Đường đi của thực phẩm đông lạnh bẩn: Vạch trần loạt chiêu trò của các đầu buôn
Nhịp sống - Ngày đăng : 09:30, 04/01/2023
Đặc điểm chung của các đầu buôn thực phẩm bẩn
Tính riêng tại Thủ đô, theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, hiện thành phố có 70.779 cơ sở thực phẩm. Trong 9 tháng năm 2022, toàn thành phố đã tiến hành kiểm tra được 20.688 cơ sở, trong đó có 16.985 cơ sở đạt tiêu chuẩn (chiếm tỉ lệ 82,1%) và 3.618 cơ sở vi phạm. Cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính hơn 600 cơ sở với số tiền hơn 4 tỉ đồng. Ngoài ra, có 46 cơ sở bị tịch thu giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và 58 cơ sở bị đình chỉ.
Càng cận kề Tết Nguyên đán, thị trường thực phẩm càng trở nên phức tạp. Minh chứng rõ ràng nhất là trong thời gian qua, các cơ quan chức năng đã liên tục vào cuộc kiểm tra, xử lý những mặt hàng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc được vận chuyển và tiêu thụ vào thành phố.
Trong các đợt truy quét này, phần lớn số sản phẩm bị thu giữ và tiêu hủy chủ yếu là thực phẩm đông lạnh xuất xứ từ nước ngoài, không có giấy kiểm dịch và không được cấp phép nhập khẩu theo quy định.
Dù các đơn vị liên quan đã vào cuộc mạnh tay là thế nhưng thực phẩm bẩn vẫn bằng nhiều cách thức khác nhau được đưa đến tận tay người tiêu dùng.
Để có một góc nhìn tổng quan và hiểu bản chất đường đi của thực phẩm bẩn len lỏi vào thị trường bằng cách nào, Báo Lao Động đã tiến hành ghi nhận thực tế tại nhiều cơ sở, địa điểm kinh doanh mà chủ yếu là thực phẩm đông lạnh - một loạt sản phẩm đang được người dân ưa chuộng trong những năm gần đây. Qua đó bóc trần hàng loạt chiêu thức tinh vi cùng mánh khóe của các đầu buôn để “hô biến”, hợp thức hóa những sản phẩm này đối phó với các cuộc kiểm tra chất lượng.
Lần theo các đầu mối bên trong các hội nhóm kinh doanh thực phẩm đông lạnh lớn tại Hà Nội. Chúng tôi nhận thấy, tất cả các cửa hàng tại đây đều có đặc điểm chung là không có địa chỉ rõ ràng, không cho khách hàng đến kho trực tiếp và cũng không rõ nguồn gốc.
Trong vai là những chủ buôn mới mở một kho đông lạnh và đang tìm nguồn thực phẩm phục vụ thị trường Tết, thông qua một vài đầu mối giới thiệu, chúng tôi được đặt lịch hẹn đến khu vực gần Bệnh viện Thể thao (Nam Từ Liêm, Hà Nội) để xem sản phẩm.
Đến đúng địa điểm theo giờ hẹn, sau vài phút chờ đợi, chúng tôi gặp một người phụ nữ tự giới thiệu là nhân viên kho hàng. Người này mang đến hàng loạt mẫu thực phẩm đang có sẵn trong kho như: thịt ba chỉ bò, tràng trứng non và nầm… tất cả sản phẩm đều được cấp đông.
Khi phóng viên hỏi vì sao phải hẹn ở địa điểm này mà không cho đến thẳng kho xem hàng? Nữ nhân viên giải thích rằng, tất cả hàng trong kho là hàng lậu, không thể cho khách địa chỉ vì sợ lộ sẽ bị lực lượng chức năng xử lý.
“Vì là hàng tiểu ngạch nên bọn em nhập lại cũng không có giấy tờ gì. Như nầm ở kho có cả thùng nguyên, ba chỉ bò là 118.000/kg, anh chị cần bao nhiêu cửa hàng sẽ giao tận nơi bấy nhiêu. Vì là hàng đông lạnh nên yên tâm vì để được lâu”, nữ nhân viên cho biết.
Sau khi xác định số hàng mẫu không có nguồn gốc rõ ràng, chúng tôi ngỏ ý từ chối mua nếu không được mục sở thị kho hàng của đầu mối này. Ngay lập tức, người phụ nữ từ chối thẳng thừng và mang số thực phẩm rời khỏi điểm giao dịch.
Lần theo hành trình của người này, nhóm phóng viên tìm đến một căn nhà nằm trên đường Hồng Đô (Phú Đô, Nam Từ Liêm, cách điểm giới thiệu mẫu thực phẩm khoảng 2km). Căn nhà này chỉ treo biển bán thực phẩm đông lạnh mà bản chất lại không phải là kho hàng như lời giới thiệu ban đầu.
Trong quá trình tìm hiểu của phóng viên, thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, không chỉ được tuồn ra bởi những hộ kinh doanh theo mô hình nêu trên, ngay cả những đơn vị kinh doanh thực phẩm có tiếng tại Hà Nội cũng hoạt động theo phương thức tương tự là: không có địa chỉ rõ ràng, không cho khách đến trực tiếp kho để xem hàng.
Sau nhiều lần liên hệ thuyết phục và phải chứng minh mình là một đơn vị kinh doanh thực phẩm đông lạnh có nhu cầu nhập hàng với số lượng lớn, chúng tôi mới được “bật đèn xanh” đến một kho đông lạnh tại địa chỉ số 40 (ngõ 2A đường Bằng B, Hoàng Liệt, Hoàng Mai).
Bí mật bên trong những kho hàng không địa chỉ
Theo quan sát, kho hàng tại ngõ 2A đường Bằng B này luôn kín cổng cao tường, bên trong la liệt các loại thực phẩm khác nhau được chất đầy trong một chiếc container cũ để cấp đông.
Theo chủ của cơ sở, đây thực chất chỉ là kho phân phối cho khách ở khu vực nội thành Hà Nội, còn tổng kho nằm tại khu công nghiệp Quang Minh (thuộc huyện Mê Linh).
Khi chúng tôi đặt câu hỏi về nguồn gốc và các giấy tờ kiểm dịch của số thực phẩm, đại diện cơ sở này cho hay, giấy tờ thì còn tùy vào mã hàng và theo báo cáo từ kế toán.
Quảng cáo kho có nhiều mã hàng đặc biệt khác như tai lợn nhập khẩu từ Đức, nếu là đơn vị sơ chế thì sản phẩm này sẽ là lựa chọn tốt nhất. Bởi tai lợn ngả màu và tím tái nhưng những lô hàng lại có giá rất rẻ, sau khi chế biến thì người mua sẽ khó phân biệt được.
“Tai lợn này không cần phải trắng lắm đâu. Nếu muốn trắng, thì thật ra là tẩy trắng phải 75.000đ/kg từ Nga. Còn giấy tờ với hoá đơn các loại hàng đông lạnh này thì mình phải hỏi sếp, nhưng sếp hôm nay lại đi vắng” - người này nói.
Thực trạng thực phẩm đông lạnh kém chất lượng, không có giấy tờ, ẩn chứa nhiều nguy cơ mất an toàn với người tiêu dùng không chỉ tồn tại trong các kho xưởng tự phát nhỏ lẻ.
undefined
Cụ thể, theo nhân viên kho của công ty này, tại kho có không ít các mặt hàng không có giấy tờ. Tuy nhiên tùy quan hệ của doanh nghiệp nên từ khi thành lập, đơn vị này mới chỉ bị “sờ gáy” một lần duy nhất.
Theo lời quảng cáo thì tại đây hàng đông lạnh gì cũng có. Cho dù là hàng giá rẻ mà khách có nhu cầu cũng sẽ bán.
“Kho tổng bọn em bên Quang Minh, mà kiểu gì kho của mình cũng có một vài hàng không có giấy tờ, nhưng do tuỳ cách mình sắp xếp hàng hóa như hàng không tốt thì cất đi, nếu hàng đẹp để đây cho khách xem” - nhân viên kho tiết lộ.
Khi chúng tôi đặt vấn đề, làm thế nào để tối ưu hóa lợi nhuận từ việc kinh doanh thực phẩm đông lạnh bằng hình thức mở kho cấp đông, nhân viên này khẳng định, đa số các chủ kho đều phải trà trộn hàng kém chất lượng để việc kinh doanh mau thu hồi vốn. Bởi nếu bán thực phẩm mà có giấy tờ hết thì rất lâu mới hồi vốn, phải kèm thêm tràng trứng, dạ dày…
“Mấy hàng này thì chủ yếu là không giấy tờ vì là hàng lậu. Nhưng anh chị cần thì vẫn có ngay vì đang có sẵn nhưng không để ở đây, để ở Quang Minh có khách thì mới ship” - người này cho hay.
Như vậy, để có thể kinh doanh trót lọt nhiều loại thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc và thậm chí cũng không có giấy tờ, những ông chủ kho xưởng, hay công ty thực phẩm như trên đã lách luật bằng hàng loạt cách thức gian lận để che mắt người tiêu dùng và cả các lực lượng chức năng.