Bài 2: Ma lực của cơ chế ngầm

Nhịp sống - Ngày đăng : 12:04, 01/01/2023

Song cơ chế ngầm trong các quan hệ, giao dịch đã khiến nhiều người bất chấp quy định để cố ý làm trái, thực hiện bằng được các chỉ đạo của những "ông vua con" siêu quyền lực.
Bài 2: Ma lực của cơ chế ngầm - 1

Bị cáo Đinh Quốc Thái (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) tại phiên tòa xử vụ AIC.

Quan hệ "có đi có lại"

Trong vụ Công ty AIC trúng 16 gói thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, nguyên Giám đốc Bệnh viện là bị cáo Phan Huy Anh Vũ bị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và nhận hối lộ 14,8 tỷ đồng từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC).

Ở cả hai tội danh truy tố bị cáo Vũ, sự hiện diện của cơ chế ngầm được thể hiện ở nhiều góc độ khác nhau, liên quan mật thiết đến quyền lợi cá nhân. Đối với hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, Viện Kiểm sát xác định bị cáo Vũ đã nhận được sự chỉ đạo của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành về việc tạo điều kiện cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Công ty AIC tham gia dự thầu và trúng thầu.

Từ đó, mọi chỉ đạo của bị cáo Vũ liên quan đến dự án đều theo hướng ủng hộ tối đa cho bị cáo Nhàn và Công ty AIC. Việc bị cáo Vũ "răm rắp" làm theo sự chỉ đạo của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành không phải là sự chấp hành mệnh lệnh của cấp trên theo quy định mà thể hiện sự phục tùng vô điều kiện nhằm đạt được mục tiêu cá nhân theo cơ chế ngầm.

Cơ chế ngầm được nhắc đến ở đây là quan hệ "có đi có lại" giữa cấp dưới và cấp trên khi cấp dưới chấp hành tuyệt đối những chỉ đạo sai quy định pháp luật của cấp trên. Đổi lại, cấp trên sẽ tạo điều kiện cho những lợi ích cá nhân, cơ hội thăng tiến, thậm chí còn bao che cho những sai phạm của cấp dưới.

Quyền lực của cơ chế ngầm này mạnh đến nỗi nhiều cán bộ cấp dưới biết sẽ phải làm trái quy định, thậm chí có thể còn phải đối diện với pháp luật… nhưng họ vẫn bất chấp những cảnh báo để thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên, nhằm mưu cầu quyền lợi cá nhân cho mình.

Biết sai nhưng vẫn làm

Bài 2: Ma lực của cơ chế ngầm - 2

Bị cáo Trần Đình Thành (cựu Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai) tại phiên Xét xử sơ thẩm vụ án AIC, sáng 21/12/2022. Ảnh: An Đăng/TTXVN

Một trong số những sai phạm được nhắc đến nhiều nhất trong nhóm hành vi vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng của Công ty AIC trong đấu thầu dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai là việc lập "quân xanh", "quân đỏ", "cài thầu" và "thông thầu".

Cụ thể, trong số 26 gói thầu được UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt kế hoạch đấu thầu nêu trên (9 gói thiết bị kèm theo xây lắp và 17 gói thiết bị y tế chuyên môn), Công ty AIC tham gia đấu thầu và trúng thầu toàn bộ 16 gói thầu gồm: 2 gói thiết bị kèm theo xây lắp (gói số 7, 56) và 14 gói thầu thiết bị y tế chuyên môn (gói số 52, 64, 65, các gói thầu từ số 67 đến số 77). Công ty AIC đứng tên trúng thầu 12 gói, chỉ định các công ty khác đứng tên hộ và trúng 4 gói thầu.

Để thuận lợi trong việc trúng các gói thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã chỉ đạo bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga (Phó Tổng Giám đốc Công ty AIC) và nhân viên mua Hồ sơ mời thầu, lập Hồ sơ dự thầu cho cả công ty "quân đỏ" và công ty "quân xanh" để nộp Hồ sơ dự thầu cho đủ số lượng theo quy định để Công ty AIC trúng 16 gói thầu thiết bị y tế.

Với cách thức nêu trên của Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Công ty AIC và các công ty do Công ty AIC chỉ định tham gia 16/19 gói thầu thiết bị y tế và trúng toàn bộ 16 gói thầu với tổng giá trị hơn 665 tỷ đồng. Trong đó, Công ty AIC đứng tên trúng 12 gói thầu, còn lại là các công ty "quân xanh" như Công ty BMS, TNT... ký hợp đồng thực hiện 4 gói thầu với chủ đầu tư, nhưng thực tế Công ty AIC thực hiện cung ứng toàn bộ thiết bị của các gói thầu này và đã nhận lại toàn bộ số tiền Chủ đầu tư thanh toán cho các công ty "quân xanh".

Trả lời thẩm vấn tại phiên tòa, các bị cáo thuộc nhóm công ty "quân xanh" cho Công ty AIC khai, biết sai nhưng vẫn làm vì lợi ích trước mắt. Trong bối cảnh đó, muốn bán được các sản phẩm thiết bị y tế thì phải tham gia làm "quân xanh" cho gói thầu này.

Giám đốc Công ty TNT Lê Thị Bích Thủy thừa nhận đã đồng ý với đề nghị của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và Hoàng Thị Thúy Nga làm "quân xanh" cho Công ty AIC tham gia đấu thầu tại dự án Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để bán thiết bị vào dự án. Bị cáo Thủy đã chỉ đạo nhân viên dưới quyền phối hợp với nhân viên Công ty AIC làm Hồ sơ dự thầu của Công ty TNT để tham dự 11 gói thầu của dự án. Trong đó, Công ty TNT làm "quân xanh" của 10 gói thầu, làm "quân đỏ" trúng thầu "hộ" Công ty AIC gói thầu số 73, gây thiệt hại hơn 112 tỷ đồng.

Sau khi Công ty AIC trúng thầu, Công ty TNT được Công ty AIC giao thi công xây lắp Gói thầu số 7. Ngoài ra, Lê Thị Bích Thủy đại diện Công ty TNT ký 3 hợp đồng bán 22 thiết bị y tế cho Công ty AIC để cung cấp vào Dự án, qua đó thu lợi nhuận hơn 3,5 tỷ đồng.

Một công ty "quân xanh" khác là Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Tâm Hợp (Công ty Tâm Hợp) do bị cáo Nguyễn Văn Bằng làm Giám đốc. Do muốn bán thiết bị y tế cho dự án thông qua Công ty AIC nên Bằng đã ký Hồ sơ dự thầu làm "quân xanh" cho Công ty AIC trúng gói thầu số 69, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 7,5 tỷ đồng.

Việc trao đổi quyền lợi, đổi công việc này để lấy lợi ích khác trong thiết lập "quân xanh", "quân đỏ" cũng chính là một dạng thức khác của cơ chế ngầm giữa các đơn vị, doanh nghiệp trong nền kinh tế. Họ biết rõ việc "cài thầu", "thông thầu", bố trí "quân xanh", "quân đỏ" là sai quy định pháp luật nhưng vẫn làm, làm mãi thành quen, làm quen thành lệ, lệ lâu thành ra nhiều người công khai thực hiện vì cho rằng đó là việc làm không vi phạm pháp luật.

Mối nguy hiểm của những cơ chế ngầm này không chỉ tác động trực tiếp tới suy nghĩ và cách hành xử của những người trong cuộc, mà còn khiến những người khác nhìn vào cơ chế ngầm đó, thấy những người đó làm việc này, được hưởng lợi ích và những ưu ái thiết thân… nên làm theo, học theo.

Vô hình chung, tạo thành một lối ứng xử, một cung cách làm việc của một bộ phận không nhỏ cán bộ, doanh nghiệp. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, những cơ chế ngầm này sẽ tạo thành vệt dầu loang nhanh, làm "ô nhiễm" cả thể chế chính trị, thể chế kinh tế của đất nước.

Bài 3: Quay đầu là bờ

Theo Kim Anh (TTXVN)

https://baotintuc.vn/thoi-su/nhung-ong-vua-conva-co-che-ngam-bai-2-ma-luc-cua-co-che-ngam-20221231111304190.htm