Hàng ngàn nạn nhân nhận được gì sau phiên xử Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm?
Pháp luật - Ngày đăng : 20:36, 28/12/2022
Vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Alibaba do bị cáo Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) có 3.986 bị hại. Tuy nhiên, trong quá trình xét xử, hàng trăm bị hại khác đã tới tòa tố cáo hành vi lừa đảo của Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm, nâng tổng số bị hại lên tới 4.550 người.
Ảo tưởng 'với tới vì sao và bầu trời' của Nguyễn Thái Luyện
Tại phiên tòa, trong khi các bị cáo gồm cả vợ và em trai đều nhận tội thì Nguyễn Thái Luyện lại luôn miệng khẳng định mình không lừa đảo và bị oan. “Tôi không lừa đảo là sự thật. Từ khi khởi nghiệp kinh doanh, mục đích chính của tôi là mong muốn giới thiệu cho khách hàng những lô đất vùng ven giá rẻ, giúp khách hàng giàu lên”, Luyện khẳng định.
Ngoài ra, Luyện còn nói về kế hoạch trong 5 năm sẽ đưa Công ty Alibaba vươn lên thành công ty hàng đầu ở Đông Nam Á và “không chạm được vào vì sao thì cũng phải chạm tới bầu trời”.
Vì ham mua đất giá rẻ tại các dự án của Luyện mà hàng ngàn nạn nhân đã rơi vào cảnh phải nợ nần, có người phải bán nhà cũng không đủ trả ngân hàng và vay nóng bên ngoài.
Như trường hợp chị H. (ngụ quận 5, TP.HCM) vay mượn được gần 6 tỷ đồng, mang đi mua 30 lô đất của công ty Alibaba. Tuy nhiên, vừa mua được 1 tháng thì Nguyễn Thái Luyện bị bắt.
Do số tiền vay nợ dồn hết vào mua các dự án của công ty Alibaba, không thể bán hay rút về, chị H. đành bán nhà trả nợ. Tuy nhiên, nợ gốc cộng lãi đã tăng lên, số tiền bán nhà không thấm vào đâu.
Chán nản, chồng chị bỏ đi, hai vợ chồng ly thân, mấy mẹ con dắt díu nhau về ở nhờ nhà ngoại. Chị H. tâm sự, nhiều lúc muốn tự tử nhưng vì các con nên phải cố gắng vượt qua.
Hay trường hợp ông Vũ Văn Được (74 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM), thay mặt con trai tới tòa, ông Được nghẹn giọng trình bày: “Tôi đại diện cho con trai tôi, con tôi mất 42 ngày rồi. Xin tòa cho nhận lại số tiền đã đầu tư”.
Con trai ông Được là công nhân lái máy xúc, anh gom hết cả tài sản tích cóp được suốt 20 năm trời để mua đất của công ty Alibaba.
Chưa kịp nhận lời lãi gì thì Nguyễn Thái Luyện bị bắt và chỉ vài tháng sau anh cũng mắc trọng bệnh. Trước khi qua đời, anh trăn trối nhờ ba mình đi đòi lại tiền để lo cho các con còn thơ dại.
Các nạn nhân nhận được gì sau phiên tòa?
Trong khi nhiều người tha thiết được nhận lại tiền đã đầu tư, bên cạnh đó cũng còn rất nhiều người tin tưởng vào Luyện, họ khẳng định mình không bị lừa, Luyện bị oan, có người rút đơn tố cáo ngay tại tòa và đề nghị tiếp tục hợp đồng với Alibaba, nhận lại các lô đất đã mua.
Trước đề nghị của các bị hại, người xin nhận lại tiền, người đòi đất, vậy HĐXX sẽ giải quyết việc này như thế nào?
Luật sư Nguyễn Quốc Cường (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, theo quy định, pháp luật chỉ bảo vệ các giao dịch dân sự hợp pháp.
Đối với vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” do Nguyễn Thái Luyện và các đồng phạm thực hiện, căn cứ vào cáo trạng, VKS đã xác định, đối với các giao dịch dân sự này không đủ điều kiện theo quy định tại Luật kinh doanh bất động sản, Luật đất đai.
Có nghĩa là bị cáo Nguyễn Thái Luyện đã thực hiện phân lô, bán nền ở các dự án là đất nông nghiệp, chưa đủ điều kiện để phân lô, tách thửa là vi phạm pháp luật. Nên các yêu cầu xin nhận lại đất của một số bị hại là không có căn cứ.
Vì vậy, tòa chỉ xem xét các yêu cầu của các bị hại đề nghị nhận lại tiền.
Trường hợp xin nhận tiền, sau khi bản án có hiệu lực, các bị hại có thể tự mình hoặc ủy quyền cho người khác liên hệ với Chi cục thi hành án dân sự TP.HCM để nộp đơn yêu cầu thi hành án.