Tục cúng Ông Công Ông Táo 3 miền Bắc - Trung - Nam có gì đặc biệt?‏

Thông tin cần biết - Ngày đăng : 15:30, 29/12/2022

Tục thờ cúng ông Công, ông Táo của người dân Việt Nam mang ngụ ý gửi gắm mong ước về một năm no đủ, bình an và sung túc. Tuy nhiên, ở 3 miền Bắc - Trung - Nam lại có nét văn hóa riêng biệt cho nên tục cúng Táo Quân cũng có sự khác biệt đầy thú vị. Năm 2023 càng đến gần, để nhận về những điều tốt đẹp, người dân ở 3 miền nên chuẩn bị mâm lễ cúng theo những gợi ý dưới đây. ‏

1. Nguồn gốc và ý nghĩa của Ông Công Ông Táo‏

‏Theo điển tích xưa, ông Công là vị thần có nhiệm vụ cai quản nhà cửa đất đai. Ông Táo là ba vị thần chuyên cai quản việc bếp núc. Người xưa có câu:‏

‏“Thế gian một vợ, một chồng,‏

‏Không như vua bếp, hai ông một bà”‏

‏Chính vì thế, trong dân gian lưu truyền thờ ông Táo qua sự tích "2 ông 1 bà" gồm Thần Đất, Thần Nhà, Thần Bếp. ‏

‏Ông Công, ông Táo là các vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần gian trông nom, ghi chép những công tội, tốt xấu của con người. Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần cưỡi cá chép về chầu trời, bẩm tấu với Ngọc Hoàng về những chuyện đã xảy ra trong năm của gia chủ để luận công thưởng, phạt. ‏

‏Do đó, với mong muốn gia đạo nhận được nhiều may mắn tốt lành, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình lại làm lễ tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời. Sau đó, đêm 30 Tết, ông Táo sẽ trở về nhà và cùng đón chào năm mới. ‏

‏Xem thêm: ‏‏Tử vi năm 2023‏‏ của 12 con giáp - phongthuyso.vn‏

‏Năm 2023, lễ cúng Táo Quân chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán Quý Mão diễn ra tương đối sớm so với mọi năm. Ngày 23 tháng Chạp vào cuối tuần, thứ Bảy ngày 14 tháng 1 năm 2023 dương lịch. Các gia đình nên có sự chuẩn bị chu toàn để rước hên may, thuận lợi vào nhà. ‏

2. Tục cúng Ông Công Ông Táo ở miền Bắc‏

‏Lễ cúng Táo Quân ở miền Bắc diễn ra vào từ ngày 21 đến 23 tháng Chạp. Buổi lễ thường được tiến hành khá sớm, muộn nhất là vào 12 trưa ngày 23/12 âm lịch. Bởi lẽ người miền Bắc quan niệm rằng sau 12 giờ trưa các vị thần đã về chầu trời. ‏

‏Mâm lễ cúng được người dân Bắc rất chú trọng, bày biện đủ các món ăn truyền thống như bánh chưng, xôi gấc, gà luộc, giò chả, nem rán, canh măng, rượu, trà bánh, trầu cau, thuốc lá, mâm ngũ quả, hoa cúc vàng,... Bên cạnh đó, lễ vật dâng lên Ông Công Ông Táo còn có 3 bộ quần áo, mũ, hia. Trong đó hai mũ ông Táo thì có hai cánh chuồn và 1 mũ bà Táo thì không có cánh chuồn.‏‏ ‏

‏Đặc biệt, mâm cúng lễ không thể thiếu trên mâm cúng đó là 3 con cá chép vàng để làm vật cưỡi cho Táo Quân. Sau khi chuẩn bị xong, gia chủ đọc bài ‏‏văn khấn Ông Công Ông Táo‏‏, cá chép sau khi cúng sẽ được thả phóng sinh tại các ao, hồ, sông, suối thể hiện nét đẹp nhân văn của con người. ‏

3. Tục cúng Ông Công Ông Táo ở miền Trung‏

Mâm cúng Ông Công Ông Táo miền Trung‏

‏Người miền Trung cũng thường tiến hành cúng Táo Quân trước 12 giờ ngày 23 tháng Chạp. Mâm lễ cúng dâng ông Táo ở miền Trung khá đơn giản chỉ có hoa quả và nhang đèn. Tuy nhiên, lễ vật dâng lên lại rất cầu kỳ, cẩn thận. Người dân nơi đây đa phần không cúng cá chép cho các Táo như người Bắc mà họ thường cúng áo mũ vàng mã, ngựa giấy có yên cương đầy đủ. ‏

‏Ngoài ra, với tập tục thờ cúng Táo quân, người dân miền Trung không thờ chung với gia tiên, họ thường lập bàn thờ nhỏ, riêng biệt ở bếp. Vì vậy, trước khi tiến hành lễ cúng, người phụ nữ trong nhà luôn được căn dặn phải giữ cho căn bếp được gọn gàng sạch sẽ và an tĩnh. ‏

‏Riêng với người dân ở Huế, các gia đình còn có tục dựng cây nêu trong sân vào sáng 23 với ngụ ý trần giữ nhà cửa trong những ngày các vị thần vắng nhà. Sau khi lễ hoàn tất, gia chủ sẽ tiễn 3 bức tượng đất nung Táo Quân của năm 2022 khỏi bàn thờ và đưa tới các gốc cây cổ thụ ngã ba đường hoặc các am miếu đầu xóm. Sau đó, rước tượng 3 Táo quân năm 2023 về nhà đặt lại lên bàn thờ để thờ cúng trong năm mới.‏

4. Tục cúng Ông Công Ông Táo ở miền Nam‏

‏Khác với phong tục ở miền Bắc và miền Trung, người miền Nam thường cúng Táo quân vào khoảng từ 20h đến 23h ngày 23 tháng Chạp. Bởi lẽ, người dân nơi đây quan niệm rằng đây là thời điểm gia đình không phải dùng đến bếp núc để nấu nướng, tránh gây phiền hà đến các Táo về chầu trời. ‏

‏Mâm cúng Táo Quân ở miền Nam được bày trí khá đơn giản gồm có hoa tươi, nhang đèn, 3 chung nước, đĩa kẹo “thèo lèo cứt chuột” (được chế biến từ mè đen và đậu phộng). Về lễ vật thì người miền Nam không cúng cá chép mà họ thường dâng lên bộ “cò bay, ngựa chạy”. Đây là hình giấy có dạng con cò và con ngựa với ngụ ý mong muốn các Táo về chầu trời nhanh hơn. Ngoài ra, gia chủ còn sắm thêm quần áo mới bằng giấy để đốt cho ông Công, ông Táo‏

‏Có thể thấy, tục cúng Ông Công Ông Táo là truyền thống văn hóa ngàn đời của người Việt Nam. Tuy nhiên ở 3 miền Bắc - Trung - Nam lại có sự khác biệt, thể hiện nét đẹp đặc trưng của từng vùng. Năm 2023 càng đến gần, mỗi gia đình dù là ở vùng nào, miền nào cũng nên chuẩn bị lễ cúng Táo Quân đầy đủ, tươm tất để rước may mắn và tài lộc vào nhà. ‏

*Bài mang tính chất tham khảo và chiêm nghiệm

T/H