Hồ sơ mật: Rameshwar Nath Kao - “Cha đẻ” tình báo đối ngoại Ấn Độ
Quân sự thế giới - Ngày đăng : 14:27, 30/12/2022
Ấn Độ là một trong những quốc gia có các cơ quan tình báo chuyên nghiệp, hoạt động lâu đời, đóng góp quan trọng vào bảo vệ an ninh quốc gia và phát triển đất nước. Một trong hai cơ quan tình báo lớn và tiêu biểu nhất của Ấn Độ là Cơ quan Nghiên cứu và Phân tích (RAW) thực hiện nhiệm vụ tình báo đối ngoại. RAW được thành lập năm 1968 sau những thất bại tình báo từ sự kiện Chiến tranh Trung - Ấn của Cục Tình báo Trung ương Ấn Độ. Rameshwar Nath Kao là người đã sáng lập, tổ chức và xây dựng vị thế vững chắc cho RAW trong cộng đồng tình báo Ấn Độ.
Tiểu sử
Rameshawar Nath Kao (tên thường gọi là Ramjee hoặc Ramji) sinh ngày 10-5-1918 tại thành phố Varanasi thuộc bang Uttar Pradesh, Ấn Độ, trong một gia đình gốc Ấn có địa vị trong xã hội thực dân Anh lúc đó.
Nhà tình báo Rameshawar Nath Kao. Ảnh: News18 |
Mồ côi cha từ khi còn nhỏ, Kao lớn lên trong sự nuôi dưỡng và giáo dục từ ông nội, bác trai và mẹ là Khemwati Kaul. Môi trường giáo dục truyền thống gia đình có kỷ luật nghiêm khắc và khoa học đã hình thành nên tính cách, tác phong nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật và phương pháp làm việc nền nếp, khoa học sau này của Kao trong môi trường tình báo đặc thù đầy bí mật và nguy hiểm.
Năm 1936, Kao nhận bằng cử nhân Khoa Nghệ thuật, Đại học Lucknow và 3 năm sau nhận bằng Thạc sĩ văn chương Anh tại Đại học Allahabad. Là người ham học hỏi, quan tâm đến các vấn đề chính trị nên Kao luôn theo sát các biến động chính trị quốc gia và tiếp xúc với những nhân vật có tư tưởng tiến bộ trong các phong trào giành độc lập dân tộc của Ấn Độ. Năm 1939, ông theo học ngành Cử nhân luật nhưng sau đó phải dừng lại để gia nhập lực lượng Cảnh sát Ấn Độ, và sau đó tham gia khóa học mở rộng của Đại học Cảnh sát tại Moradabad. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Rameshawar Nath Kao đã thể hiện tư tưởng tiến bộ về độc lập dân tộc.
Con đường đến với ngành tình báo
Kao bắt đầu sự nghiệp của mình tại cơ quan cảnh sát dân sự. Tuy nhiên, nhận thấy không phù hợp với công việc văn phòng nhàm chán và không phát huy được năng lực bản thân nên Kao xin chuyển sang Cục Tình báo (IB) - cơ quan tình báo nội địa của Ấn Độ, do Vương quốc Anh thành lập năm 1947, có trụ sở chính ở New Delhi. Nhờ vào thành tích xuất sắc, Kao trở thành sĩ quan Hindu đầu tiên gia nhập IB, vốn chỉ dành cho sĩ quan người Anh và người Hồi giáo lúc đó.
Nhà tình báo Rameshawar Nath Kao (giữa) lúc đương chức. Ảnh: Alchetron |
Sau khi Ấn Độ giành độc lập, IB tái cơ cấu cho phù hợp với một quốc gia độc lập mới, Kao nằm trong số ít người trong lực lượng cũ được tuyển chọn lại. Với phong cách làm việc kỷ luật, tỉ mỉ, khoa học và có tố chất tình báo, năm 1948, Kao trở thành Trợ lý giám đốc an ninh IB kiêm nhân viên an ninh cho Thủ tướng Jawaharlal Nehru.
Sau 10 năm nỗ lực, phấn đấu và đạt thành tích cao trong thực hiện nhiệm vụ, đến năm 1958, Kao được bổ nhiệm làm Phó giám đốc IB, nhận nhiệm vụ sang Ghana làm cố vấn hỗ trợ nước này thành lập lực lượng tình báo; xây dựng Cục Nghiên cứu Đối ngoại (FRSB) - cơ quan tình báo đầu tiên của Ghana. Việc tham gia thành lập một cơ quan tình báo từ sơ khai đã giúp Kao có kinh nghiệm thực tế quý báu về cách thức tổ chức, điều hành cơ quan tình báo. Do đó, năm 1968, sau khi tình báo Ấn Độ thất bại trong dự đoán chiến tranh Ấn - Trung (1962) và Chiến tranh Kashmir giữa Ấn Độ và Pakistan (1965), Thủ tướng Ấn Độ Indira Gandhi quyết định thành lập một cơ quan tình báo đối ngoại riêng biệt và Kao đảm nhiệm xây dựng đơn vị mới này.
Những khó khăn từ lúc sơ khai
Ngày 21-9-1968, RAW ra đời dưới sự lãnh đạo của Kao. Do là cơ quan non trẻ nên Kao phải đương đầu với một loạt khó khăn như sức ép phải đổi mới từ chính phủ và các chính trị gia, cơ sở vật chất nghèo nàn, trình độ năng lực cán bộ nhân viên còn yếu, kém. Biên chế ban đầu của RAW chỉ có 250 nhân viên và ngân sách hằng năm ít ỏi 20 triệu Rupee.
Những hình ảnh đời thường về nhà tình báo Rameshawar Nath Kao. Ảnh: Rediff |
Mặc dù khởi đầu gần như từ con số không, nhưng với tài năng và kinh nghiệm sẵn có, Kao đã phát huy tối đa sức sáng tạo để xây dựng nên một cơ quan tình báo hoàn toàn mới. Đầu tiên, Kao xóa bỏ quy luật bất thành văn là sĩ quan cấp cao của tình báo đều phải xuất thân từ Cơ quan Tình báo cảnh sát. Ông cho rằng, RAW muốn hoạt động hiệu quả phải tách biệt cơ quan tình báo này khỏi quyền lực ngầm nói trên. Khi tuyển chọn nhân viên hành chính, Kao đã khéo léo tuyển những người mà cha mẹ hay người thân của họ có chức vụ ở các bộ quan trọng của chính phủ. Những người trong nhóm thiểu số này đã trở thành đối trọng cân bằng quyền lực với các sĩ quan cấp cao cũ của IB, xuất thân từ Cơ quan Tình báo cảnh sát.
Kao là người nghiên cứu rất kỹ cơ cấu, cách thức tổ chức và hoạt động của các cơ quan tình báo lâu đời trên thế giới, trong đó phải kể đến cách thức tổ chức của tình báo Mỹ, Anh, Liên Xô, Nhật Bản, Đức hay Israel. Nhờ kế thừa có chọn lọc, Kao đã xây dựng cơ cấu tổ chức RAW gồm nhiều bộ phận mới như: Tình báo kinh tế, tình báo khoa học kỹ thuật, mã thám, tình báo vệ tinh, tình báo hàng không… Đây là một bước đột phá thể hiện tư duy và tầm nhìn chiến lược của một lãnh đạo tình báo tài ba. Đồng thời, Kao sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hoạt động của RAW theo hướng địa bàn quan trọng. Nhiều cơ sở mới của RAW được đặt tại Mỹ, Anh, một số quốc gia chiến lược tại Đông Nam Á, châu Âu và các nước láng giềng. Dưới sự chỉ đạo, điều hành của Kao, RAW đã trở thành một trong những cơ quan tình báo hoạt động hiệu quả và tinh nhuệ nhất Ấn Độ chỉ sau 3 năm thành lập. Ảnh hưởng của Kao lớn đến mức những điệp viên trong RAW tự nhận mình là “Kaoboys” (tạm dịch: Các chàng trai của Kao).
Thành tích nổi bật
Thành tích nổi bật nhất của RAW dưới thời Kao là đóng góp tích cực vào thắng lợi trong cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan năm 1971. Ngày 25-3-1971, Pakistan cho quân đội tấn công các lực lượng nổi dậy ở miền Đông nước này khiến hàng triệu người tị nạn chạy sang Ấn Độ, gây ra một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng về người tị nạn tại quốc gia tỷ dân. Chỉ 2 ngày sau, dựa vào các tin tức tình báo thu thập được trước đó, RAW đã kịp thời báo cáo tình hình và trình lên Thủ tướng Indira Gandhi bản kế hoạch chi tiết hành động chiến tranh với Pakistan nhằm kết thúc tình trạng hỗn loạn gây thiệt hại đến Ấn Độ. Kế hoạch gồm hai giai đoạn: Giai đoạn I “Chiến dịch du kích” và giai đoạn II “Can thiệp quân sự”, trong đó giai đoạn I chủ yếu do RAW đảm nhiệm.
Để triển khai thực hiện kế hoạch, Kao chỉ đạo đẩy mạnh các hoạt động bí mật trên biên giới Đông Pakistan để khai thông các trạm kiểm soát, tạo điều kiện thâm nhập vào quân đội Pakistan đóng quân tại đây, mặt khác tung ra nhiều đặc vụ chui sâu vào bộ máy quân đội Pakistan thu thập thông tin về mọi động thái của Islamabad. Trước khi phát động chiến tranh, RAW và đích thân Kao đã trực tiếp tiến hành tuyển chọn, huấn luyện, cung cấp vũ khí cho hơn 100.000 người gốc là người tị nạn Đông Pakistan ở Ấn Độ, để họ tự thành lập tổ chức “Mukti Bahini” - một đơn vị có đủ sức chiến đấu với quân đội Pakistan.
Cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan năm 1971 kết thúc ngày 16-12-1971 tại Dhaka. Ảnh: Outlookindia. |
Khi cuộc chiến Ấn Độ - Pakistan nổ ra (từ ngày 3 đến 16-12-1971), nhờ sự hỗ trợ trên biên giới của lực lượng Mukti Bahini, quân đội Ấn Độ không chỉ xâm nhập vào Pakistan bằng con đường ngắn nhất mà còn nhận được tin tức tình báo quan trọng về vị trí và hướng đi của đối phương, tạo thuận lợi để quân đội Ấn Độ cắt liên lạc, phục kích quân đội Pakistan, nhanh chóng kết thúc thắng lợi cuộc chiến 14 ngày.
Kao còn có công lớn trong việc phát hiện âm mưu khủng bố của Quốc dân Đảng trong kế hoạch ám sát nhà lãnh đạo Trung Quốc Chu Ân Lai. Với chiến công này, ông đã được đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai khen tặng.
Một thành tích nổi bật khác của Kao là cố vấn, lập kế hoạch, điều hành chỉ đạo RAW thực hiện thành công chiến dịch sáp nhập Sikkim thành một bang của Ấn Độ một cách hòa bình. Trong thế kỷ 19, Sikkim liên minh với Ấn Độ thuộc Anh, cuối cùng trở thành một vương quốc được Anh bảo hộ. Đây là quốc gia ở phía Đông Bắc Ấn Độ, tiếp giáp Ấn Độ ở phía Bắc, tiếp giáp Tây Tạng (Trung Quốc) và Buhtan ở phía Đông, phía Tây giáp Nepal, nên có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Năm 1963, tình hình quan hệ Ấn Độ - Sikkim trở nên xấu đi sau khi nhà vua Sikkim kết hôn với Hope Cooke - một công dân Mỹ có liên hệ với Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) và có thái độ bài Ấn rõ ràng, cùng với đó là mối quan tâm đặc biệt và ngày càng tăng đến Sikkim của Trung Quốc. Điều này khiến chính quyền New Delhi đặc biệt quan ngại.
Đứng trước tình hình thực tế đó, Kao đã trực tiếp cố vấn cho chính phủ Ấn Độ nhanh chóng sáp nhập Sikkim. Toàn bộ kế hoạch cho chiến dịch này được Kao phác thảo, sau đó trực tiếp giữ vai trò tổng điều hành và chỉ đạo chiến dịch. Dựa vào uy tín của mình, Kao đã thuyết phục một cựu lãnh đạo tôn giáo có hiềm khích với Hoàng gia Sikkim là Kazi Lhendup Dorzi chống đối nhà vua, đồng thời cung cấp tài chính và vũ khí cho lực lượng đối lập. Mặt khác, Kao chỉ đạo các điệp viên RAW tiến hành thăm dò, can thiệp, thúc đẩy chia rẽ gay gắt trong cuộc bầu cử quốc hội tại Sikkim. Kết quả là, sau một cuộc trưng cầu dân ý hòa bình, Sikkim tự nguyện trở thành bang thứ 22 của Ấn Độ. Công đầu thuộc về RAW mà trực tiếp là nhà lãnh đạo tình báo tài ba Kao.
Cuối đời
Sau những cống hiến không mệt mỏi cho ngành tình báo đối ngoại, năm 1977, Kao nghỉ hưu. Năm 1980, ông làm cố vấn an ninh cho Thủ tướng Indira Gandhi và vẫn tiếp tục có những đóng góp to lớn vào việc thành lập Lực lượng An ninh Quốc gia (NSG) - đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố và không tặc của Ấn Độ. Chuyến thăm bí mật Trung Quốc năm 1984 của Kao cũng đã tạo cơ sở cho chuyến thăm ngoại giao lịch sử của Thủ tướng Rajiv Gandhi tới Trung Quốc năm 1988. Sau vụ ám sát Thủ tướng Indira Gandhi tháng 10-1984, Kao từ chức cố vấn an ninh nhưng nhiều đời thủ tướng sau này vẫn đến thăm ông để tư vấn về an ninh.
Rất nhiều sách viết về cuộc đời của nhà tình báo Rameshawar Nath Kao. Ảnh: Bookandconversations |
Kao qua đời ngày 20-1-2002 tại nhà riêng tại New Dehli. Bá tước Alexandre de Manrenches, cựu lãnh đạo của Cơ quan Tình báo đối ngoại Pháp (SDECE), đã đánh giá Kao là một trong 5 nhà lãnh đạo tình báo vĩ đại nhất những năm 1970. Tổng thống Ấn Độ Kocheril Raman Narayanan, trong đám tang của Kao, đã nói: “Kao đóng vai trò then chốt trong chính phủ chúng ta, xây dựng và có những đóng góp to lớn nâng cao tính hiệu quả và chuyên nghiệp của cơ quan thi hành pháp luật bằng bộ máy thu thập tình báo đầy sáng tạo”.
Cho đến khi Kao mất, cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn được che mờ trong bức màn bí ẩn, bởi tâm niệm khi còn sống của ông là: “Bí mật sẽ theo tôi lên giàn hỏa táng”.
Hồ sơ mật đem tới bạn đọc những bài viết về các vụ án, hồ sơ điệp viên, sự kiện lịch sử quân sự - chính trị thế giới đã được giải mật và những bí ẩn chưa có lời giải đáp.
MINH ANH(tổng hợp từ The Hindu, The Better India, Spy Museum)