Cựu Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa bị đề nghị 7-8 năm tù
Pháp luật - Ngày đăng : 20:20, 29/12/2022
Chiều 29/12, tại phiên tòa xét xử 13 cựu quan chức tỉnh Khánh Hòa gây thất thoát, lãng phí hơn 62 tỷ đồng tài sản của nhà nước, đại diện VKSND tỉnh trình bày bản luận tội, phân tích hành vi sai phạm của các bị cáo trong quá trình triển khai dự án BT xây mới Trường Chính trị có phương án hoàn vốn là giá trị khu đất 01 Trần Hưng Đạo (trụ sở Trường Chính trị cũ).
Đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, gây thất thoát tài sản nhà nước, tạo dư luận xấu, giảm sút lòng tin của nhân dân.
Kiểm sát viên nhấn mạnh, các bị cáo có trình độ, am hiểu pháp luật, giữ các chức vụ quan trọng trong bộ máy cơ quan hành chính của tỉnh, tuy nhiên đã tùy tiện trong các quyết định, tham mưu thực hiện các hành vi trái pháp luật tại dự án BT Trường Chính trị.
Do đó cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc, cách ly các bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian đủ sức răn đe và phòng ngừa chung cho xã hội.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Chiến Thắng với vai trò là người đứng đầu UBND tỉnh, đã chỉ đạo bằng nhiều văn bản trong quá trình thực hiện đầu tư và triển khai dự án.
Bị cáo Thắng đã trực tiếp ký các văn bản như chỉ định nhà đầu tư mà không tổ chức đấu thầu; Xác định giá trị quyền sử dụng đất của khu đất 01 Trần Hưng Đạo và ấn định giá trị là hơn 122 tỷ đồng được cố định và ổn định trong suốt thời gian có hiệu lực của Hợp đồng BT và cấp giấy chứng nhận đầu tư không đúng quy hoạch. Đây là tiền đề cho các sai phạm.
Tại phiên tòa, bị cáo Thắng không nhận thấy hành vi phạm tội của mình nên phải chịu mức hình phạt cao nhất.
Bị cáo Lê Đức Vinh với chức vụ Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT tham mưu không đúng quy định trong việc thu hồi đất; Giao và cho nhà đầu tư thuê đất trái quy định của pháp luật; Ký văn bản điều chỉnh phương án kiến trúc quy hoạch Dự án Nha Trang Center 2 và điều chỉnh chức năng căn hộ du lịch thành nhà ở chung cư (để bán) không đúng với quy hoạch.
Bị cáo Đào Công Thiên chịu trách nhiệm trong việc ký ban hành các quyết định giao đất, cho thuê đất, phê duyệt giá đất và bán tài sản trên đất trái pháp luật.
Các bị cáo khác có sai phạm khi tham mưu các văn bản trái luật, không thực hiện đúng quy trình thẩm định giá đất, bán tài sản trên đất.
Đại diện VKSND tỉnh đề nghị Hội đồng xét xử TAND tỉnh Khánh Hòa tuyên cả 13 bị cáo tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
Theo đó, đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Chiến Thắng - cựu Chủ tịch UBND tỉnh từ 7 đến 8 năm tù, Lê Đức Vinh - cựu Chủ tịch UBND tỉnh và Đào Công Thiên - cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa từ 6 đến 7 năm tù;
Bị cáo Nguyễn Ngọc Tâm - cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính từ 5 đến 6 năm tù; Lê Văn Dẽ - cựu Giám đốc Sở Xây dựng từ 4 đến 5 năm tù.
Các bị cáo Võ Tấn Thái - cựu Giám đốc Sở TN&MT, Vũ Xuân Thiềng - cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT, Trần Sỹ Quân - cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế, Nguyễn Văn Nhựt - cựu Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trần Quang Bửu - cựu Phó Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa từ 3 đến 4 năm tù.
Bị cáo Trần Văn Thọ - cựu Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng dân dụng và công nghiệp, Lê Huy Toàn - cựu Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang, Nguyễn Ngọc Tuấn - cựu Phó phụ trách Phòng Vật giá công sản thuộc Sở tài chính từ 2 đến 3 năm tù.
Đề nghị thu hồi hàng trăm tỷ đồng từ Công ty Cổ phần Thanh Yến
Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKSND tỉnh Khánh Hòa nêu quan điểm đối với phần diện tích đất tại 01 Trần Hưng Đạo là vật chứng trong vụ án, theo quy định của pháp luật cần phải thu hồi.
Tuy nhiên, trên thực tế, hiện Công ty CP Thanh Yến đã xây dựng xong công trình là tòa nhà và đưa vào sử dụng, toàn bộ hơn 900 căn hộ tại đây đã được Công ty này bán cho người thứ 3, trong đó có nhiều căn hộ mua đi bán lại. Vì vậy, để đảm bảo quyền lợi cho nhóm khách hàng này và thi hành án, cần thu hồi giá trị tài sản cụ thể như sau:
13 bị cáo liên đới bồi thường phần thiệt hại của vụ án là hơn 62,5 tỷ đồng. Đối với sai phạm giảm 55% giá trị bán tài sản của Trường Chính trị gây thất thoát hơn 11,5 tỷ đồng, bị cáo Đào Công Thiên và Nguyễn Ngọc Tâm phải liên đới bồi thường.
Tuy nhiên Công ty CP Thanh Yến là đơn vị trực tiếp hưởng lợi từ hành vi phạm tội của các bị cáo nên cần thu hồi số tiền trên (hơn 74 tỷ đồng) từ công ty này.
Trong quá trình điều tra vụ án, nhiều bị cáo đã khắc phục hơn 1,5 tỷ đồng, do đó số tiền Công ty CP Thanh Yến phải nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 72,5 tỷ đồng.
Đối với phần giá trị tăng lên tại thời điểm phát hiện hành vi phạm tội (ngày 5/10/2020) là gần 262 tỷ đồng, đại diện VKS cũng đề nghị phải thu hồi từ Công ty CP Thanh Yến.