Người đàn ông ‘đơn thương độc mã’ ngăn chặn thảm họa hạt nhân

Tin thế giới - Ngày đăng : 10:29, 29/12/2022

Vào ngày 26/9/1983, ông Stanislav Petrov đã góp phần ngăn chặn sự bùng nổ của chiến tranh hạt nhân bằng cách đơn giản.
Ông Stanislav Petrov tại nhà riêng năm 2004

Không nhiều người biết rõ hơn ông Stanislav Petrov về việc thế giới đã tiến gần đến một cuộc chiến tranh hạt nhân như thế nào. Ông Petrov bắt đầu ca làm việc vài giờ vào ngày 26/9/1983, với tư cách là sĩ quan trực tại Serpukhov-15, trung tâm chỉ huy bí mật bên ngoài Moscow được sử dụng để theo dõi các vệ tinh quân sự của Liên Xô trên khắp nước Mỹ.

Đột nhiên chuông báo động vang lên, cảnh báo rằng 5 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa Minuteman đã được phóng từ một căn cứ của Mỹ. Stanislav Petrov nhớ lại một vài khoảnh khắc cần thiết để nhận ra chuyện gì đang xảy ra. Ông nói: “Trong 15 giây, chúng tôi đã ở trong trạng thái sốc. Chúng tôi cần xác định điều gì xảy ra tiếp theo”.

Vào thời điểm đó, ông Petrov 44 tuổi, đang phục vụ trong Lực lượng Phòng không Liên Xô - một trong những giai đoạn căng thẳng nhất của Chiến tranh Lạnh. Tổng thống Reagan đã từ chối đóng băng cuộc chạy đua vũ trang, trong khi nhà lãnh đạo Liên Xô Yuri Andropov, luôn lo sợ về một cuộc tấn công của người Mỹ.

Cấp trên của ông Petrov chịu trách nhiệm báo cáo bất kỳ cuộc tấn công nào cho bộ tổng tham mưu quân đội. Sau đó mọi thông tin sẽ được chuyển đến cho lãnh nhà lãnh đạo Andropov để đưa ra phương án đối phó.

Ông Petrov phân vân xem có nên báo cáo những tên lửa này với cấp trên hay không và có nguy cơ gây ra phản ứng dây chuyền không. Cuối cùng, ông quyết định rằng các báo cáo có thể là sai, mặc dù sau đó ông Petrov nhớ lại rằng có thể nhận định của bản thân chỉ đúng 50%. Thậm chí, ông Petrov tuyên bố rằng không bao giờ tin tưởng vào hệ thống cảnh báo sớm.

Phòng điều khiển tại căn cứ tên lửa hạt nhân bên ngoài Moscow, tương tự như căn cứ mà ông Petrov từng phục vụ

Trước khi phục vụ trong Chiến tranh Lạnh, ông Petrov theo học ngành kỹ thuật tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Vô tuyến điện Kiev của Lực lượng Không quân Liên Xô. Sau đó, ông Petrov gia nhập Lực lượng Phòng không, nhanh chóng thăng cấp thành Đại tá.

Những người đã nghiên cứu về ông Petrov và vai trò của ông trong sự kiện này cho rằng thái độ điềm tĩnh của ông Petrov là do ác cảm với những gì có thể là một thảm họa.

Mặc dù các máy tính đã nhấn mạnh mối đe dọa ở mức cao nhất có thể, nhưng ông Petrov vẫn bình tĩnh, cuối cùng quyết định không tin tưởng vào cảnh báo, mặc dù mối đe dọa có khả năng sắp xảy ra. Ước tính cho phép rằng một khi tên lửa được phóng, chỉ có 25 phút cho đến khi phát nổ.

Ông Petrov nói: “Không có quy định nào về việc chúng tôi được phép suy nghĩ trong bao lâu trước khi báo cáo. Nhưng chúng tôi biết rằng mỗi giây trì hoãn đều lấy đi thời gian quý báu, giới lãnh đạo quân sự và chính trị của Liên Xô cần được thông báo ngay lập tức.

Tất cả những gì tôi phải làm là với lấy điện thoại, nối đường dây trực tiếp tới các chỉ huy hàng đầu, nhưng tôi không thể di chuyển. Tôi cảm thấy như mình đang ngồi trên một cái chảo rán nóng vậy”.

Mặc dù ông Petrov quyết định không báo cáo tên lửa, nhưng ông đã báo cáo cảnh báo là do trục trặc hệ thống. Ông Petrov nói với The Washington Post: “Tôi có một cảm giác bồn chồn. Tôi không muốn phạm sai lầm. Tôi đã đưa ra quyết định, và chỉ thế thôi”.

Ông Petrov tin rằng nếu người Mỹ bắt đầu một cuộc chiến, thì nó sẽ khốc liệt hơn. Ông nói: “Khi mọi người bắt đầu một cuộc chiến, họ không bắt đầu nó chỉ với 5 quả tên lửa”.

Cuối cùng nguyên nhân cảnh báo được xác nhận do hệ thống cảnh báo thực sự bị trục trặc. Ông Petrov cũng nói rằng không quá tin tưởng vào hệ thống cảnh báo này, bởi vì nó được sản xuất quá nhanh để theo kịp Mỹ.

Như vậy, với phán đoán chính xác của mình, ông Petrov đã ngăn chặn được việc Liên Xô thực hiện hành động trả đũa, có nghĩa rằng đã ngăn chặn được một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Đại tá Stanislav Petrov qua đời ở tuổi 77 tại Fryazino, ngoại ô Moscow. Ông đã nhận được giải thưởng từ Hiệp hội Công dân Thế giới cho công việc của mình tại Serpukhov-15 và được trao Giải thưởng Hòa bình Dresden.

Vào năm 2014, một bộ phim tài liệu đã được thực hiện về ông với tựa đề “Người đàn ông đã cứu thế giới”. Mặc dù hành động đã mang lại cho ông danh tiếng, nhưng ông Petrov vẫn khẳng định rằng bản thân không xứng đáng được chú ý.

Trong một cuộc phỏng vấn cho bộ phim, ông nói: “Bất kỳ ai ở vào vị trí ông cũng sẽ làm như vậy”.

Hạ Thảo (lược dịch)