Hội chứng sợ không gian hẹp là gì? Nguyên nhân và cách điều trị
Sức khỏe - Ngày đăng : 20:36, 03/01/2023
Hội chứng sợ không gian hẹp là tình trạng sợ hãi quá mức, vô lý về những không gian hẹp, kín thông thường
Hội chứng sợ không gian hẹp là gì?
Hội chứng sợ không gian hẹp (Claustrophobia) thuộc nhóm ám ảnh sợ đặc hiệu/ chuyên biệt của rối loạn lo âu – hội chứng tâm lý đặc trưng bởi sự lo âu, căng thẳng và sợ hãi quá mức, kéo dài về những tình huống/ đối tượng không thật sự nguy hiểm. Người mắc hội chứng này luôn thường trực nỗi sợ vô cớ khi ở trong những không gian kín và hẹp như thang máy, máy bay, phòng nhỏ, kín, không cửa sổ,…
Khi đối mặt với những tình huống này, bệnh nhân xuất hiện nỗi sợ tột độ kèm theo trạng thái hoảng loạn, bức bối và rất khó để kiểm soát cảm xúc, hành vi của bản thân. Tương tự như các dạng rối loạn lo âu khác, người mắc hội chứng sợ không gian hẹp có xu hướng né tránh những tình huống gây ra nỗi sợ vô cớ.
Thống kê cho thấy, khoảng 10% người Anh và 5% người Mỹ có dấu hiệu mắc chứng sợ không gian hẹp. Các triệu chứng thường khởi phát sớm trong giai đoạn thời thơ ấu và thanh thiếu niên. Mức độ của nỗi sợ và các triệu chứng đi kèm có thể nghiêm trọng dần theo thời gian nếu không được thăm khám và điều trị kịp thời.
Dấu hiệu nhận biết hội chứng sợ không gian hẹp
Hội chứng sợ không gian hẹp đặc trưng bởi nỗi sợ vô cớ và kéo dài về những không gian nhỏ hẹp và kín. Nỗi sợ này khiến bệnh nhân có xu hướng né tránh những không gian hẹp để tránh sợ hãi tột độ, hoảng loạn và mất kiểm soát. Sự né tránh ở người mắc chứng sợ không gian hẹp gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với chất lượng cuộc sống.
Các triệu chứng thường gặp ở người mắc hội chứng sợ không gian hẹp:
- Đổ mồ hôi
- Ớn lạnh
- Sợ hãi tột độ, hoảng loạn
- Tăng thông khí (khó thở liên quan đến chứng lo âu)
- Khô miệng
- Choáng váng, chóng mặt, ngất xỉu do sợ hãi quá mức
- Đau đầu
- Buồn nôn
- Run rẩy
- Tê tái
- Khó thở, đau và tức ngực
- Có cảm giác nghẹt thở
- Mất phương hướng
- Có nỗi sợ bị tổn hại, mắc bệnh, đôi khi người bệnh sợ hãi quá mức về cái chết
Các triệu chứng này chỉ kích hoạt khi người bệnh phải đối mặt với những tình huống như:
- Đi vào phòng nhỏ, hẹp và kín
- Tham quan các hang động hẹp
- Đi vào các đường hầm nhỏ
- Đi máy bay, tàu hỏa, xe buýt, ô tô
- Vào thang máy
- Vào phòng chụp CT hoặc MRI
- Đứng trong không gian không quá nhỏ nhưng đông người
- Nhà vệ sinh (thường là nhà vệ sinh công cộng)
- Thậm chí một số người còn có cảm giác sợ hãi khi mặc quần áo kín và cao cổ
Khi đối diện với những tình huống này, bản thân người bệnh sẽ khởi phát nỗi sợ tột độ kèm theo trạng thái hoảng loạn. Do đó, người bệnh thường có xu hướng né tránh. Thông thường, bệnh nhân sẽ lựa chọn đi bộ, đi xe máy hoặc xe đạp thay vì sử dụng những phương tiện công cộng và thang máy.
Các triệu chứng của hội chứng sợ không gian hẹp có mức độ từ nhẹ đến nặng tùy theo nỗi sợ của từng bệnh nhân. Tuy nhiên, đa phần nỗi sợ đều nặng dần theo thời gian nếu không được thăm khám và điều trị.
Nguyên nhân gây ra chứng sợ không gian hẹp
Nỗi sợ vô lý về không gian hẹp gây ra những ảnh hưởng đáng kể đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Hiện tại, nguyên nhân chính xác gây ra hội chứng này vẫn chưa được xác định. Bởi không ít bệnh nhân nhận thấy sự sợ hãi của bản thân là vô lý nhưng không thể khống chế và kiểm soát. Dù chưa tìm được nguyên nhân nhưng các chuyên gia nhận thấy hội chứng này có liên quan đến các yếu tố sau:
1. Cấu tạo của hạch hạnh nhân
Hạch hạnh nhân (Amygdala) là cơ quan có kích thước rất nhỏ nằm trong não bộ với chức năng chính là điều hòa sự sợ hãi, tạo ra phản ứng để cơ thể vượt qua những tình huống đe dọa đến tính mạng của bản thân. Khi đối diện với nỗi sợ, cơ quan này sẽ tạo ra các xung động dẫn đến giải phóng adrenaline và sự thay đổi của cơ quan hô hấp, nhịp tim, huyết áp,…. Đây là cơ chế gây ra các triệu chứng thể chất khi cơ thể đối mặt với sự sợ hãi quá mức.
Các nghiên cứu cho thấy, người mắc chứng rối loạn ám ảnh sợ hãi nói chung và sợ không gian hẹp nói riêng có kích thước hạch hạnh nhân bên phải nhỏ hơn. Điều này được cho là có liên quan đến phản ứng sợ hãi vô lý của cơ thể trước những tình huống không quá nghiêm trọng.
2. Điều kiện hóa cổ điển (phản xạ có điều kiện)
Phản xạ có điều kiện bao gồm các phản ứng của con người được hình thành sau khi được giáo dục, huấn luyện hoặc sau khi trải qua sự việc, tình huống và bản thân hình thành phản ứng này để bảo vệ cơ thể. Ở hội chứng sợ không gian hẹp, phản ứng sợ hãi và hoảng loạn có thể được kích hoạt do bản thân người bệnh đã trải qua những sự kiện gây sang chấn trong các không gian kín, hẹp như tai nạn máy bay, xe buýt, bị nhốt trong phòng kín nhiều ngày,…
Những trải nghiệm này tạo ra ấn tượng mạnh mẽ trong tâm trí dẫn đến sự hình thành phản xạ có điều kiện. Do đó, bệnh nhân có thể phát sinh nỗi sợ vô lý và quá mức khi đối diện với những không gian hẹp và kín.
3. Di truyền
Tương tự như các rối loạn tâm lý khác, hội chứng sợ không gian hẹp cũng là bệnh lý có khả năng di truyền. Khi ba hoặc mẹ mắc chứng này, con cái cũng có thể thừa hưởng các gen quy định sự bất thường của cấu trúc hạch hạnh nhân và các cơ quan khác bên trong não bộ. Từ đó tạo ra phản ứng nhạy cảm hơn với những tình huống trong cuộc sống dẫn đến nỗi sợ vô lý, quá mức và kéo dài.
4. Trải nghiệm cá nhân
Trên thực tế, hội chứng sợ không gian hẹp thường bắt nguồn từ những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ có liên quan đến sợ sự hãi về các không gian kín và hẹp. Những sự kiện này gây ra tổn thương tâm lý khiến bệnh nhân hình thành phản xạ có điều kiện khi đối diện với những không gian kín.
Các sự kiện có thể gia tăng nguy cơ mắc hội chứng sợ không gian hẹp, bao gồm:
- Từng bị nhốt trong phòng nhỏ, hẹp, không có ánh sáng và lối ra
- Bị nhốt trong hộp/ tủ do bị bắt cóc, lạm dụng và hành hung
- Trẻ nhỏ bị lạc cha mẹ trong đám đông cũng có thể hình thành nỗi sợ về không gian hẹp
- Trẻ nhỏ từng bị bỏ quên hoặc nhốt trong ô tô, xe tải
- Gặp phải tai nạn khi sử dụng các phương tiện có không gian kín như máy bay, tàu hỏa, xe hơi,….
5. Yếu tố gia đình
Ngoài di truyền, sự ảnh hưởng của gia đình cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hội chứng sợ không gian hẹp. Cụ thể, nếu cha mẹ hoặc người thân mắc chứng bệnh này (dù cùng huyết thống hay không), trẻ có thể bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, cách phản ứng và hành vi của người bệnh. Khi chứng kiến người thân sợ hãi tột độ với các không gian kín, trẻ cũng sẽ dần hình thành nỗi sợ vô lý và phát sinh phản ứng tương tự.
Hội chứng sợ không gian hẹp có ảnh hưởng gì không?
Hội chứng sợ không gian hẹp đặc trưng bởi nỗi sợ vô lý, quá mức và kéo dài về những không gian hẹp, kín như máy chụp MRI, phòng chụp X quang, máy bay, ô tô, thang máy,… Để tránh sự sợ hãi quá mức, người bệnh thường có xu hướng né tránh những tình huống kể trên. Điều này khiến người bệnh gặp không ít phiền toái và rắc rối trong cuộc sống.
Việc né tránh sử dụng các phương tiện như tàu điện ngầm, xe buýt, xe hơi,… khiến bệnh nhân chỉ có thể lựa chọn di chuyển bằng xe máy, xe đạp hoặc đi bộ. Tuy nhiên với những địa điểm xa, bệnh nhân phải lựa chọn giữa đối mặt với nỗi sợ hoặc từ bỏ kế hoạch đến những địa điểm này.
Ngoài ra, người bệnh thường lựa chọn đi thang bộ thay vì di chuyển bằng thang máy. Do đó, người mắc chứng bệnh này thường từ chối những công việc phải làm việc tại các tòa nhà cao tầng, văn phòng làm việc nhỏ hoặc quá đông người. Trẻ nhỏ cũng có thể khó khăn khi tìm kiếm môi trường giáo dục phù hợp vì dễ mất tập trung và sợ hãi khi lớp học quá đông, phòng học nhỏ, khép kín và không có cửa sổ.
Việc né tránh những tình huống này khiến người bệnh khó phát huy hết năng lực và gặp nhiều trở ngại trong công việc. Đa phần người mắc hội chứng sợ không gian hẹp đều bị giới hạn cơ hội nghề nghiệp do không thể tiếp xúc với một số tình huống.
Khi bùng phát cơn hoảng loạn ở những nơi đông người, bệnh nhân có thể hình thành tâm lý tự tin – đặc biệt là khi bị chế giễu. Không ít bệnh nhân lựa chọn cô lập bản thân và tránh tiếp xúc với những người xung quanh do không nhận được sự thấu hiểu, đồng cảm. Hội chứng sợ không gian hẹp cũng làm gia tăng nguy cơ mắc các rối loạn tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu lan tỏa, rối loạn lo âu xã hội,…
Chẩn đoán hội chứng sợ không gian hẹp
Hội chứng sợ không gian hẹp thường được chẩn đoán thông qua biểu hiện lâm sàng. Sau khi khai thác triệu chứng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm cần thiết để loại trừ nguyên nhân thực thể.
Chứng sợ không gian hẹp chỉ được chẩn đoán khi triệu chứng kéo dài, dai dẳng, gây ra nhiều cơn hoảng loạn và làm gián đoạn các hoạt động trong ngày. Đặc biệt, sự sợ hãi này có thể phát sinh ngay cả khi bệnh nhân chỉ tưởng tượng mình đang ở trong không gian hẹp và kín.
Các tiêu chuẩn được áp dụng trong chẩn đoán hội chứng sợ không gian hẹp, bao gồm:
- Xuất hiện phản ứng lo lắng khi có kích thích (trẻ nhỏ thường quấy khóc, đeo bám, người lớn phát sinh các cơn hoảng loạn)
- Có sự sợ hãi vô lý, quá mức về một tình huống cụ thể
- Bệnh nhân trưởng thành thừa nhận sự sợ hãi bắt buồn từ mối đe dọa và nguy hiểm mà bản thân dự đoán được (sợ tai nạn máy bay, xe hơi, sợ hư hỏng thang máy,…)
- Luôn có xu hướng né tránh những tình huống trong không gian hẹp, kín. Hoặc có thể sẵn sàng đối mặt nhưng với tâm lý lo lắng, khó chịu và sợ hãi.
- Việc né tránh những tình huống gây sợ hãi ảnh hưởng đáng kể đến các hoạt động thường ngày và các mối quan hệ.
- Sự sợ hãi với không gian hẹp và kín phải xảy ra liên tục trong ít nhất 6 tháng
- Các triệu chứng bệnh nhân gặp phải không đáp ứng được tiêu chuẩn chẩn đoán rối loạn stress sau sang chấn hay rối loạn ám ảnh cưỡng chế.
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ không gian hẹp
Hội chứng sợ không gian hẹp thường giảm dần khi trưởng thành. Tuy nhiên, một số người có thể phải đối mặt với chứng bệnh này trong suốt cả cuộc đời. Do đó, đa phần những trường hợp đã được chẩn đoán đều phải can thiệp điều trị để giảm triệu chứng, học cách chế ngự nỗi sợ nhằm cải thiện sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Các phương pháp điều trị hội chứng sợ không gian hẹp được áp dụng phổ biến bao gồm:
1. Liệu pháp tâm lý
Tương tự như các ám ảnh sợ đặc hiệu khác, hội chứng sợ không gian hẹp thường được điều trị bằng liệu pháp tâm lý. Mục tiêu của phương pháp này là giúp bệnh nhân thay đổi suy nghĩ, nhận thức, học cách kiểm soát sự sợ hãi, lo âu và căng thẳng. Tâm lý trị liệu mang lại hiệu quả đáng kể trong điều trị rối loạn lo âu nói chung và hội chứng sợ không gian hẹp nói riêng.
Liệu pháp tâm lý bao gồm nhiều phương pháp khác nhau. Đối với người mắc hội chứng sợ không gian hẹp, chuyên gia thường lựa chọn các liệu pháp như:
– Liệu pháp nhận thức:
Liệu pháp nhận thức được áp dụng trong quá trình điều trị nhiều dạng rối loạn lo âu. Đặc biệt, phương pháp này mang lại hiệu quả cao với trường hợp ám ảnh và sợ hãi với đối tượng/ tình huống cụ thể. Liệu pháp nhận thức được thực hiện nhằm thay đổi tư duy, quan niệm sai lầm và suy nghĩ méo mó của bệnh nhân về mối nguy hiểm của những tình huống trong cuộc sống.
Ban đầu, bệnh nhân sẽ trao đổi với nhà trị liệu về cảm xúc và suy nghĩ chân thật. Sau đó, bác sĩ sẽ đưa ra những lời khuyên và tạo ra những kích thích phù hợp để thay đổi dần suy nghĩ của bệnh nhân. Chẳng hạn, chuyên gia sẽ cố gắng đưa ra những bằng chứng xác thực cho thấy việc di chuyển bằng máy bay, xe hơi, xe buýt có xác suất tai nạn thấp hơn so với di chuyển bằng xe máy, đồng thời có thể rút ngắn thời gian di chuyển và bảo vệ môi trường.
Quá trình này sẽ phải diễn ra trong một thời gian dài và cần kết hợp thêm với các phương pháp tâm lý trị liệu khác để đạt được hiệu quả tốt nhất. Thống kê cho thấy, khoảng 30% bệnh nhân giảm đi nỗi sợ và suy nghĩ tiêu cực, bi quan về những tình huống/ đối tượng gây ra sự ám ảnh.
– Liệu pháp tiếp xúc (liệu pháp phơi nhiễm):
Liệu pháp tiếp xúc được thực hiện bằng cách cho bệnh nhân đối mặt với những tình huống gây ra sự sợ hãi. Ban đầu, chuyên gia sẽ cho bệnh nhân tiếp xúc ở dạng tưởng tượng thông qua lời nói. Sau đó tăng dần về mức độ đến khi bệnh nhân có thể tiếp xúc với tình huống thực tế nhưng không còn sợ hãi hoặc đã biết cách chế ngự nỗi sợ của bản thân.
Liệu pháp phơi nhiễm là phương pháp hiệu quả nhất đối với bệnh nhân mắc chứng ám ảnh sợ đặc hiệu. Các nghiên cứu cho thấy, phương pháp này có thể giảm khoảng 75% sự sợ hãi. Để tăng hiệu quả, bệnh nhân sẽ được trị liệu kết hợp giữa liệu pháp tiếp xúc với liệu pháp nhận thức.
– Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (REBT):
Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý được xây dựng bởi Nhà tâm lý học Tiến sĩ Albert Ellis của Mỹ. Liệu pháp này được thực hiện nhằm giúp bệnh nhân giảm các hành vi và cảm xúc gây ra bởi sự sợ hãi. Chuyên gia sẽ truyền cho bệnh nhân thái độ tích cực và giúp loại bỏ quan niệm sai lầm, từ đó giảm bớt nỗi sợ vô lý và chủ động hơn trong cuộc sống.
– Liệu pháp thư giãn:
Bên cạnh những liệu pháp tập trung vào nỗi sợ , chuyên gia cũng sẽ chỉ định liệu pháp thư giãn cho bệnh nhân. Liệu pháp này giúp bệnh nhân học cách chế ngự nỗi sợ, sự căng thẳng và sợ hãi khi rơi vào tình huống có không gian hẹp và kín.
Liệu pháp thư giãn thường bao gồm kỹ thuật đếm ngược từ 10 – 0 kết hợp thở sâu để giải tỏa căng thẳng và kiểm soát nỗi sợ. Bệnh nhân cũng sẽ được hướng dẫn cách hình dung bản thân đang ở trong không gian an toàn để tránh cơn hoảng loạn khi đối diện với những tình huống gây sợ hãi.
2. Sử dụng thuốc
Sự sợ hãi vô lý, quá mức và kéo dài về không gian hẹp, kín có thể khiến bệnh nhân bị căng thẳng thần kinh và phiền muộn. Do đó ngoài trị liệu tâm lý, bệnh nhân cũng có thể phải sử dụng thuốc để điều chỉnh cảm xúc. Ngoài ra khi đối diện với tình huống gây sợ hãi, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc để cải thiện các triệu chứng thể chất.
Các loại thuốc được sử dụng trong điều trị hội chứng sợ không gian hẹp bao gồm:
- Thuốc chống trầm cảm: Thuốc chống trầm cảm được sử dụng phổ biến trong điều trị rối loạn lo âu nói chung và hội chứng sợ không gian hẹp nói riêng. Nhóm thuốc này làm tăng nồng độ các chất nội sinh trong não bộ, qua đó giảm đi tình trạng căng thẳng, lo âu và sợ hãi quá mức. Tùy theo tình trạng cụ thể của từng bệnh nhân, bác sĩ có thể chỉ định dùng chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs) hoặc thuốc chống trầm cảm 3 vòng (TCA).
- Thuốc chẹn beta: Thuốc chẹn beta được sử dụng để làm giảm các triệu chứng thể chất khi phải đối diện với những tình huống gây ra nỗi sợ như đau ngực, nghẹn thở, đổ mồ hôi, nóng bừng, ớn lạnh, đau đầu, choáng váng,…
3. Mẹo kiểm soát nỗi sợ hãi
Dù đã cố né tránh, bệnh nhân vẫn có thể phải đối mặt với những không gian hẹp và kín trong một số trường hợp. Do đó, nên trang bị kỹ năng cần thiết để chế ngự nỗi sợ và tránh hoảng loạn ở nơi đông người. Để kiểm soát sự sợ hãi, bệnh nhân có thể áp dụng một số biện pháp sau:
- Hít thở sâu trong ít nhất 3 lần
- Không hướng suy nghĩ của bản thân về những mối nguy hiểm có thể xảy ra (rơi thang máy, tai nạn máy bay, xe hơi,…)
- Tập trung vào một số thứ mang lại cảm giác an toàn như nhìn kim đồng hồ để nhắc nhở bản thân tình huống này sẽ diễn ra nhanh chóng hoặc xem hình ảnh, video clip trên điện thoại nhằm phân tán tư tưởng.
- Tưởng tượng bản thân đang ở địa điểm và không gian an toàn để có thể bình tĩnh hơn.
Hội chứng sợ không gian hẹp là một dạng ám ảnh sợ đặc hiệu khá phổ biến. Mặc dù nỗi sợ về không gian kín, hẹp có thể kéo dài suốt cả cuộc đời nhưng bệnh nhân hoàn toàn có thể kiểm soát nỗi sợ và các cơn hoảng loạn. Đa phần bệnh nhân can thiệp điều trị sớm và tích cực đều có thể học tập, làm việc như bình thường và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn.