khung giờ sau khi trẻ đi học về là giai đoạn vàng của giáo dục gia đình. Cha mẹ nên tận dụng để đồng hành cùng con, học hỏi, giao tiếp với con một cách hiệu quả.
1. Giờ ăn tối (từ 18:00 đến 19:00)
Mỗi tối trở về nhà, cả gia đình quây quần bên bàn ăn trò chuyện tự nhiên, không chút áp lực hay gánh nặng, trẻ nhỏ cũng như người lớn đều dễ dàng mở lòng. Cha mẹ có thể sử dụng khoảng thời gian này để tìm hiểu về việc học tập và cuộc sống hàng ngày cũng như những thay đổi tâm lý của con cái.
Những điều vui vẻ hoặc khó chịu đã xảy ra ở trường, cha mẹ đều nên khuyến khích trẻ nói ra để trẻ cảm nhận được sự quan tâm, ấm áp của cha mẹ dành cho mình. Đồng thời, nó cũng có thể xây dựng sự tự tin của trẻ. Nếu con phàn nàn về những khó khăn gặp phải trong học tập và cuộc sống, cha mẹ không nên chỉ trích mà hãy giúp con giải quyết vấn đề tùy theo tình hình thực tế.
2. Thời gian học (19:00 đến 20:00)
Trước tiên, cha mẹ có thể hỏi han để hiểu tình hình học tập của con trong ngày và để con tự làm những bài tập trong khả năng. Sau khi hoàn thành, cùng con phân tích, kiểm tra và bổ sung những thiếu sót để bài tập của con hoàn thiện.
Thói quen học tập tốt, cẩn thận làm bài tập về nhà của bé cần được rèn luyện ngay từ khi còn nhỏ. Chỉ những đứa trẻ tự giác và có khả năng tập trung tốt mới có thể thành tích tốt hơn trong tương lai. Cha mẹ vì thế không chỉ đồng hành mà còn giúp con tìm ra phương pháp và kỹ năng học tập phù hợp. Bé sẽ tích cực hơn khi được trải nghiệm niềm vui trong học tập.
3. Thời gian đọc sách (20:00 đến 21:00)
Bạn có thể nuôi dưỡng thói quen đọc sách tốt cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Nắm bắt tốt khoảng thời gian này, quan hệ cha mẹ con cái sẽ ngày càng hòa thuận, trẻ cũng mở rộng tầm nhìn và kiến thức.
Mỗi ngày sau khi hoàn thành bài tập về nhà, cha mẹ có thể cùng con đọc sách. Đối với trẻ nhỏ hơn, cha mẹ có thể từ từ đọc cho con nghe, sau đó để con tự nhắc lại. Nếu con đã lớn, có thể để trẻ tự đọc rồi hỏi han và chia sẻ cảm xúc của chúng về cuốn sách.
Cha mẹ có thể chọn cuốn sách mà con yêu thích, vừa đọc vừa thảo luận về tình tiết của câu chuyện, hoặc để con đoán kết thúc. Trong quá trình thảo luận, trí tưởng tượng và khả năng tư duy của trẻ được rèn luyện, điều này rất hữu ích cho sự phát triển trí não.
Thực tế, trong việc dành thời gian cho con, chất lượng quan trọng hơn số lượng. Theo nhà xã hội học Kei Nomaguchi, công tác tại đại học Bowling Green State, Mỹ, nếu dành cho con 2-3 giờ mỗi ngày nhưng cha mẹ liên tục cáu gắt, bị phân tâm bởi công việc, điện thoại... thì thời gian đó thậm chí còn có tác động tiêu cực hơn đến sự phát triển của trẻ.
Thời gian "chất lượng cao" rất có giá trị nếu cha mẹ dành 100% cho con, không vướng bận điện thoại, công việc, chân thành, tích cực tham gia hoạt động mà con muốn, như đọc sách, nói chuyện, chơi trò nhập vai...
Theo Phụ nữ Việt Nam