Tết về, thương mùi khói bếp ủ rượu của ông ngoại
Ẩm thực - Ngày đăng : 16:27, 27/12/2022
Giữa cái lạnh se se của những ngày tháng Chạp dần vơi, ông tôi lọ mọ thức dậy bên những chum rượu ủ men thơm nồng.
Ông gom hết những bó củi khô bấy lâu vẫn tựa mình dưới gốc bưởi già nở hoa trắng ngần, chồng lớp rơm rạ rát khô mùi nắng từ những mùa đồng áng trước đó, rồi nhóm lên bằng bao diêm Thống Nhất vẹo vọ và ẩm mục.
Tiếng que diêm va vào thành hộp, mùi khen khét vang dần gian bếp nhỏ cũ kỹ. Ông đùa rằng đó là mùi khói của những ông Bụt. Tôi thì gọi đấy là mùi của ông, mùi tuổi thơ, mùi ký ức, bởi dẫu qua bao tháng, bao năm, cái mùi ngàn ngạt cay nồng ấy vẫn cứ bảng lảng bên tiềm thức. Nhất là khi mùa Đông đang giăng đầy hơi lạnh, mà cô tôi bảo những thứ thuộc về tiềm thức thì lúc nào cũng da diết, thăm thẳm và đau đáu.
Để chuẩn bị cho ngày “khơi lửa” mẻ rượu Tết, ông tôi đã phải lọ mọ từ bao đêm ngày trước.
Đấy là những năm đầu 2000, mâm cơm Tết có đủ đầy hay không còn phải trông ra cánh đồng. Những cái Tết ghé về vừa mang hân hoan đến lũ trẻ nhưng cũng vương đầy nỗi lo người lớn.
Nhưng cũng như bố, như mẹ, như bà ngoại…ông tôi chả bao giờ để cô cháu gái thiếu thốn điều gì. Căn nhà nhỏ bé bên sông khi Xuân gõ cửa, phải thơm lựng mùi bánh chưng thịt mỡ, chè lam, dừa, mùi trầm hương cổ tích, và cả mùi hăng cay của rượu gạo.
Cứ thế, vào mỗi sáng tinh mơ, khi Tết ghé gần thêm một ngày, ông tôi lại lặng lẽ sàng gạo bên chái bếp. Ông chọn gạo hạt mẩy, chắc, nhặt bỏ hạt hư… rồi lại cất gọn vào một chiếc bì nhỏ. Mỗi ngày một chút, phần vì ông kỹ tính, phần vì cái nhanh nhẹn của tuổi già chỉ còn chừng đấy.
Lúc ấy, tôi bao nhiêu tuổi chẳng rõ, chỉ biết cái dáng người nhỏ nhắn của ông tôi tất bật và lập lòe giữa ánh đèn vàng vọt, nhàn nhạt, mong manh.
Lo xong phần thóc, trời cuối tháng Chạp bắt đầu lạnh hơn, ông tôi thức dậy châm lửa thổi cơm. Cơm phải đủ nước, không quá khô, không quá nhão. Chiếc nồi gang cỡ đại nước sôi tràn miệng, tràn xuống cả cành củi khô cháy dở tạo nên âm thanh xèo xèo vui tai. Cái âm thanh ấy gọi tôi trở dậy bên ông giữa buốt giá của một ngày đông đang vãn.
Ông đảo luôn tay cho cơm chín đều, xong xuôi ông nhấc nồi xuống, để cơm nguội dần một chút rồi đổ ra một tấm vải lớn sạch boong mà tôi không biết ông đã giặt, đã phơi, đã lau biết bao nhiêu lần.
Tôi nhìn ông chăm chú với đôi mắt của một con bé đang trông một nhà ảo thuật lão luyện. Ông dùng chiếc quạt mo cau phe phẩy từng đợt hơi nóng trên tấm vải cơm nếp, mùi hương bình dị lan cả căn nhà.
Tiếp đó, ông đều đặn rắc từng đợt men khô đã nghiền sẵn; đôi bàn tay nhăn nheo mà điêu luyện, thuần thục phủ lên đám cơm bóng bẩy một lớp bột trắng ngà, gọi là men rượu. Thi thoảng, tôi xin ông một nắm để tự tay rắc xuống. Nhưng đôi bàn tay trẻ con bé quá, một vốc nhỏ thả xuống như thể ném hòn sỏi trên mặt hồ rộng chẳng thấm vào đâu. Khi đấy ông tôi cười hiền, còn tôi mong lớn thật mau.
Cơm nếp rắc với men xong, ông đem ủ trong một thùng chum lớn. Cứ mỗi ngày qua đi, chiếc chum thơm lựng dần, ông tôi kiểm tra rồi lật tờ lịch nhỏ bên cột nhà, nhẩm tính ngày “khơi lửa” trọng đại.
Khi men rượu đủ nồng thì ngày này cũng tới. Ông đem tất thảy cơm nếp đã ủ vào một chiếc nồi lớn. Bên trên nồi lại đặt một chiếc thùng khác nữa, gắn thêm ống dẫn rượu và đổ nước lạnh vào thùng. Hơi rượu bốc lên, đủ nóng bên dưới, đủ lạnh bên trên, hơi theo ống dẫn, tích thành những hạt nước trong veo, thơm lừng và nóng hổi. Đấy là từng giọt rượu gạo tinh túy.
Tết về, bè bạn ông tôi từ thuở “sinh ra chiến tranh đã ở trước ngõ nhà” lại gặp gỡ nhau bên bàn rượu gạo ấm cúng, ký ức xa xăm đong đầy theo cơn say, vừa cay, vừa đắng.
Thế là, cái ngày “khơi lửa” bập bùng bên chái bếp cổ xưa của ông tôi gợi lên những ngày Xuân đang đến bên hiên nhà, gọi cả buổi hội ngộ của những con người từ ngày cũ dù còn hay không. Bên lư hương thoang thoảng, bên mâm cỗ tròn nghi ngút bánh chưng, thịt mỡ, bên những ngôi mộ cỏ xanh mùi khói,... đều có hương nồng cay khắc khoải của rượu gạo quê nhà.
Tôi rời thành đô giữa những chắp vá mông lung của miền ký ức lai vãng hương gạo nếp, mùi khói và mùi rượu gạo của ông. Về bên ngôi nhà cổ kính sau những hàng cù lao cạnh dòng Nông Giang, tôi thèm được nghe những câu chuyện ông kể về thuở chiến chinh, về những buổi cày bừa xa vắng trong chái nhà bếp khi hừng đông vẫn lặng im dưới những chân đồi.