Kỳ lạ ý tưởng loại bỏ đèn giao thông ở Thủ đô
Nhịp sống - Ngày đăng : 12:02, 30/12/2022
Đạt giải nhất hạng mục ý tưởng trong cuộc thi Sáng kiến An toàn giao thông Việt Nam 2022, ông Dương Anh Tuấn, Giám đốc công ty TNHH Du lịch và biểu diễn nghệ thuật Tây Đô kỳ vọng đề xuất giải pháp bỏ đèn đỏ và tổ chức phân luồng lại giao thông đường bộ tại TPHCM và TP Hà Nội kỳ vọng ý tưởng sẽ giảm ùn tắc giao thông tại nhiều thành phố lớn.
Theo ông Dương Anh Tuấn, ý tưởng bỏ đèn đỏ xuất phát từ mong muốn để các phương tiện giao thông đường bộ di chuyển nhanh chóng, tiết kiệm thời gian trên đường. Ý tưởng ban đầu nhen nhóm từ 6 năm trước. Khi đó, ông Tuấn thấy các phương tiện mắc kẹt trên đường, chờ đèn đỏ nhiều thời gian nên nảy sinh ý tưởng bỏ đèn đỏ.
"Nếu áp dụng các nút giao lớn tại TP Hà Nội và TP.HCM, các phương tiện sẽ được chạy liên tục, không dừng lại, giải phóng rất nhanh, ước chừng khoảng 50% tổng số", ông Tuấn cho hay.
Nói rõ hơn về giải pháp, ông Tuấn giải thích các điểm quay đầu xe liên hoàn sẽ thay thế các đèn đỏ. Khi đó, các phương tiện sẽ không phải ùn ứ, kẹt lại ở các khu vực có đèn đỏ. Cùng với đó, các bùng binh to cũng bị loại bỏ vì lượng phương tiện hiện tại lớn nếu các phương tiện xoay quanh có thể gây kẹt xe, ùn tắc. Những điểm quay đầu xe cách các nút giao 150-300m để đảm bảo xe cộ di chuyển liên tục, giảm mật độ xe ở các điểm giao cắt.
Tuy nhiên, khi triển khai, ông Tuấn không thể thuyết phục được cơ quan chức năng chấp thuận ý tưởng trên vào thực tế dẫn tới không có đường thí điểm. Đến ngày 28/6/2021, Sở GTVT Hà Nội đã thí điểm giải pháp vào các điểm đen ùn tắc như Ngã Tư Sở, ngã ba Vũ Trọng Khánh - Tố Hữu, ngã tư Nguyễn Chánh - Trần Duy Hưng, đặc biệt là nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo - Mễ Trì. Qua đó, sở nhận thấy hiệu quả của giải pháp khi loại bỏ đèn đỏ.
Khi thấy nút giao Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo - Mễ Trì bớt ùn tắc, ông Tuấn bày tỏ bản thân rất hạnh phúc vì có người dân hằng ngày đi lại qua đây không còn vất vả khi di chuyển trên đường, nhất là những ngày nắng nóng 37-38 độ C.
"Chuyên ngành của mình là vô tuyến điện nên mình áp dụng nguyên lý mạch điện. Cơ thể mình tuần hoàn cũng như mạng lưới giao thông của thủ đô. Nếu nó đang tuần hoàn mà ta bóp chặt lại thì không thể khỏe mạnh được. Chặn hết nút giao này đến nút giao khác thì ùn tắc cục bộ", ông Tuấn chia sẻ và kỳ vọng Việt Nam sẽ là nước đầu tiên có quy luật mới về giao thông đường bộ.
Ông Dương Anh Tuấn vẫn nuối tiếc vì thí điểm đã giải quyết được vấn đề ùn tắc tuy nhiên vẫn chưa được như kỳ vọng vì nhiều nút giao khác chưa thể áp dụng bỏ đèn giao thông dẫn tới không đồng bộ.
Theo tính toán, nếu cơ quan chức năng loại bỏ toàn bộ 7 nút giao đèn giao thông từ đường Trần Duy Hưng (đoạn qua Big C Thăng Long) đến cuối đường Văn Cao (gần Hồ Tây) thì thời gian di chuyển giảm xuống 2,5 lần. Cụ thể, các phương tiện di chuyển hết tuyến đường 5km này trong 7 phút thay vì 27 phút như hiện tại. Đồng thời, mật độ phương tiện cũng giảm đi 62% so với hiện tại.
Về nghi ngại khó áp dụng tại các đường trên cao như vành đai 3 tại Hà Nội, ông Tuấn nhấn mạnh việc phân luồng còn dễ dàng hơn vì chỉ cần chi phí rất nhỏ cho giải phân cách cứng. Đặc biệt, cách này cũng giảm chi phí xây dựng cầu vượt, hầm chui như Hà Nội đang làm, giảm chi phí giải phóng mặt bằng…
Tuy nhiên, ông lưu ý cách thức thực thi phụ thuộc rất nhiều về ý thức của người tham gia giao thông, có chế tài xử lý nghiêm hành vi vi phạm giao thông… Chúng ta cứ thực hiện theo luật, có biển báo rõ ràng kết hợp tuyên truyền, vận động, nhắc nhở người dân. Người dân thấy đúng, thấy hiệu quả, thuận tiện thì sẽ làm theo.
"Đèn giao thông được các nước sử dụng hàng trăm năm mà nay mình lại đi ngược lại. Nhiều chuyên gia giao thông cũng chưa tìm được giải pháp thực sự hiệu quả. Do đó, tôi quyết tâm suy nghĩ giải pháp xóa đi nỗi khổ đi lại của mọi người", ông Tuấn cho hay.