Nét đẹp văn hóa người Mông trong vở thực cảnh "The Mong show"
Dòng chảy - Ngày đăng : 08:45, 29/12/2022
Vở diễn thực cảnh "The Mong show" khai thác đời sống tinh thần, văn hóa của người Mông tại Lào Cai ra mắt lần đầu tiên tại Festival "Tinh hoa Tây Bắc" năm 2022 đã để lại nhiều cảm xúc và ấn tượng đối với khán giả.
Nay, vở diễn trở lại với nhiều suất diễn trong những ngày cuối tháng 12 tại Trung tâm Thông tin và Xúc tiến Du lịch tỉnh Lào Cai. Đây chính là bảo tàng Sa Pa, một địa chỉ văn hóa quen thuộc với du khách trong nước và quốc tế.
Ấn tượng vở diễn tái hiện phong tục, nét đẹp văn hóa người Mông
Với thời lượng 35 phút, "The Mong show" không có MC dẫn chương trình. Tất cả các mảng nghệ thuật được kết nối nhịp nhàng, khéo léo bằng các phần trình diễn thông qua âm nhạc, hoạt cảnh, nghệ thuật múa, lời ca, tiếng khèn...
Vở diễn được hình thành dựa trên thế giới quan, phong tục và sinh hoạt truyền thống thường ngày của người Mông. Có 8 màn chính: "Thầy cúng", "Lò rèn", "Dệt vải", "Phiên chợ", "Say rượu", "Người Mông về bản", "Chợ tình", "Bảo tàng văn hóa Mông".
Khi bước vào không gian của vở diễn, các thiếu nữ người Mông ở độ tuổi 16,17 tuổi nắm tay khán giả, trao truyền những thông điệp về vở diễn. Sau trailer tóm tắt các màn chính của vở diễn, 3 hồi tù và do hai chàng trai bên con thác dựng mô phỏng Thác Bạc vang lên, người thầy cúng bước ra từ vách đá hướng về bát nước đầy đặt trên mỏm đá trước mặt ông. Bên cạnh đó, tốp người già trẻ trong bản đứng lặng im nghe lời thầy cúng. Khán giả bước vào màn đầu tiên của vở thực cảnh, tái hiện nghi thức xin nước đầu năm của người Mông, mong cho một năm mới mùa màng thuận lợi, làm ăn phát đạt.
Tiếp sau đó, ánh sáng tập trung vào lớp sân khấu thứ hai, tái hiện nghề thủ công truyền thống của người Mông, trong màn "Lò rèn". Tiếng đập búa, mài dao, gõ thép của người thợ rèn tạo thành một bản hòa tấu mạnh mẽ và cuốn hút thông qua những vật dụng quen thuộc của người Mông. Những con dao nhiều kích cỡ lưỡi bằng thép nhíp, cán bằng sừng trâu bao trong chiếc vỏ làm bằng gỗ luôn là sản phẩm du khách tò mò, săn đón, mua về làm quà.
Màn "Dệt vải" được bắt đầu từ giọng hát trong trẻo của nghệ sĩ Lầu Thị Pàng, tái hiện hình ảnh những người phụ nữ Mông chăm chỉ, cần mẫn se lanh, dệt vải. Không gian đang ồn ã bỗng lắng xuống, mở ra một thế giới của những tấm vải chàm xanh thẫm, của tiếng khung cửi nhẹ nhàng đưa đẩy… Tất cả dần dần hiện lên theo lời hát và chuyển động của ánh sáng.
Phiên chợ vùng cao của người Mông cũng được tái hiện tưng bừng và sôi động trong vở diễn. Du khách được mời ngồi vào bếp lửa, thưởng thức chút rượu ấm nồng và chứng kiến những chàng trai Mông xoay tròn dưới bàn tay của những cô gái như con cù để thử sức chịu đựng xem ai đứng vững. Một vài em nhỏ chạy tới hùa theo, sau đó là một nghệ nhân múa khèn trổ tài nghệ của mình bên vũ điệu khèn mê hoặc. Âm nhạc ở sân khấu lúc này được hòa thanh bởi tiếng gõ dao thớt, tiếng gõ vào chảo thắng cố, tiếng sàng ngô đều đặn và đặc biệt là tiếng vỗ tay hò reo của khán giả.
Màn tái hiện chợ tình Sa Pa đặc biệt ấn tượng với tiếng thổi lá, tiếng khèn, tiếng nam nữ trêu đùa rồi kéo vợ… được ê-kíp tái hiện khéo léo trong những cây đào cổ tại khuôn viên bảo tàng Sa Pa.
Ê-kíp vở diễn muốn giúp nghệ sĩ Mông sống bằng nghề
Điều khác biệt khi đến xem "The Mong show" là khán giả thay vì ngồi cố định tại một vị trí theo dõi thì sẽ phải vừa đi vừa lắng nghe, quan sát và hòa mình cùng vở diễn thông qua từng lớp sân khấu được bố trí dựa trên địa hình thực tế của bảo tàng Sa Pa. Vì vậy mỗi chương trình giới hạn lượng khán giả khoảng 50 người để đảm bảo ai cũng được trải nghiệm.
Tổng đạo diễn chương trình, NSƯT Thanh Hằng chia sẻ rằng, vở thực cảnh không sử dụng thiết bị khuyếch đại âm thanh, tạo trải nghiệm mới lạ cho người xem, hoàn toàn khác với những chương trình thực cảnh sử dụng yếu tố công nghệ sân khấu làm chủ đạo. Nghệ thuật múa đương đại được khai thác tối đa dựa trên chất liệu văn hóa dân gian của đồng bào Mông.
"Hơn 70 diễn viên là người Mông diễn như không diễn bởi toàn bộ xuyên suốt chương trình "The Mong show" đều là những sinh hoạt, tập tục quá đỗi quen thuộc với đồng bào ở đây. Những công việc thường ngày, bài nhảy múa được các em làm hoặc tập luyện mười mấy năm tới giờ, thì nghệ sĩ chưa chắc đã làm được tốt như vậy. Hơn nữa, chúng tôi lựa chọn diễn viên là người bản địa để đồng bào có cơ hội kể câu chuyện văn hóa của chính mình. Sự lựa chọn đó thể hiện tính tiếp nối thế hệ, tính nhân văn và lòng trắc ẩn của những người thực hiện", NSƯT Thanh Hằng nói.
Phần âm nhạc của vở diễn được nhạc sĩ Mạnh Tiến và nhạc sĩ Minh Đức chắt lọc và nhào nặn, tạo nên một bản hòa thanh đa màu sắc giữa đất trời Sa Pa.
Ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết, ông rất ấn tượng với show diễn.
"Qua show diễn, khán giả có thể cảm nhận rõ về nét văn hóa đặc sắc của người Mông tại Sa Pa", ông Trịnh Xuân Trường nói.
Ông Trịnh Xuân Trường cũng nhấn mạnh: "Với du lịch, điều quan trọng nhất hấp dẫn du khách là phải tự làm mới mình, luôn phải tạo ra các sản phẩm mới. Đặc biệt, những sản phẩm xuất phát từ giá trị văn hóa thì sẽ rất hấp dẫn và bền vững. Quan trọng hơn, người dân vừa sống được nhờ du lịch vừa gìn giữ bản sắc văn hóa. Chúng tôi cố gắng tạo mọi điều kiện để "The Mong show" được duy trì. Tiếp sau đó, sẽ tính tới việc phát triển mô hình để các dân tộc khác ở Lào Cai có điều kiện phát huy bản sắc văn hóa vùng miền".
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Thanh Tuấn - đại diện nhà sản xuất "The Mong show" thể hiện mong muốn, vở diễn có sức sống lâu bền, để là nơi mà bà con có thể thường xuyên tham gia đóng góp cho mỗi đêm diễn, góp phần gìn giữ di sản văn hóa và tạo nguồn lợi cho địa phương.
"Ê-kíp sản xuất kỳ vọng sẽ duy trì "The Mong show - Sa Pa lặng lẽ yêu", phát triển mở rộng hơn để mỗi lần sẽ là một show của các dân tộc khác nhau như Dao, Tày, Giáy, Xá Phó… Các show sẽ được tổ chức luân phiên với hy vọng du khách sẽ cảm nhận và hồi tưởng lại Sa Pa xưa - hoang sơ, mộc mạc, lặng lẽ mà huyền bí, diệu kỳ và ẩn chứa nhiều vẻ đẹp lãng mạn, mộng mơ", ông Nguyễn Thanh Tuấn chia sẻ.
Ban tổ chức cũng mong muốn, thông qua vở diễn thực cảnh này, các em người Mông có cơ hội được học và biết các văn hóa truyền thống của dân tộc mình, đồng bào có cơ hội sống bằng nghề và phần nào đó thay đổi tư duy làm du lịch bằng những vốn quý mà bản năng của họ đã có mà chưa biết khai thác. Để không còn thấy cảnh chèo kéo, xin ăn, những đêm múa khèn ngoài chợ...
"Nếu "The Mong show" có thể đi lâu hơn, chúng ta sẽ thấy các em bé rồi sẽ lớn dần dạy cho các em bé mới để trở thành những người mẹ người chị trong vai các nhân vật khác của show diễn", ông Nguyễn Thanh Tuấn bày tỏ.